Cơn lũ quét bất ngờ đổ ập qua bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) vào rạng sáng 2-10 vừa qua khiến hàng chục ngôi nhà bị sập, làng xóm chìm trong bùn đất dày tới hàng mét, tài sản gần như mất trắng. Trong lũ dữ, người dân ở Hòa Sơn không quên những cái nắm tay thật chặt, sẻ chia những bữa cơm nóng, chỗ trú chân của vợ chồng thầy giáo Vi Văn Hùng – giáo viên Trường THCS Bán trú Tây Sơn.
Khoảnh sân nhỏ nhà vợ chồng thầy Hùng trở thành nơi tổ chức bếp cơm cho bà con trong bản
Ký ức kinh hoàng
“Thầy ơi, cho bọn em trú nhờ với”, tiếng gọi cửa lẫn trong tiếng mưa và tiếng nước ầm ào quét qua làng. Trước mắt thầy giáo Hùng là hơn chục em học sinh THPT đang ở trọ theo học quanh bản Hòa Sơn chân đất, áo quần ướt mèm xin trú nhờ. Không kịp nghĩ nhiều, thầy Hùng cùng vợ tìm áo quần, khăn để các em lau khô và dọn dẹp chỗ cho các em trú qua đêm. “Các em đa phần đến trọ học từ các bản xa như Mỹ Lý, Keng Đu. Các em thuê nhà trọ phía cuối bản, nơi đó lũ quét qua rất dữ. Nước ập xuống, các em chỉ kịp chạy thoát thân, còn sách vở, áo quần đều bị lũ nhấn chìm”, thầy Hùng kể.
Rạng sáng, nhìn bản làng chỉ một màu bùn, mưa lớn, nước vẫn tiếp tục ào ạt đổ xuống, thầy Hùng đứng đầu hiên nhà cố gọi với thật to để bà con xung quanh kịp lên nhà thầy tránh lũ. “Chật bụng, không chật nhà. Bà con cứ đến, không có chỗ nằm thì ngồi tạm cũng được, miễn là an toàn”, vợ chồng thầy Hùng nói với nhau trong khi dọn dẹp không gian để giúp người dân. Để có thêm chỗ ở, thầy gửi 2 con sang nhà chị gái gần đó, nhường chỗ cho 15 người dân trong bản đến trú nhờ.
Nụ cười lạc quan của cô giáo Vi Thị Hiền (vợ thầy Hùng) khi chuẩn bị thực phẩm nấu cơm tiếp sức cho bà con vùng lũ
Thầy Hùng nói, sống ở Hòa Sơn hơn 30 năm, lần đầu tiên thầy nhìn thấy con lũ hung dữ đến như thế. Chỉ trong phút chốc, bản làng chỉ còn nhìn thấy nước và bùn đỏ quạch. “Tôi không kịp nghĩ gì, chỉ nghĩ nhà mình nằm ở điểm cao, kiên cố hơn nên gắng sức giúp bà con để đảm bảo an toàn trước đã”, thầy Hùng kể.
San sẻ yêu thương
Những bữa đầu tiên kể từ khi đón các em học sinh và bà con về ở cùng, vợ chồng thầy Hùng dồn hết lương thực mình có để nấu cơm phục vụ bữa ăn. Hết gạo, thầy Hùng bàn với chị gái mở kho gạo để hỗ trợ: “Nhà mình có sẵn gạo thì cứ giúp bà con trước đã, mọi chuyện tính sau. Trong hoạn nạn, tình người mới đáng quý”. Dứt câu, thầy Hùng nhận được cái gật đầu từ chị. Khoảnh sân cao ráo nhất nhà được dùng làm bếp nấu ăn. Bà con đang trú tại chỗ mỗi người một tay, nấu cơm, chia từng suất mang đi hỗ trợ các hộ dân khác.
Thầy Hùng kể, những bữa sau đó khi nước tạm rút, khi nguồn gạo trong nhà đã cạn thì bà con quanh bản góp thêm gạo, mì tôm cùng với sự hỗ trợ của chính quyền, các mạnh thường quân… bếp duy trì đỏ lửa. “Có nhiều bữa, bà con mãi dọn bùn, tôi đưa cơm tới, nhận từ tay tôi suất cơm nóng mà bà con ngỡ ngàng như không tin là thật. Ra về, vẫn nghe lời cảm ơn của bà con nói với theo sau lưng mà lòng rưng rưng. Tự nhiên trong lòng mình vui và thấy việc mình giúp bà con rất có ích”, thầy Hùng chia sẻ.
Suốt 10 ngày sau cơn lũ đi qua, thầy Hùng đề xuất xin được ở lại bản để hỗ trợ bà con và được sự đồng ý của Ban Giám hiệu nhà trường nơi thầy công tác. Thầy Hùng góp sức cùng chính quyền địa phương, hỗ trợ các mạnh thường quân vận chuyển thực phẩm hỗ trợ bà con. “Hầu như ngày nào cũng tất bật từ sáng tới tối khuya. Vận chuyển thực phẩm đến từng nhà cho bà con. Nhiều ngày, hai vợ chồng gửi con cho chị gái để đi tiếp tế thực phẩm, tối mịt cả nhà mới cùng nhau dùng bữa cơm đầy đủ nhất trong ngày. Vất vả nhưng vui”, thầy Hùng kể.
Thầy Phan Văn Thiết – Trưởng phòng GD-ĐT huyện Kỳ Sơn cho biết, toàn huyện có 42 gia đình giáo viên bị thiệt hại nặng trong trận lũ quét đầu tháng 10. Ngành giáo dục đã kêu gọi sự chung tay của nhà hảo tâm, cùng với sự quan tâm của chính quyền hỗ trợ giúp giáo viên ổn định cuộc sống, yên tâm giảng dạy. Hàng trăm giáo viên trên địa bàn huyện Kỳ Sơn cũng đã dừng đến trường, chung tay hỗ trợ người dân dọn dẹp bùn đất, khắc phục hậu quả lũ lụt.
|
Hơn chục năm dạy học ở vùng khó, miền biên giới, thầy Hùng hiểu sự khó khăn của bà con khi tài sản dành dụm cả đời chìm trong bùn nước. Thầy Hùng bần thần nói: “Những thứ như cày, cuốc, các vật dụng đơn giản của nhà nông nếu may mắn xới hết lớp bùn dày cả mét mà tìm được thì còn có thể dùng được. Nhưng xe cộ thì có lẽ như phế liệu vứt đi rồi”. Câu chuyện vội cùng tôi bên con đường ở trung tâm bản, rồi vợ chồng thầy Hùng chia đôi ngả. Cô giáo Vi Thị Hiền – giáo viên Trường Mầm non Tà Cạ xách từng phần cơm đi phát cho bà con và người già, còn thầy Hùng chạy ra trung tâm xã để kịp chở thực phẩm, mì tôm, nước uống ngược về cuối bản – nơi con lũ để lại hậu quả nặng nề nhất để hỗ trợ bà con. “Làm được gì giúp bà con trong khó khăn thì mình sẵn sàng làm. Mình chỉ là một phần nhỏ thôi, sức mình đến đâu mình giúp bà con đến đó. Tà Cạ những ngày này nhiều gia đình trở thành nhà chung, bà con sẵn sàng san sẻ đi những thứ mình có để cả làng bản cùng nhau vượt qua. Trong gian khó mới thấm thía nghĩa tình làng xóm”, thầy Hùng nói rồi rú xe chở theo cả thùng đựng thực phẩm ì ạch leo lên con dốc đầy bùn. Cô giáo Hiền nhìn theo chồng cười thật tươi, dường như với họ, khó khăn chỉ thêm phần gắn kết và yêu thương.
Chiều muộn, tôi đứng thật lâu, nhìn dáng vẻ tất bật của những người dân Tà Cạ, dù quần xắn cao quá gối nhưng bùn đất vẫn lấm lem bởi phải nhọc nhằn dọn dẹp với hy vọng tìm thấy những tài sản chìm sâu trong đất. Có lẽ sẽ còn rất lâu, người dân nơi đây mới thực sự vực dậy cuộc sống bình thường như trước lũ, nhưng đâu đó vẫn còn những tấm lòng như vợ chồng thầy Hùng và nhiều người khác ở Kỳ Sơn đang lặng thầm sự sẻ chia đầy ấm áp mang lại nhiều hy vọng về sự hồi sinh.
Phan Lệ
Bình luận (0)