Học sinh cũ tặng hoa cho NGƯT Chu Xuân Thành |
Trên mỗi dòng sông thường có người chèo đò chở khách đi qua. Trong cuộc đời cũng có người thầy lặng lẽ chở đàn em đến với bến bờ tri thức. Dù khi khôn lớn, rời xa mái trường các em vẫn không quên hình bóng người thầy năm xưa, không quên những tháng ngày còn thơ dại được thầy cô dạy dỗ nên người…
1. Tại phòng chờ của sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM vào một buổi chiều có nhiều hành khách vội vã đi vào để làm thủ tục chuẩn bị cho những chuyến bay sắp tới. Trong đám đông đó nhiều người chú ý tới một đoàn khách gần chục thành viên hầu như người nào tóc cũng bạc như nhau. Tuy tuổi không còn trẻ nữa nhưng ai cũng tự mang hành lý của mình chứ không thấy có cháu con đi theo giúp đỡ. Không những thế tất cả mọi người còn tỏ vẻ quan tâm và chăm sóc một cụ già trong nhóm. Điều lạ hơn, dù đã cao tuổi nhưng nét mặt ai cũng tươi tỉnh, chuyện trò rôm rả chẳng khác gì một nhóm HS vừa mới tan trường. Lúc đầu không ít người nghĩ đó chỉ là một cuộc tiễn đưa như bao cuộc đưa tiễn khác của những người con đã phương trưởng đối với người cha yêu kính trong lần về thăm quê hay một chuyến đi xa nào đó. Thế nhưng khi nghe được câu chuyện của họ, người ta mới biết rằng đây là cuộc gặp gỡ đông đủ nhất của nhóm cựu học sinh phổ thông với thầy giáo dạy toán năm xưa. Gặp được anh Nguyễn Văn Lý – Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Dương (đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM) – tôi mới biết rõ hơn ý nghĩa của chuyến đi hôm đó.
Anh Lý tâm sự: “Năm 1971 sau khi học xong phổ thông (hệ 10 năm) tôi lên đường nhập ngũ. Đánh giặc xong tôi mới có cơ hội bước vào cổng trường đại học ngành hàng hải. Thế là xa bạn bè từ đó. Đến nay đã tròn 40 năm tôi vẫn chưa có dịp về thăm ngôi trường cũ trong vòng tay thân mật của tất cả bạn bè và thầy cô lớp 10C”. Sau ngày giải phóng sống và làm việc tại TP.HCM, anh Lý đã kết nối được với một số bạn đồng môn cùng thời mang áo tơi, đi chân đất đến lớp. Đoàn tụ được gần 10 năm, nhóm bạn của anh lại liên lạc được với thầy Nguyễn Văn Khánh – một giáo viên dạy toán của Trường cấp 3 Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Ai cũng thấy đó là cuộc hội ngộ thật may mắn giữa cuộc đời này. Cô Trần Thị Huế (cựu giáo viên Trường THCS Mạch Kiếm Hùng, Q.5) nhớ lại: “Lần đầu tiên khi biết có một thầy giáo cũ trường làng đang sống cùng với gia đình bên kia cầu Tân Thuận (thuộc địa bàn Q.7) tôi thật sự ngỡ ngàng và tưởng chỉ có trong một giấc mơ. Thế nhưng đó là sự thật nên đứa nào cũng vui mừng và bằng mọi cách để gặp được thầy”. Đó cũng là cảm xúc chung của nhóm bạn khóa 1968-1971 Trường cấp 3 Kỳ Anh khi lần đầu tiên biết tin và gặp lại người thầy cũ của mình. Từ đó trở đi trong những lần gặp gỡ nhau vào dịp lễ, tết… bao giờ họ cũng dành một chỗ ngồi trang trọng nhất cho thầy Khánh. Nếu như trước đây một đôi lần đau yếu, thầy phải nhờ đến sự phụng dưỡng của con cái thì bây giờ có thêm những bàn tay chăm sóc của những cô cậu học trò.
Cứ tưởng là ngày mình giã từ bục giảng cũng là ngày vơi đi niềm hạnh phúc của một “người đưa đò” nhưng thầy như thấy mình được trẻ ra, sống có ý nghĩa hơn khi đạo lý “uống nước nhớ nguồn” vẫn được các em tiếp nối dù có qua bao thăng trầm biến động.
2. Gần 40 năm cống hiến cho giáo dục, thầy Phạm Văn Tiến về sống với tuổi già trong nhà của cô con gái tại xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi. Bà con lối xóm chỉ biết ông là thầy giáo khi vào dịp 20-11 có một chiếc xe nhỏ thường đậu trước cửa từ sáng sớm cho đến xế chiều. Đó là chiếc xe chở một đoàn học sinh từ trung tâm TP.HCM vượt gần 40 cây số mang hoa và quà đến tặng ông vào Ngày Nhà giáo Việt Nam hàng năm. Nói là đoàn học sinh nhưng không ai còn ở độ tuổi 18, 20 nữa mà hầu hết lên “lão” cả rồi. Có người đến thăm thầy còn dắt theo cả cháu nội, cháu ngoại. Dù biết tin trước qua điện thoại nhưng ông vẫn hồi hộp chờ đợi như cảm xúc ngày đầu tiên bước lên bục giảng. Mỗi lần như vậy cả đêm ông không ngủ được, cứ thao thức chập chờn. Sáng hôm sau ông dậy thật sớm, ăn mặc chỉnh tề và không quên dặn đứa cháu ngoại ra đầu phố mua một bó hoa tươi về đặt giữa bàn. Chính trong thời khắc thiêng liêng đó những kỷ niệm xa xưa lại hiện về trong ký ức ông.
Sau khi học ở Trường Lưu học xá về, năm 1956 thầy giáo Phạm Văn Tiến về công tác tại Trường HS miền Nam 66 (TP.Hải Phòng). Cũng là người con ra Bắc tập kết nên thầy rất thương yêu các em HS khi phải sống xa gia đình và thiếu bàn tay chăm sóc của ba má. Cuộc sống nội trú trên đất Bắc đã kéo gần khoảng cách giữa thầy và trò. Không chỉ dạy từng bài văn, giờ toán mà thầy còn lo cho các em từng giấc ngủ, miếng cơm. Mỗi khi các em đau yếu hoặc nhớ nhà, thầy Phạm Văn Tiến cùng cô Quách Hoàng Oanh lại trải rộng tình thương yêu để chia sẻ. “Một lần trèo lên mái nhà bắt chim non làm tổ trên đó, tôi bị thầy Tiến phát hiện. Cứ tưởng thầy la mắng lớn tiếng nhưng sợ tôi bị té nên thầy chỉ giơ tay lên làm hiệu và nói rất nhẹ nhàng: “Xuống đi con! Xuống đi con!”. Đó là câu chuyện cuối những năm 50 của thế kỷ trước nhưng dù vào Nam hay ngược Bắc, dù còn là sinh viên hay khi đã trở thành cô giáo dạy văn, bà Lê Minh Ngọc – nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM vẫn cất giấu mãi trong kỷ niệm tình nghĩa thầy trò.
10 năm nay thầy giáo họ Phạm quê Quảng Ngãi bị mù hai mắt vì tuổi già. Tuy không còn nhìn thấy gương mặt thân quen của những học trò nhưng mỗi lần thầy trò hội ngộ thì từng tiếng nói, thanh âm của nhóm nữ sinh Tố Nga, Hằng Thư, Tự Phương, Minh Ngọc, Huệ Phi, Xuân Lâm, Lê Thị Loan, Huỳnh Thị Cả… đã làm cho lòng người giáo già ấm lại, thấy niềm tin không bao giờ tắt giữa cuộc đời.
Được về thăm lại thầy giáo cũ, được gặp gỡ nhóm bạn cùng thời phổ thông ai cũng thấy lòng mình như trẻ lại. “Trọng thầy mới được làm thầy”. Dù đã là một phó chủ tịch tỉnh, một giám đốc hay một hiệu trưởng nhưng khi về đây ai cũng thấy mình nhỏ lại như muốn một lần nữa được thầy che chở, yêu thương thêm. Đã làm cha làm mẹ, làm ông làm bà với đàn con cháu nhưng trước mặt thầy giáo cũ họ vẫn kính cẩn nghiêng chào, dạ thưa lễ phép. Danh lợi, chức phận dù cao sang quyền quý nhưng không bao giờ lấy đi được đạo lý nghĩa tình sâu nặng của con người.
“50 năm trước chúng em là học trò yêu quý của thầy thì mãi về sau thầy vẫn là thầy giáo mà chúng em luôn kính trọng và biết ơn”. Không nói nên lời vì xúc động dâng trào, thầy Khánh cũng như thầy Tiến chỉ biết nắm chặt những bàn tay nồng ấm của những học trò thân yêu như thuở nào.
Bài, ảnh: Hoàng Anh
Bình luận (0)