Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD-ĐT được dư luận quan tâm và đánh giá cao. Dù còn một số ý kiến cho rằng chương trình còn những hạn chế, khiếm khuyết, nhưng nhìn chung, chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều ưu điểm.
Thực sự xem người học là trung tâm
Học sinh (HS) được quyền chọn học những môn mình yêu thích hoặc có khả năng, thay vì buộc phải học những môn biết chắc là mình học kém. Các em có thể thay đổi môn học tự chọn và chuyên đề học tập tự chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp cá nhân, nhờ đó có thể lựa chọn lại nếu thấy quyết định ban đầu không hợp lý. Hay số tiết học, số giờ học cũng theo hướng tạo điều kiện để HS tự học và có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, rèn luyện thân thể…
Chú trọng giáo dục làm người
Các môn dạy làm người có sự thay đổi theo từng cấp học nhằm phù hợp với lứa tuổi, nhưng vẫn theo hướng rèn luyện đạo đức, trách nhiệm công dân… gắn với giáo dục kỹ năng sống. Ngoài ra còn chú trọng giáo dục những vấn đề thiết thực với cuộc sống. Các môn học tìm hiểu tự nhiên, tìm hiểu xã hội, cuộc sống quanh ta, nghiên cứu khoa học… về cơ bản sẽ giúp HS có kiến thức tổng quát những vấn đề tự nhiên, xã hội, cuộc sống một cách gần gũi, thiết thực.
Giảm tải chương trình học, hạn chế nhồi nhét
Chương trình học mới sẽ linh động, co giãn, tạo điều kiện cho HS có thể theo học ở những thời điểm khác nhau, tùy theo hoàn cảnh, khả năng cụ thể, tức là đã không tạo ra trường hợp HS chưa phát triển tâm sinh lý, thể chất phù hợp mà vẫn phải học theo chương trình của các bạn khác. Bên cạnh đó còn thực hiện tích hợp chương trình học, kiến thức của các môn học. Việc tích hợp dự kiến được thực hiện ở các môn mang tính tổng hợp và trong từng môn sẽ làm kiến thức được tiếp cận ở nhiều góc độ, tránh sự khô cứng, gò bó, có thể gây khó hiểu, nhàm chán.
Tuy nhiên, từ dự thảo chương trình cho đến việc thực hiện trên thực tế còn rất nhiều thử thách. Cần những tính toán thận trọng bởi nếu không có thể đi từ cực này sang cực khác, từ chỗ “siết chặt” sang quá lỏng lẻo, hoặc có thể ý tưởng tốt nhưng điều kiện để thực hiện chưa phù hợp thì có thể phá sản. Có một số vấn đề cần có sự nghiên cứu thấu đáo như sau:
Một là, thời điểm nào có thể bắt đầu chương trình giáo dục phổ thông mới? Với tính thống nhất về cách thức tổ chức, liên thông kiến thức… nên không khó bắt đầu ngang từ một lớp nào mà phải được mở đầu từ lớp 1 hoặc bắt đầu từ năm đầu cấp. Nhưng liệu mấy năm nữa thì có thể triển khai chương trình? Liệu trong thời gian tới có sự biến đổi về điều kiện kinh tế – xã hội thì lại thay đổi chương trình giáo dục? Hoặc khi có sự tiếp thu được một mô hình giáo dục mới thì lại tiếp tục thay đổi, cải tiến? Nếu có nhiều sự thay đổi, cải tiến mà không nhất quán thì dễ mất lòng tin của người dân, sẽ bị dư luận phản ứng khi trẻ liên tục bị làm “chuột bạch” để thí nghiệm các chương trình giáo dục.
Chương trình giáo dục phổ thông mới tạo điều kiện cho HS theo học ở những thời điểm khác nhau theo hoàn cảnh của mình. Ảnh: Anh Khôi |
Hai là, việc tổ chức biên soạn SGK cho chương trình mới được tiến hành như thế nào? Hiện nay, các phương án tổ chức biên soạn SGK cũng như nội dung SGK mới còn chưa thống nhất, việc có một bộ sách để phục vụ cho chương trình mới e phải mất nhiều thời gian, đó là chưa kể còn những quan điểm khác nhau hoặc phát sinh những vấn đề cần nghiên cứu thấu đáo. Do đó, cần có một chương trình khung hoàn chỉnh, một phương thức soạn SGK nhất quán và cần được tiến hành khẩn trương thì mới có thể sớm đưa vào giảng dạy chính thức.
Ba là, giáo viên cần được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, tuyển chọn như thế nào để đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới? Với kiến thức, thói quen, phương pháp, điều kiện dạy học theo kiểu cũ, chuyển sang chương trình mới có nhiều đổi khác, một bộ phận giáo viên có thể gặp khó khăn, thậm chí rơi vào hoàn cảnh chương trình mới nhưng cách dạy cũ. Do vậy, khi có chương trình khung mới thì cần đào tạo ngay giáo viên theo hướng phù hợp với chương trình đó, kết hợp tuyển chọn lại, bồi dưỡng, tập huấn giáo viên hiện có mới có thể đáp ứng được yêu cầu mới.
Bốn là, điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật của các địa phương, vùng miền có sự khác biệt lớn thì liệu có ảnh hưởng gì đến chất lượng giáo dục theo chương trình mới? Việc đánh giá kết quả học tập sẽ thực hiện như thế nào để không có sự chênh lệch, khác biệt lớn giữa các nơi? Đây cũng là vấn đề đáng quan tâm, bởi xét cho cùng đó là quyền lợi của người học. Phải tránh cách hiểu khác nhau, cách tiến hành khác nhau, sẽ dẫn đến kết quả khác nhau.
Trúc Giang
Sớm nhất 5 năm nữa mới có thể tiến hành Chương trình giáo dục phổ thông mới cần được nghiên cứu, tính toán thấu đáo, không nên nóng vội, tiến hành sớm khi nhiều điều kiện chưa bảo đảm. Với những phân tích như trên, sớm nhất cũng nên 5 năm nữa mới có thể tiến hành. Từ đây đến đó là giai đoạn hoàn thiện, chứ không phải là quãng thời gian lựa chọn để ra đời một chương trình khác! |
Bình luận (0)