Ngành GD-ĐT TP.HCM đã tính toán nhiều phương án để mở cửa trường học. Các cơ sở trưng dụng cũng đang gấp rút bàn giao. Thành phố ưu tiên tu bổ, chỉnh trang các trường THCS, THPT trước để sẵn sàng đón học sinh.
Cô trò lớp 1/2, Trường TH Thạnh An trong ngày trở lại trường
Tính đến nhiều kịch bản
Huyện Cần Giờ là địa phương đầu tiên tại TP.HCM cho học sinh các khối lớp 1, 2, 6, 9, 12 của hai trường TH Thạnh An và THCS-THPT Thạnh An (xã đảo Thạnh An) đi học trực tiếp từ ngày 20-10. Bà Võ Thị Diễm Phượng (Trưởng phòng GD-ĐT huyện) chia sẻ, việc học sinh đi học trực tiếp được các trường tổ chức rất bài bản, khoa học, có đánh giá rút kinh nghiệm sau mỗi tuần, đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong trường.
“Từ kinh nghiệm này, huyện đã lên dự thảo cho học sinh các khối lớp còn lại của hai trường đi học trực tiếp trong thời gian sớm nhất, từ đó đánh giá tiếp tục mở cửa từng bước các trường còn lại trên địa bàn huyện”, bà Phượng nói.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng cho biết, ngành giáo dục đã trình lãnh đạo thành phố về kế hoạch mở cửa trường học các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố trong thời gian tới. Căn cứ theo cấp độ dịch Covid-19 do ngành y tế quy định, địa phương ở cấp độ 1, 2 sẽ học trực tiếp; Cấp độ 3 học trực tiếp kết hợp trực tuyến; Cấp độ 4 dừng học trực tiếp, chuyển sang học trực tuyến.
Khi mở cửa trường học, Sở GD-ĐT và Sở Y tế sẽ cùng ngồi lại, dựa trên hướng dẫn chung của thành phố để có những hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị xử lý kịp thời từng tình huống phát sinh.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT cho rằng, sẽ có khoảng 3 kịch bản có thể phát sinh trong nhà trường khi học sinh đi học trở lại, như: Khi thành phố điều chỉnh cấp độ dịch, các cơ sở giáo dục cũng phải điều chỉnh các hoạt động dạy và học cho phù hợp; Trường hợp học sinh, giáo viên nằm trong khu vực phong tỏa, ổ dịch theo quy định của ngành y tế thì sẽ dừng tới trường, bộ phận này cũng sẽ chuyển sang dạy và học online; Giáo viên, học sinh trong trường xuất hiện F0 thì căn cứ theo hướng dẫn của Bộ Y tế để chuyển trạng thái một bộ phận hoặc toàn trường. Trong đó, kịch bản phát hiện F0 trong nhà trường lại phải theo quy mô 1 F0 hay một số F0, F0 được phát hiện tại nhà hay tại trường.
“Theo kế hoạch của ngành y tế, cuối tháng 11 học sinh sẽ hoàn thành tiêm mũi 2 vắc-xin phòng Covid-19. Sau khi tiêm mũi 2 được 1 tuần, các em có thể trở lại trường học. Ngành giáo dục dự kiến học sinh khối 9 và khối 12 trở lại trường học vào giữa tháng 12-2021. Tuy nhiên, đây mới chỉ là thời gian mong muốn của ngành giáo dục chứ chưa nói trước được”, Phó Giám đốc Dương Trí Dũng nói.
Giữa tháng 11 sẽ trao trả hết cho ngành giáo dục
Chung tay cùng thành phố phòng chống dịch Covid-19, ngành GD-ĐT TP.HCM đã huy động 753 cơ sở trường học, trưng dụng vào các nhiệm vụ phòng chống dịch như làm nơi cách ly tập trung, điều trị Covid-19; bệnh viện dã chiến; nơi lưu trú cho bộ đội, công an, bác sĩ; làm điểm tiêm; trạm y tế lưu động. Nhiều cơ sở giáo dục cùng lúc thực hiện nhiều nhiệm vụ. Đến nay, các cơ sở đã cơ bản hoàn thành, được giải phóng khỏi nhiệm vụ phòng chống dịch. Dự kiến đến giữa tháng 11, toàn bộ sẽ được trao trả cho ngành giáo dục.
Là Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Phú Nhuận Số 1, Trường THPT Phú Nhuận đã hoàn thành sứ mệnh và được trao trả lại cho trường. Thầy Lê Công Tuấn (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết, để chuyển đổi công năng thành bệnh viện dã chiến, ngoại trừ phòng hiệu trưởng và một số phòng bộ môn, còn lại toàn bộ 47 phòng học của trường đã được huy động, sửa đổi thành phòng bệnh, nhà thi đấu đa năng trở thành khoa săn sóc đặc biệt dành cho bệnh nhân thở máy, khu văn phòng cũng được trưng dụng thành khu tiếp nhận.
“Trường đang nhanh chóng khử khuẩn, thu dọn tất cả các trang thiết bị y tế và tu chỉnh toàn bộ khuôn viên trường sao cho sạch đẹp, trang hoàng bằng hoặc phải hơn lúc ban đầu. Nhà trường sẽ cho sơn mới toàn bộ các phòng học. Sau khi đã hoàn tất các khâu sửa chữa, chỉnh trang, trường sẽ tiếp tục khử khuẩn, tổng vệ sinh, lau chùi, sát khuẩn toàn bộ bàn ghế, thiết bị, nhằm đảm bảo vệ sinh, an toàn trước khi đón học sinh, thầy cô trở lại trường thực hiện nhiệm vụ dạy – học”.
Thầy Tuấn tính toán, sẽ mất chừng một tháng để tất cả các công đoạn chỉnh trang, tu sửa, trở lại hiện trạng của môi trường giáo dục ban đầu.
Trường THCS Nguyễn Hiền (Q.12), mặc dù lực lượng lưu trú đã rút song trường vẫn đang tiếp tục được sử dụng làm điểm tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho cộng đồng. Cô Nguyễn Thị Kim Chi (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết, trường mất khoảng 1 tuần khử khuẩn, sửa chữa nhưng thời gian dọn dẹp vệ sinh, trang trí, sắp xếp lại trường, lớp, cảnh quan sẽ mất nhiều hơn…
Toàn Q.12 có 29 trường được trưng dụng vào nhiệm vụ phòng chống dịch. Hiện còn một số vẫn đang tiếp tục sử dụng, đa phần làm trạm y tế lưu động, khu cách ly, điều trị tập trung; khu lưu trú cho lực lượng phòng chống dịch.
“Ước tính kinh phí sửa chữa và thay thế thiết bị của các trường sau trưng dụng là hơn 2,5 tỷ đồng. Quận đang tiến hành khảo sát để xác định rõ từng nội dung, khối lượng, các phần việc sửa chữa và kinh phí thực hiện. Các cơ sở làm khu cách ly tập trung, khu lưu trú, trạm y tế lưu động sẽ cần nhiều thời gian hơn để tu bổ, chỉnh trang do phải tháo dỡ thiết bị, sửa chữa hoàn thiện lại hiện trạng trường học như ban đầu…”, ông Khưu Mạnh Hùng (Trưởng phòng GD-ĐT Q.12) thông tin.
50/72 cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Hóc Môn được trưng dụng vào nhiệm vụ phòng chống dịch. Gần hết trong số đó đã được trao trả cho ngành giáo dục, được khử khuẩn 2 lần và đang tiến hành sửa chữa, khắc phục những hư hỏng. “Các cơ sở chưa bàn giao chủ yếu làm nơi cách ly, nơi ở của đơn vị y tế lưu động, lực lượng phòng chống dịch. Với những cơ sở này, huyện cũng đã chủ động tìm đơn vị khác để chuyển đổi, cố gắng trao trả lại cơ sở vật chất cho ngành vào giữa tháng 11 và đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, chuẩn bị sẵn sàng đón học sinh đi học lại”, ông Mai Hồng Thanh (Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện) chia sẻ.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hoài Nam đánh giá, sau quá trình trưng dụng phòng chống dịch, nhiều trường đã hư hỏng nặng về trang thiết bị giảng dạy như máy tính, máy chiếu. Nhiều đơn vị xuống cấp toàn bộ khu nhà vệ sinh, kéo theo hư hại cả hệ thống phòng học. Sở GD-ĐT đang tổng hợp kinh phí sửa chữa sau trưng dụng ở tất cả các đơn vị, xây dựng dự toán và báo cáo UBND TP hỗ trợ cấp kinh phí để các trường sửa chữa, hoàn thiện môi trường giáo dục, sẵn sàng đón học sinh khi được phép.
Giang Quân
Bình luận (0)