Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tình thương của Bác với học trò

Tạp Chí Giáo Dục

Bác Hồ thăm Trường Mầm non Thanh Hóa

Hà Tĩnh – vùng “cán xoong” của khu 4 cũ – những ngày tháng 3 năm 1966, phải chịu đựng bao sự đánh phá ác liệt của không lực Hoa Kỳ.
Bọn đế quốc rải thảm bom B.52 vào các làng mạc hiền hòa, bệnh viện, chùa chiền, nhà thờ và trường học… Trường cấp 2 Hương Phúc thuộc huyện Hương Sơn là mục tiêu đánh phá của chúng.
Một ngày trung tuần tháng 3-1966, “đàn quạ Mỹ” lồng lộn ném bom “tọa độ” vào trường. Sáng hôm ấy, lớp 6A vừa vào tiết học văn, 45 học sinh chỉ có một em sống sót. Học trò gái Nguyễn Thị Mão vì có việc nhà xin phép đến muộn, nên em không bị vùi lấp dưới hố bom của bầy quỷ dữ.
Nghe tin, Bác Hồ cho mời Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên đến gặp để nói về tình hình giặc Mỹ leo thang hủy diệt các trường học.
Đoàn chúng tôi gồm: em Nguyễn Thị Mão, học sinh lớp 6; thầy giáo chủ nhiệm Thái Văn Nhậm, cô Trương Thị Vi, đại diện gia đình học sinh và thầy Trưởng ty Giáo dục Lê Sĩ Nghĩa, cấp tốc về Hà Nội để gặp Bác theo lệnh của bộ.
Tuy bận trăm ngàn việc lớn của đất nước nhưng Bác không quên một lớp học nhỏ đau thương – nơi thâm sâu xa vời – trong trăm ngàn trường lớp khác. Chúng tôi theo Bộ trưởng vào Ba Đình báo cáo với Bác sự việc tàn bạo vừa xảy ra ở Hương Sơn. Lúc chúng tôi đến, Bác chờ sẵn ở sảnh đường phòng khách Phủ Chủ tịch. Cả đoàn có ngờ đâu Người lại trân trọng và chu đáo với anh chị em chúng tôi như vậy!
Bác thân mật hỏi thăm từng người. Tôi thay mặt đoàn thưa cùng Bác giặc Mỹ đã trút bom hủy diệt toàn bộ ngôi trường. Hôm ấy, may là các lớp khác học buổi chiều. Lớp 6 chỉ còn một học sinh sống sót là em Mão. Bác bảo Mão đến ngồi kề bên rồi nhẹ nhàng vuốt tóc em, như ông ngoại vỗ về an ủi cháu. Mấy lần câu chuyện tôi kể phải dừng lại vì Bác rút khăn tay lau nước mắt.
Đến lượt cô Trương Thị Vi, người thân của học sinh bị nạn, đứng lên:
– Thưa Bác, cháu đại diện cho phụ huynh học sinh, em ruột cháu bị lấp vùi trong căn hầm, ngạt thở chết. Cha già không đi được, cháu đi thay.
Bùi ngùi lặng im một lúc, Bác hỏi:
– Cháu có biết phụ huynh là gì không?
– Thưa Bác, phụ huynh là cha mẹ ạ!
Bác ôn tồn giảng giải thêm:
– Phụ huynh là cha anh. Ngày xưa phong kiến trọng nam khinh nữ, nên chỉ nói đến cha anh, xem nhẹ vai trò của mẹ. Hôm ấy, Bác dặn chú Huyên là ta có từ cha mẹ thì cứ gì phải dùng phụ huynh. Còn học sinh thì ta dùng học trò cũng được. Từ nào thiếu hãy mượn. Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên đỡ lời thưa Bác:
– Chúng cháu đã bắt đầu dùng “Hội cha mẹ học sinh”. Còn phụ huynh học sinh thì dùng cha mẹ học trò, hoặc gia đình học trò… ạ!
Nghe đến từ gia đình, Bác nhắc nhở và nhấn mạnh:
– Nhân đây Bác nhắc các thầy cô giáo là giáo dục ở nhà trường phải biết kết hợp với gia đình. Vì gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt, nhà trường mới dạy tốt, học tốt được! Gia đình có nghĩa cũ và nghĩa mới, nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Gia là nhà, đình là sân. Theo nghĩa cũ, gia đình chỉ giới hạn trong nhà, ngoài sân thôi. Nghĩa là chỉ lo cho những người trong nhà mình ấm no, yên ổn. Ngoài ra ai nghèo khó mặc ai. Như thế là chưa đủ. Từ gia đình theo nghĩa mới rộng rãi và tốt đẹp hơn. Thí dụ: Những người lao động trong một nhà máy, cơ quan, trường học… đều phải đoàn kết, thương yêu nhau như anh em trong một gia đình. Đại gia đình thì có dân tộc Việt Nam và “công nông thế giới đều là anh em”.
Rồi Bác quay sang hỏi Mão:
– Cháu làm được những việc gì giúp cho cha mẹ và gia đình?
– Thưa Bác, cháu gánh nước, gánh lúa, cấy hái được ạ!
– Cháu gánh được bao nhiêu cân?
– Dạ thưa, được ba mươi cân ạ!
– Cháu gặt hái, cấy được là giỏi. Bác khen cháu vừa học vừa biết giúp đỡ gia đình. Nhưng tuổi nhỏ làm việc nhỏ, cháu đừng gánh nặng quá. Mười một tuổi như cháu gánh ba mươi cân là không nên!
Bác lại hỏi đồng chí Nghĩa, Trưởng ty Giáo dục:
– Hà Tĩnh của chú được bao nhiêu thầy cô, học trò giỏi?
Anh Nghĩa chưa kịp chuẩn bị nên hơi lúng túng. Bác nhìn sang đồng chí Bộ trưởng, Bộ trưởng nhanh trí lấy chân khều nhẹ vào chân tôi – có ý nhờ tôi trả lời hộ. Tôi biết gần đây, Văn phòng Bác vừa chuyển đến sáu giấy khen, Huy hiệu Hồ Chủ tịch và sáu phần quà tặng giáo dục Hà Tĩnh, nên mạnh dạn thưa:
– Thưa Bác, Hà Tĩnh có hai giáo viên, bốn học trò được tuyên dương và thưởng Huy hiệu Hồ Chủ tịch.
– Hà Tĩnh có 82 vạn dân mà chỉ chừng ấy thầy cô, học trò giỏi là quá ít. Các cô chú cần nhân rộng ra toàn ngành, thi đua với Bắc Lý dạy tốt, học tốt nhiều hơn nữa.
Rồi Bác dặn dò chúng tôi phải có kế hoạch đào hầm, che chắn và phân tán các trường đại học về nông thôn để bảo đảm an toàn cho cả thầy lẫn trò.
Chúng tôi quyến luyến không muốn chia tay Bác. Bác chia quà cho từng người một và bảo gói đem về. Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên không dám nhận:
– Thưa Bác, cháu không còn con nhỏ, chúng ra riêng cả.
– Thì chú mang về cho thím vậy!
Ra về, chúng tôi hứa với nhau sẽ biến đau thương thành hành động, thi đua với Bắc Lý trong công cuộc “dạy tốt, học tốt”.
Đoàn Minh Tuấn
(Ghi theo lời kể của đồng chí Đào Duy Hi – nguyên Trưởng phòng Tuyên truyền Bộ Giáo dục)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)