Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Tỉnh táo với tin đồn

Tạp Chí Giáo Dục

Không ít người luôn cho rằng, không có lửa làm sao có khói.

Nhưng trên thực tế, trong thời buổi mạng xã hội bao phủ như hiện nay, tin giả, tin xấu độc… xuất hiện nhan nhản, nếu không cẩn thận chúng ta rất dễ rơi vào vòng xoáy đó.

Sự việc của bộ phim Đất rừng phương Nam, hay mới nhất vụ người mẫu Ngọc Trinh bị tạm giam đang là tâm điểm chú ý của dư luận. Giữa các thông tin chính thống do các cơ quan quản lý nhà nước cung cấp, phản hồi báo chí, lại có rất nhiều thông tin sai sự thật được lan truyền trên mạng.

Cảnh trong bộ phim Đất rừng phương Nam ảnh 1

Cảnh trong bộ phim Đất rừng phương Nam

Cụ thể như, với phim Đất rừng phương Nam, các thông tin sai sự thật kiểu Ban Tuyên giáo Trung ương gửi văn bản yêu cầu Bộ VH-TT-DL tạm đình chỉ phát hành bộ phim để duyệt lại; đây là phim nhà nước đặt hàng… liên tục được lan truyền suốt những ngày qua trên các mạng xã hội, nền tảng xuyên biên giới. Trong đó, có rất nhiều nguồn tin còn trích dẫn các văn bản có đóng dấu đỏ và khẳng định chắc nịch sự việc, dù về bản chất nó đã bị làm sai lệch, hay cố tình bắt câu bẻ chữ.

Việt Nam hiện có gần 80 triệu người dùng internet, trong đó có khoảng 90% tham gia mạng xã hội. Đi kèm với những tác động tích cực, vấn nạn tin giả trầm kha suốt thời gian vừa qua. Tin giả gần như xuất hiện mỗi ngày. Khi có các sự việc gây chú ý trong dư luận, nó lại trở thành “mồi ngon” để rất nhiều người lợi dụng, trục lợi, cố tình xuyên tạc nhằm câu view (lượt xem), tương tác.

Có một điều đáng sợ hơn, đó là những thông tin sai sự thật, không được kiểm chứng, cố tình cắt ghép làm sai lệch bản chất sự việc như thế luôn nhận được sự quan tâm rất lớn và lan truyền nhanh trên cộng đồng mạng. Khi nhiều nền tảng mạng xã hội đang trao quyền cho mỗi người dùng đều có thể trở thành “nhà sáng tạo nội dung số”, vấn đề càng nhức nhối hơn.

Đầu tháng 10 vừa qua, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT) cùng một số đơn vị tổ chức phát động “Chiến dịch Tin” với thông điệp “Tin trên mạng, tin cho đúng”. Đây được xem là động thái tích cực và cần thiết nhằm cung cấp những thông tin, kỹ năng cơ bản để người sử dụng internet có thể nhận biết, phát hiện, phòng tránh tin giả, thông tin xấu độc trên mạng, đi kèm với đó giúp chúng ta nhận thức rõ trách nhiệm trong việc đăng tải, cung cấp, chia sẻ thông tin trên mạng.

Trong bất cứ sự việc nào, nhất là những vụ việc nổi cộm gây nhiều sự quan tâm trong cộng đồng, thì sự tỉnh táo của người sử dụng mạng xã hội là điều hết mức quan trọng. Tỉnh táo và lường trước hậu quả trước khi phát tán thông tin; tỉnh táo chia sẻ quan điểm hay bình luận về sự việc; tỉnh táo để nhận biết và xác minh nguồn tin. Và, tỉnh táo để không biến mình trở thành “mồi câu” cho tin giả, tin xấu độc.

Theo Hải Duy/SGGPO

 

Bình luận (0)