Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Tính nhầm giá xăng, dân thiệt hàng ngàn tỉ đồng

Tạp Chí Giáo Dục

Cách tính sai thuế tiêu thụ đặc biệt của liên bộ Tài chính – Công thương với mặt hàng xăng dầu khiến giá xăng bán lẻ ra thị trường đội lên gần 200 đồng/lít và người tiêu dùng phải thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng.
Không chỉ thế, giá xăng bán lẻ ra thị trường theo cách tính của liên bộ Công thương – Tài chính còn đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) chồng cả lên khoản tiền của người tiêu dùng trích lập dự phòng 300 đồng/lít trong quỹ bình ổn.

 /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Dân gánh thêm gần 200 đồng/lít xăng
Cũng giống như các mặt hàng chịu thuế TTĐB là bia, rượu, thuốc lá, ô tô, máy điều hòa… với mặt hàng xăng, theo Nghị định 83, ngoài thuế TTĐB người tiêu dùng còn phải trả thêm 300 đồng/lít xăng để vào Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Và thế là khoản này cũng bị đánh thuế luôn theo Nghị định 100 (có hiệu lực từ ngày 1.7.2016), tức người tiêu dùng phải đóng thuế cho chính khoản tiền dự phòng của mình trước đó. Không chỉ đóng thuế “chồng” lên khoản tiền trích lập dự phòng, với cách tính mới, người tiêu dùng hiện đang chịu cảnh “thuế chồng thuế” với cả thuế môi trường 3.000 đồng/lít.

 
 
 
Nếu tính nhu cầu tiêu thụ xăng khoảng 12 triệu tấn/năm, cách tính giá sai của liên bộ, tạo chênh lệch giá, khiến người tiêu dùng phải chi thêm gần 3.100 tỉ đồng mỗi năm
 
 
 
 
Trước đó, các nhà kinh doanh xăng dầu phản ánh liên bộ Công thương – Tài chính trong 3 kỳ điều hành giá xăng dầu từ ngày 1.7 – 18.8, tuy đã có cách tính mới song vẫn dựa vào cách tính cũ để tính giá xăng khiến doanh nghiệp (DN) chịu thiệt.
Cụ thể, theo cách tính cũ, thuế TTĐB dựa vào cách tính giá cơ sở bao gồm giá nhập khẩu (CIF) cộng thuế nhập khẩu, 2 khoản này cộng lại khoảng 10.500 đồng/lít. Tuy nhiên, theo Nghị định 100 có hiệu lực kể từ 1.7.2016, thuế TTĐB được tính theo giá bán ra của DN nhập khẩu, DN sản xuất, bao gồm: giá nhập khẩu (CIF), thuế nhập khẩu, thuế GTGT, lợi nhuận định mức, chi phí định mức, quỹ bình ổn, thuế TTĐB… Tổng cộng các loại phí, thuế này khoảng 16.500 đồng/lít, thuế TTĐB phải đóng là 1.650 đồng (10%), thay vì 1.050 đồng theo cách tính cũ. 600 đồng trong cách tính mới được xác định từ 10% các khoản thuế môi trường, phí định mức, lợi nhuận định mức, trích lập dự phòng…
Tuy nhiên, người tiêu dùng mới chịu thiệt nhiều nhất. Với cách tính sai như trên, cộng việc thuế chồng thuế, các chuyên gia kinh tế tính toán trung bình mỗi lít xăng bán ra bị đội thêm gần 200 đồng/lít. Nếu tính nhu cầu tiêu thụ xăng khoảng 12 triệu tấn/năm, cách tính giá sai của liên bộ tạo chênh lệch giá, khiến người tiêu dùng phải chi thêm gần 3.100 tỉ đồng mỗi năm.
Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên liên bộ Công thương – Tài chính “tính nhầm”. Tháng 3 vừa qua, báo cáo của Bộ Tài chính chỉ rõ, năm 2015 số tiền phải hoàn thuế nhập khẩu cho DN xăng dầu lên hơn 3.500 tỉ đồng. Số tiền này được xác định do cách tính thuế sai của liên bộ. Cụ thể, theo cam kết hội nhập ASEAN, thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu từ các nước ASEAN chỉ chịu 0 – 5%, song khi tính giá xăng bán ra thị trường liên bộ Công thương – Tài chính vẫn giữ nguyên cách tính thuế cũ là từ 10 – 20%. Hệ quả là trong năm 2015, đã có ít nhất hơn 3.500 tỉ đồng chênh lệch mà người dân phải chịu đã "chui" vào túi DN. Lỗi lớn này được xác định là của liên bộ vẫn chưa được xử lý đến nơi đến chốn.
“Sai lầm chết người”
Đó là nhận định của ông Phan Thế Ruệ, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại (cũ), Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN, khi được hỏi về việc trong một năm đã có hai lần liên bộ tính nhầm giá xăng.
Ông Ruệ khẳng định: “Đây là sai lầm chết người mà nếu để “huề cả làng”, không xử lý nghiêm, tình trạng “tính nhầm” sẽ còn tái diễn”. Ông Ruệ cho rằng, phương pháp tính thuế TTĐB theo giá đầu ra là đúng, nhưng cách tính thế nào để tránh chồng chéo, không trùng lắp gây thiệt hại cho người tiêu dùng là rất quan trọng. Đặc biệt, quỹ bình ổn là tiền của người tiêu dùng ứng ra trước đó, bản chất của nó đã là bất hợp lý, không thể tính thuế trên số tiền đó được. Bất hợp lý thứ hai là các khoản lợi nhuận định mức 300 đồng/lít. Nếu chọn cách tính thuế chồng thuế như hiện nay thì lợi nhuận DN thu về không phải là 300 đồng mà lớn hơn nhiều. Như vậy, cách tính thuế hiện nay không có lợi cho người tiêu dùng mà chỉ có lợi cho nhà nước và DN… “Điều này cho thấy cách làm chủ quan và là sự nhầm lẫn của liên bộ. Thực tế, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm tính toán đưa ra giá cơ sở, song phải có thảo luận và quyết định cuối cùng là Bộ Công thương. Nên trách nhiệm tính sai là thuộc về cả hai bộ”, ông Ruệ nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long tỏ ra bức xúc: “Lần trước đã tính sai làm mất của dân hơn 3.500 tỉ đồng rồi, chưa xử lý đến đâu cả. Lần này nếu không cương quyết, rất khó lấy lòng tin của dân”.
Tính nhầm giá xăng, dân thiệt hàng ngàn tỉ đồng - ảnh 3

Người dân chịu thiệt lớn do cách làm việc "tắc trách" của liên bộ. Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Ông Long cho rằng, chính do sai lầm trước của liên bộ không được xử lý đến nơi đến chốn nên mới xảy ra tính sai lần 2 và “không ai dám nói không xảy ra tiếp những lần 3, lần 4 mà thiệt hại lớn nhất cũng do người dân gánh”.
“Bản chất của thuế TTĐB nhằm đánh vào những mặt hàng xa xỉ, không khuyến khích dùng, ảnh hưởng đến môi trường… Với mặt hàng xăng tại VN, chúng ta đã đánh 3.000 đồng/lít thuế môi trường rồi, khi tính thuế TTĐB, nhẽ ra phải bỏ ra khoản đó, đằng này ta lại đánh “chồng” lên. Theo tôi, các nhà tính thuế nên biết cách chọn lọc thế nào để đánh thuế chứ không nên ráp thuế cứng nhắc vô cảm và thể hiện cả tinh thần vô trách nhiệm như vậy được”, ông Long nói.
Không nên để “huề cả làng”
Nêu quan điểm không nên để vụ này “huề cả làng”, theo ông Ruệ, vụ tính nhầm giá xăng lần này trước mắt các nhà quản lý phải xin lỗi người dân, sau đó có hướng khắc phục. Tuy nhiên, ông Ruệ thừa nhận riêng về tài chính, hướng giải quyết bằng cách lấy tiền túi bỏ ra rất khó khả thi.
Đồng quan điểm, ông Ngô Trí Long cũng cho rằng không thể lấy tiền từ quỹ bình ổn để bù vào hoặc ngân sách nhà nước để khắc phục lỗi “tắc trách” của cán bộ quản lý. “Cũng có ý kiến cho rằng, nên khấu trừ lùi lại, tôi nghĩ cũng khó khả thi. Tuy nhiên, trước mắt phải xử lý nghiêm lỗi lớn này rồi mới kêu gọi sự “có trách nhiệm” của các nhà quản lý được.
Anh ăn lương từ tiền thuế của dân, anh phải có trách nhiệm làm đúng. Nếu sai, hãy để vị trí đó cho người khác làm tốt hơn. Lần trước đã bao biện, đổ lỗi rồi, lần này phải làm nghiêm mới được. Bởi nếu không nhận ra sai của mình, rất khó chịu trách nhiệm cho những vụ việc về sau”, ông Long nêu quan điểm.
Ông Long cho rằng: “Vấn đề là sự thiếu trách nhiệm, tắc trách, không cầu thị, lại xử lý không nghiêm minh của các cơ quan quản lý trong các lỗi sai phạm về điều hành xăng dầu khiến người dân mất lòng tin vào nỗ lực cải cách, kiến tạo, liêm chính của Chính phủ”. Còn ông Phan Thế Ruệ chỉ rõ: Ngoài trách nhiệm chung của liên bộ, cần xem xét trách nhiệm của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương).

Nguyên Nga (TNO)

 

Bình luận (0)