Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Tính tích cực giao tiếp của trẻ mẫu giáo

Tạp Chí Giáo Dục

Tính tích cực giao tiếp (GT) là một phẩm chất tâm lý cá nhân trong hoạt động GT thể hiện ở nhu cầu GT, tính chủ động GT và sự thích ứng, hòa nhập vào các quan hệ con người trong GT. Đối với trẻ mẫu giáo 4-5 tuổi, tính tích cực GT đóng vai trò rất quan trọng cho sự phát triển các chức năng tâm lý của trẻ như: nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm – kỹ năng xã hội. Chúng ta đều biết, tính tích cực GT được hình thành và phát triển trong hoạt động giáo dục. Chính việc tham gia hoạt động giáo dục, trong đó hoạt động khám phá khoa học ở trường mầm non sẽ giúp trẻ phát triển khả năng GT, đặc biệt là tính tích cực GT.

Hoạt động khám phá khoa học là hoạt động luôn kích thích tính tò mò, ham hiểu biết của trẻ, giải đáp phần nào những thắc mắc của trẻ về những “bí ẩn” của thế giới xung quanh, đồng thời thỏa mãn nhu cầu khám phá, tìm hiểu thế giới xung quanh của trẻ ở trường mầm non. Trong thực tế, tổ chức hoạt động khám phá khoa học ở trường mầm non thường diễn ra 3 bước: bước 1, dự đoán điều gì có thể xảy ra. Bước 2, làm thử để kiểm chứng dự đoán trong những điều kiện có thể kiểm soát. Ghi nhận kết quả từng bước bằng hình ảnh, ký hiệu, sơ đồ đơn giản. Bước 3, kết luận, nhận xét và giải thích những gì quan sát được. Ở trường mầm non, hoạt động khám phá khoa học được tổ chức dưới dạng các thí nghiệm trên tiết dạy hoặc trò chơi trong hoạt động góc. Hoạt động khám phá khoa học rõ ràng là môi trường tốt để phát triển tính tích cực GT của trẻ 4-5 tuổi. Nếu trong hoạt động khám phá khoa học, giáo viên tạo cơ hội để trẻ tích cực GT thì sẽ nâng cao hiệu quả của hoạt động khám phá và phát triển khả năng GT của trẻ nói chung. Về tiêu chí đánh giá, trước hết xét ở nhu cầu GT. Đó là sự chú ý quan tâm đến giáo viên, đến bạn. Trẻ thể hiện cảm xúc khi có sự xuất hiện của bạn hoặc cô giáo, sau đó bộc lộ rõ cảm xúc khi hình thành quan hệ GT với cô giáo và bạn. Thứ hai là tính chủ động trong GT. Trẻ biết chủ động GT và kết thúc GT. Không chỉ chủ động đề xướng các vấn đề và giải quyết vấn đề trong GT mà còn chủ động tìm và sử dụng các phương tiện GT. Thứ ba là sự thích ứng và hòa nhập trong GT, cụ thể là thích ứng trong mối quan hệ trẻ – cô giáo, trẻ – trẻ, hòa nhập với nhóm bạn…

Kết quả của các cuộc khảo sát và thí nghiệm cho thấy tính tích cực GT của trẻ 4-5 tuổi trong hoạt động khám phá khoa học ở một số trường mầm non chưa cao. Nhu cầu GT của nhiều trẻ vẫn rất thấp, khả năng thích ứng – hòa nhập của trẻ với các bạn trong GT còn hạn chế. Nhiều trẻ chưa chủ động GT với giáo viên, với bạn; chưa chủ động đặt các câu hỏi thắc mắc về những điều đã xảy ra. Tính tích cực GT ở trẻ 4-5 tuổi không phụ thuộc vào giới tính nhưng phụ thuộc vào địa bàn sinh sống của trẻ. Nếu giáo viên biết sử dụng những biện pháp như đa dạng hóa các hoạt động khám phá khoa học, tạo môi trường thân thiện và dạy trẻ cách thích ứng hòa nhập trong GT thì sẽ góp phần nâng cao tính tích cực GT nói riêng và khả năng GT của trẻ nói chung.

TS. Trn Th Phương
(Trưng ĐH Sài Gòn)

 

Bình luận (0)