Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tính toán kỹ về lựa chọn cho học sinh học xong THCS

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ GD-ĐT vừa có thông tin về những điểm đổi mới giáo dục THPT, gắn liền với việc đổi mới chương trình – sách giáo khoa từ năm 2018. Trong đó điểm nhấn cần đặc biệt lưu ý đó là học sinh (HS) sau khi học xong THCS có thể có đủ vốn hiểu biết để ra đời được. Ở giai đoạn chuyển tiếp, có nhiều con đường để lựa chọn: học tiếp lên THPT, học nghề hay vừa học vừa làm…

Chủ trương này có điểm lợi là đối với một số HS vì hoàn cảnh khó khăn, cách làm trên giúp họ rút ngắn việc học, giảm chi phí tài chính, sớm định hướng một nghề cho tương lai. Nhìn ở tổng thể xã hội, nó sẽ rút ngắn việc học lý thuyết mà tăng cường thực hành, giáo dục kết hợp với định hướng dạy nghề. Nhưng nếu không có sự cân nhắc, không có một chiến lược đồng bộ thì không khéo sẽ dẫn đến hệ lụy cho cả một thế hệ người học.
Giả dụ như ở chương trình THCS có tinh giản hết, giảm tải hết, chú trọng đến xây dựng phương pháp tự học cho HS, giáo dục đạo đức công dân…, thì liệu độ tuổi ấy, các em đã có đủ độ chín chắn để vào đời? Với 4 năm THCS, HS phải vật lộn với những kiến thức rất phổ thông thì liệu có trình độ để nhận thức được hết những tri thức rất cần thiết của loài người hay không? Lúc ấy chương trình sẽ ra sao? Hạ xuống để phù hợp nhận thức hay nâng lên để đủ kiến thức cần thiết? Nếu không khéo, tính toán về xây dựng chương trình sẽ dễ khập khiễng.
Bài toán thất nghiệp đang còn đó, tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tăng, kể cả những người có chuyên môn cao. Thế thì liệu đường vào các trường nghề, hệ vừa học vừa làm liệu có mấy người gõ cửa? Rồi các chế độ học liên thông lên, chế độ ưu đãi… có được cân nhắc hay người học phải chấp nhận anh "thợ" quèn suốt đời?
Nếu không bàn bạc kỹ sẽ dễ rơi vào tình cảnh như một số bộ phận HS của ta hiện nay: không theo được lên bậc THPT, nhưng lại quay lưng với trường nghề, với hệ vừa học vừa làm.

Trần Ngọc Tuấn

(TNO)

Bình luận (0)