Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tỉnh táo trước các chương trình liên kết

Tạp Chí Giáo Dục

Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2011 chưa diễn ra, nhưng nhiều gia đình có điều kiện đã lên phương án phụ là cho con đi học các chương trình liên kết đào tạo không đòi hỏi cao về đầu vào.

Nở rộ các chương trình liên kết
Bên cạnh các thông tin tuyển sinh hệ chính quy, thông tin về tuyển sinh các chương trình liên kết đào tạo với các trường nước ngoài được các trường cung cấp, phổ biến khá rầm rộ. Tham gia chiêu sinh liên kết đào tạo gồm có các trường thuộc hàng “top” như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chiêu sinh liên kết đào tạo các ngành gồm: Điện tử viễn thông, kỹ thuật cơ điện tử, công nghệ thông tin, khoa học máy tính; quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế.
Đối tác liên kết của trường là các trường như ĐH Troy (TROY) – Mỹ, Viện ĐHQG Bách khoa Grenoble (INPG) – Pháp, ĐH Leibniz Hannover (LUH) – Đức, ĐH Công nghệ Nagaoka (NUT) – Nhật, ĐH Victoria Wellington (VUW) – New Zealand…
Trường ĐH Giao thông Vận tải mở các lớp cầu đường tiếng Pháp theo chương trình hợp tác với tổ chức các trường ĐH Pháp ngữ (AUF), lớp xây dựng công trình giao thông theo chương trình tiên tiến liên kết với Đại học LEEDS (Anh), lớp vật liệu và công nghệ Việt – Pháp theo chương trình liên kết nhóm các trường đại học mỏ của cộng hoà Pháp (GEM), lớp xây dựng công trình giao thông Việt – Nhật theo chương trình hợp tác đào tạo với một số trường đại học và các doanh nghiệp của Nhật Bản… Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) tuyển sinh chương trình liên kết với ĐH Auckland UT (New Zealand), do ĐH AUT cấp bằng.
Chờ con ngoài trường thi, phụ huynh tha hồ nhận các loại tờ rơi của nhiều chương trình liên kết đào tạo. Ảnh: GIANG HUY
Một số trường ngoài công lập cũng đủ điều kiện thực hiện các chương trình liên kết với các trường nước ngoài như trường ĐH Nguyễn Trãi, trường ĐH Quốc tế Bắc Hà, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội…
Tính đến tháng 5.2011, Cục Đào tạo với nước ngoài, Bộ GDĐT đã phê duyệt 142 chương trình liên kết đào tạo của 52 trường, chưa kể đến các chương trình do ĐHQG và ĐH vùng cấp phép cho các trường thành viên. Theo danh mục mà Bộ GDĐT vừa công bố, số chương trình liên kết đào tạo lần này tăng so với lần công bố trước là 15 chương trình. Điều này cho thấy nhu cầu học các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài ngày càng gia tăng.
Cần tỉnh táo lựa chọn
Ưu điểm đầu tiên khiến chương trình liên kết đào tạo được ưa chuộng chính là sự dễ dàng ở đầu vào. Hầu hết các chương trình liên kết tuyển sinh chỉ với điều kiện đã tốt nghiệp THPT, hoặc kèm thêm điều kiện dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ nhưng không cần có kết quả thi cao. Đặc biệt là yêu cầu về ngoại ngữ cũng hầu như không có. Bên cạnh đó, mức chi phí chỉ bằng khoảng 2/3 so với đi du học cũng là yếu tố thuyết phục phụ huynh và thí sinh.
Ông Nguyễn Song Bình – Phó Giám đốc chương trình cử nhân quản trị kinh doanh liên kết với Đại học Griggs (Mỹ) của ĐHQG Hà Nội, phân tích, nếu ra nước ngoài ngay từ năm đầu học ĐH, các em sẽ gặp phải hai rào cản lớn là yêu cầu cao về ngoại ngữ và chi phí học tập. Hiện nay, chi phí cho một năm học ở nước ngoài khoảng 300 – 500 triệu đồng/năm tùy trường. Còn theo tính toán, nếu theo học chương trình liên kết với thời gian 2 năm trong nước rồi chuyển tiếp 1 – 2 năm ở nước ngoài thì có thể tiết kiệm được khoảng 50% chi phí.
Tuy nhiên, một vấn đề mà phụ huynh và thí sinh cũng cần lưu tâm tìm hiểu, đó là chất lượng của các chương trình liên kết. Nếu chỉ chiếu theo những thông tin quảng cáo về chương trình thì phụ huynh và thí sinh sẽ rất “hoang mang” trước một “rừng” chương trình mà cái nào cũng hay, cũng tốt.
Nhưng theo ông Nguyễn Xuân Vang – Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GDĐT) khẳng định thì những trường hàng đầu thế giới thường không tham gia liên kết đào tạo. Là đơn vị quản lý các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, theo ông Vang cho biết, hầu như những trường thuộc “top” 100 – 200 trường hàng đầu thế giới không liên kết đào tạo, không đưa chương trình đào tạo của họ ra nước ngoài để bảo vệ thương hiệu.
Và trên thực tế, đã có không ít cơ sở đào tạo tổ chức liên kết đào tạo “chui” với chất lượng rất kém. Vì vậy, khi có ý định chọn học chương trình liên kết, người học cần phải kiểm tra thật kỹ chương trình mình định theo học đã được cấp phép chưa (có thể tra theo danh mục trên website www.vied.vn). Bên cạnh đó, để biết thứ hạng của trường liên kết có thể tìm hiểu thông tin trên mạng. Từ đó có thể đưa ra những nhận định ban đầu về chất lượng chương trình trước khi quyết định theo học.
Theo Ngân Anh
(laodong.vn)

Bình luận (0)