Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Tình trạng cận thị gia tăng sau giãn cách

Tạp Chí Giáo Dục

 Bác sĩ Huỳnh Thị Bích Liễu, Phó Trưởng khoa Mắt Bệnh viện Lê Văn Thịnh, cũng ghi nhận từ ngày 1/10 tới nay, số trường hợp tới khám liên quan đến cận thị tăng khoảng 50% so với trước dịch.

Ở nhà suốt bốn tháng liền khiến nhiều người không kiểm soát được thời gian sử dụng thiết bị điện tử. Thêm vào đó, việc không ra ngoài thiên nhiên rộng rãi với ánh sáng mặt trời đã ảnh hưởng quá trình tiết dopamine tại võng mạc, yếu tố quan trọng điều hòa và kiểm soát sự phát triển của cận thị khiến tình trạng cận thị gia tăng sau giãn cách xã hội. 

Khó kiểm soát thời gian sử dụng thiết bị điện tử

Không chỉ trẻ em mà cả người lớn cũng bị tăng độ cận sau thời gian giãn cách xã hội
Không chỉ trẻ em mà cả người lớn cũng bị tăng độ cận sau thời gian giãn cách xã hội

Chị N.T.H.T., 36 tuổi, ngụ tại Q.7, làm công việc văn phòng và bị cận nhẹ. Trong bốn tháng TPHCM giãn cách, thời gian sử dụng máy tính và điện thoại của chị T. gần như liên tục. Lúc không làm việc trên máy tính thì chị xem ti vi, lên giường đi ngủ cũng vẫn cầm điện thoại lướt mạng. Gần đây, dù đeo kính, chị vẫn không nhìn rõ, mắt rất mỏi, hay chảy nước mắt. Ngày 27/10, chị đi đo lại mắt tại tiệm kính quen thuộc thì ghi nhận cả hai mắt đều bị tăng độ. Mắt phải chỉ tăng nửa độ nhưng mắt trái đã tăng hơn 1 độ. Đó chính là lý do dù đeo kính nhưng chị nhìn vẫn bị mờ. Nhân viên đo kính cũng cho biết từ sau khi tiệm kính mở cửa lại, mỗi ngày có khoảng chục trường hợp là khách hàng quen tới đổi tròng kính do mắt bị tăng độ.

Thạc sĩ – bác sĩ Trần Đình Minh Huy, giảng viên bộ môn mắt Trường đại học Y Dược TPHCM; phụ trách Đơn vị điều trị cận thị Viện Nghiên cứu và Đào tạo thị giác Hải Yến, cho biết từ sau ngày 1/10 tới nay, theo thống kê của đơn vị, lượng bệnh nhân đến khám các bệnh lý về mắt tăng 30% so với trước dịch. Nguyên nhân chính là do trong thời gian giãn cách, mọi người thay đổi thói quen sinh hoạt, tăng sử dụng thiết bị điện tử, không được tiếp xúc với không gian thiên nhiên, việc này làm ảnh hưởng tới sức khỏe đôi mắt. Đa số bệnh nhân tới khám mắt thời gian này liên quan tới tật khúc xạ, trong đó có cận thị, gặp nhiều ở trẻ em.

Đơn vị điều trị cận thị này đang theo dõi bệnh lý tật khúc xạ của nhiều bệnh nhân nên có cả quá trình để đưa ra so sánh. Chẳng hạn như trường hợp bé gái N.T.N.M., bảy tuổi, ngụ tại Q.Bình Thạnh. Vào tháng Ba, mẹ đưa bé tới khám mắt thì hai mắt bình thường, không độ. Nhưng tới tháng Mười, bé tới khám lại mắt, bác sĩ ghi nhận bé đã bị cận 1 độ. Tương tự, bé trai P.H.N, 12 tuổi, ngụ tại Q.Phú Nhuận đã được theo dõi cách đây hai năm. Trong giai đoạn từ năm 2018 – 2020, mắt của bé chỉ tăng 0,75 độ cận. Nhưng từ tháng 1/2021 tới nay, bé N. bị tăng 1 độ cận ở cả hai mắt.

Trẻ em bị bệnh về mắt gia tăng trong thời gian xảy ra dịch COVID-19
Trẻ em bị bệnh về mắt gia tăng trong thời gian xảy ra dịch COVID-19

Trường hợp nghiêm trọng nhất là bé trai N.V.K., mười tuổi, ngụ tại Q.Tân Bình. Sau khi TPHCM hết giãn cách, bé được phụ huynh đưa tới khám và độ cận hai mắt đo được lên tới gần 8 độ. Các bác sĩ cho rằng bên cạnh một số yếu tố nguy cơ riêng thì mắt bé điều tiết quá mức do phải hoạt động nhìn gần trong thời gian dài dẫn đến độ cận đo được cao hơn rất nhiều so với tình trạng thực sự. Trường hợp này nếu không cẩn thận, bé sẽ phải đeo kính sai độ dẫn đến nhiều hệ quả về sau và đây cũng chính là một vấn đề đau đầu của rất nhiều bác sĩ nhãn khoa hay gặp phải.

Với vai trò là Đại sứ khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Viện Cận thị thế giới, bác sĩ Trần Đình Minh Huy nhận định, tình trạng thị lực bị ảnh hưởng sau giãn cách xã hội gặp phải ở hầu hết quốc gia trên thế giới. Theo một bài báo đăng trên Tạp chí Nhãn khoa Anh quốc, tỷ lệ mắc cận thị trong giai đoạn dịch COVID-19 cao gấp 2,5 lần so với 
trước dịch. 

Tận dụng không gian ngoài trời phòng ngừa cận thị

Theo bác sĩ Trần Đình Minh Huy, lối sống cũng tác động rất nhiều tới nguy cơ mắc cận thị và tốc độ tiến triển cận thị. Lưu ý, mỗi độ cận tăng lên ở trẻ đều có thể làm tăng thêm hơn 40% nguy cơ mắc bệnh lý về mắt. Rất nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh thời gian tham gia các hoạt động ngoài trời càng nhiều thì nguy cơ cận thị càng thấp.

Ngược lại, thời gian làm việc nhìn gần, hoặc sử dụng các thiết bị điện tử càng lâu, nguy cơ mắc cận thị và tốc độ tăng cận càng cao. 

Vì ảnh hưởng của đại dịch và yêu cầu giãn cách, việc trẻ học online, tăng thời gian tiếp xúc với các thiết bị điện tử là không thể tránh khỏi.

Bác sĩ Huỳnh Thị Bích Liễu, Phó Trưởng khoa Mắt Bệnh viện Lê Văn Thịnh, cũng ghi nhận từ ngày 1/10 tới nay, số trường hợp tới khám liên quan đến cận thị tăng khoảng 50% so với trước dịch. Đa số bệnh nhân là người trẻ tuổi, trẻ em. Các bệnh nhân cận thị được chia ra làm hai nhóm là cận thị thật và giả cận thị. Trong đó, nhóm giả cận thị gặp rất nhiều. Giả cận thị nghĩa là do bệnh nhân sử dụng các thiết bị điện tử quá độ làm ảnh hưởng tới điều tiết của mắt khiến mắt bị tăng độ nhưng nếu điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt, chăm sóc mắt đúng cách thì độ mắt có thể phục hồi. Tuy nhiên, nếu tình trạng giả cận thị lặp đi lặp lại sẽ ảnh hưởng không chỉ tới thị lực của mắt mà cả chất lượng sống của bệnh nhân. 

Để giảm nguy cơ ảnh hưởng tới mắt, cha mẹ cần tạo điều kiện cho con được ra ngoài chơi ở các không gian rộng có nhiều ánh sáng mặt trời, ít nhất là từ 1,5 – 2 tiếng mỗi ngày. Giải pháp này đã được chứng minh là một yếu tố quan trọng phòng ngừa khởi phát cận thị ở trẻ em và làm chậm sự kéo dài của trục nhãn cầu. Ngoài việc thay đổi lối sống, chúng ta có thể sử dụng thuốc nhỏ mắt hoặc đeo kính áp tròng ban đêm để giúp kiểm soát tốc độ tăng cận.

Theo Thanh Huyền/PNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)