Trời tối đen như mực, gió thổi tứ bề, nước dâng đến cổ, hai ông bà 90 tuổi ôm lấy nhau nghĩ đến điều xấu nhất. Đúng lúc ấy, chiếc thuyền nhỏ của bố con anh Nguyễn Đức Cường ở Hương Khê (Hà Tĩnh) xuất hiện.
Đêm 18/10, sau 3 ngày mưa to, nước từ thượng nguồn đổ về cuồn cuộn, rốn lũ Hương Khê (Hà Tĩnh) mênh mông nước. Tiếng gọi nhau í ới, tiếng trẻ con khóc, trâu bò rống hòa lẫn trong tiếng mưa, gió và nước lũ gầm rú.
Xóm 2 xã Hương Đô vốn có truyền thống ly hương, hầu hết thanh niên, trung niên trong xóm đi nơi khác làm ăn, ở nhà toàn cụ già và phụ nữ. Trong đêm mưa lũ tràn về, trời tối đen như mực, gió thổi tứ bề, nước dâng đến cổ, vợ chồng cụ Trần Văn Yến (90 tuổi) hoảng hốt lần tìm đường trú tránh.
Những ngày này, hầu khắp tuyến đường ở Hà Tĩnh đều ngập sâu. Ảnh: Nguyên Khoa. |
Đúng lúc ấy, chiếc thuyền nhỏ của bố con anh Nguyễn Đức Cường (49 tuổi) xuất hiện. Để cậu con trai chèo lái, anh Cường nhảy xuống nước, lần lượt bế hai cụ lên thuyền. Trên đường đi, bố con anh nghe tiếng kêu cứu của cụ Nguyễn Xuân Yên (80 tuổi) ở nhà một mình. Không ngần ngại, hai cha con lại đưa thuyền vào cứu giúp.
Khi chiếc thuyền đưa 3 cụ già đến nơi sơ tán an toàn, hai cha con trở về cũng là lúc ngôi nhà của họ bị ngập nước đến chân giường. Anh lại tất tả cõng bố năm nay đã 80 tuổi bị liệt và đưa vợ đến nơi an toàn, rồi lại tiếp tục chèo thuyền đi cứu người.
Trong đêm tối mịt mùng, chiếc thuyền của anh Cường cùng 2 cậu con trai là Nguyễn Đức Cảnh (16 tuổi), Nguyễn Đức Hoàng (13 tuổi) lao như con thoi qua hết nhà này sang nhà khác để sơ tán người. Đêm đó, ba bố con anh cứu được 13 người, trong đó có 9 cụ già và 2 em nhỏ.
Bà Nguyễn Thị Nghi (70 tuổi) xúc động nói: “May mà có cha con chú Cường chứ không thì chúng tôi chết cả rồi. Nước chi mà lắm rứa không biết. Không chỉ cứu sống chúng tôi mà chú Cường còn chữa trị cho thằng Đạt bị thương trong lũ không đưa đi trạm xá được. Nhiều người ở làng này này coi chú Cường là ân nhân suốt đời”.
Ngày 20/10, bố anh Cường lại phát bệnh nặng, anh phải chèo thuyền đưa bố ra bệnh viện. Nói về hành động của mình, anh nhỏ nhẹ: “Mình là Đảng viên, lại có hiểu biết về y tế, có thuyền, có sức khỏe thì phải cứu người thôi, chứ lúc đó cũng không nghĩ được chi khác. May mà trong khi đi cứu họ, hai thằng con trai của tôi không việc gì”.
Bất chấp dòng nước sông Lam dâng lên cuồn cuộn và xoáy mạnh, Nguyễn Văn Chung đã lao thuyền cứu một phụ nữ trên chuyến xe định mệnh gặp nạn sáng 18/10. Ảnh: Vũ Viễn. |
Trong lũ dữ, những người dân xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân còn nhớ hình ảnh chàng trai Nguyễn Văn Chung (19 tuổi). Hôm đó, trời mưa như trút nước, Chung nghe tiếng kêu cứu thảm thiết ngoài quốc lộ 1A, chèo thuyền chạy ra thì thấy chiếc xe khách đang chìm dần giữa dòng sông Lam nước xoáy. Cách đó một đoạn, một số người đang chới với đu bám vào dây điện, cột điện. Nước chảy xiết, trời mưa như tát nước vào mặt, không kịp suy nghĩ nhiều, Chung lao ra tiếp cận một bà cụ đang chìm dần giữa dòng nước xoáy.
Sau một hồi vật lộn, Chung đưa được phụ nữ lên thuyền rồi kêu mọi người ra cứu giúp những người còn lại. Người được anh Chung cứu sống là bà Trần Thị Mừng (46 tuổi) ở Đăk Lăk. Bà Mừng được anh Chung cứu sống nhưng con trai bà là anh Phạm Văn Tuyên đã bị nước lũ cuốn trôi theo chiếc xe đến nay vẫn chưa tìm thấy xác. Giọng run run không nói nên lời, bà Mừng xin nhận anh Chung là con trai, như một sự tạ ơn và cũng là để vơi đi nỗi đau mất con.
Nhắc đến Chung, một người dân ở xóm 9 xã Xuân Hồng nói: “Nó tội nghiệp lắm, cha mẹ chết sớm, phải đi làm thuê kiếm sống, ai cũng yêu quý nó vì tính tình hiền lành, thật thà và nhân ái”.
Đợt lũ lớn nhất trong mấy chục năm qua ở Hà Tĩnh đã nhấn chìm hàng chục nghìn ngôi nhà, hàng trăm nghìn người dân thiếu ăn, khát uống giữa biển nước mênh mông. Trong lũ dữ, hầu như địa phương nào cũng có những tấm gương quên mình xả thân cứu người được gặp nạn.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó bí thư Huyện ủy Vũ Quang, một trong những địa phương ngập nặng nhất trong đợt lũ này, cho biết: “Sự xả thân của bộ đội, công an, đoàn viên thanh niên đã giúp hạn chế được rất nhiều thiệt hại về người và của. Hàng trăm người đã được cứu sống giữa dòng nước lũ lịch sử”.
Hội chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông phát động tháng nhắn tin chung sức vì đồng bào miền Trung, từ 15/10 đến 15/11. Người dân ủng hộ bằng cách soạn tin nhắn với cú pháp: UH gửi 1405 (10.000 đồng/SMS) hoặc UH gửi 1409 (18.000 đồng/SMS). Toàn bộ số tiền ủng hộ sẽ được chuyển đến đồng bào miền Trung để khắc phục thiệt hại do lũ lụt gây ra. |
Hà Nguyên Khoa (VnExpress)
Bình luận (0)