Kẹt xe là tình trạng chung của nhiều nước đang phát triển trên thế giới. Ở nước ta, kẹt xe đã từng được đưa ra tranh luận tại chương trình nghị sự của một số kỳ họp Quốc hội gần đây và nó cũng chính là chủ đề được đề cập đến nhiều nhất tại kỳ họp HĐND TP.HCM vừa qua.
Thống kê gần đây cho thấy, mật độ kẹt xe nhiều nhất ở châu Á là các thành phố: Băng Cốc (Thái Lan), Bắc Kinh, Thượng Hải (Trung Quốc), TP.HCM của Việt Nam… Cũng là tình trạng kẹt xe nhưng ở các nước kể trên chủ yếu là do xe hơi gây nên còn ở nước ta lại chủ yếu do xe gắn máy. Có thể đưa ra hai nguyên nhân chính gây nên tình trạng kẹt xe như sau: Thứ nhất là do dân số tập trung quá đông tại một số thành phố lớn cùng với sự phát triển của hạ tầng giao thông như đường sá không theo kịp tốc độ gia tăng đa dạng của các phương tiện giao thông; Thứ hai là ý thức chấp hành Luật giao thông của các đối tượng tham gia giao thông còn nhiều hạn chế. Để giải quyết tình trạng kẹt xe theo tôi chỉ có hai giải pháp: Một là phải mở rộng đường, phát triển và làm phong phú thêm các loại hình giao thông công cộng; hai là tăng cường tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Mặc dù cả hai nguyên nhân và hai giải pháp nói trên có vẻ “xưa như trái đất”, ai ai cũng nói được. Nhưng những giải pháp mà chúng ta đang làm như: phân luồng, thu phí… dù có đẩy mạnh cũng chỉ mang tính tạm thời mà thôi. Trong hai nguyên nhân và hai giải pháp nói trên, theo tôi, nếu giải quyết được nguyên nhân và giải pháp thứ nhất thì vấn đề kẹt xe coi như đã cơ bản được khắc phục. Khoa học đã chứng minh rằng: tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội. Gốc rễ của vấn đề này là do đường chật, xe đông gây nên tình trạng kẹt xe và nó cũng góp phần làm cho ý thức chấp hành của người dân có phần kém đi. Ở giai đoạn đầu của lịch sử, con người chỉ cần con đường mòn là có thể đi lại, khi xe ngựa thay thế cho đôi chân của con người thì đường sá cũng phải rộng và bằng phẳng hơn. Xe đạp thay thế xe ngựa và xe đạp cũng đã nhường chỗ cho loại xe hiện đại hơn đó là xe gắn máy. Trong tương lai gần, xe hơi sẽ thay thế hoàn toàn xe gắn máy và những loại xe hơi hiện đại chạy bằng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường hơn sẽ thế chỗ cho các loại xe hơi hiện nay. Đó là quy luật của sự phát triển. Sự phát triển các loại phương tiện giao thông đòi hỏi cơ sở hạ tầng giao thông, phải phát triển cho phù hợp.
Hiện nay, tuy mức sống của người dân ở nước ta tuy chưa cao, dân ta chưa thực sự giàu nhưng có một số bộ phận đã sắm xe hơi làm phương tiện đi lại. Chỉ tính riêng ở TP.HCM, mỗi ngày có hơn 100 xe hơi mới được đăng ký là một minh chứng cụ thể. Chính vì vậy, thời gian để xe hơi thay thế xe gắn máy ở nước ta không còn bao xa nữa và để đón nhận sự kiện trọng đại, văn minh đó thì chúng ta không còn cách nào khác là phải tính đến chuyện mở rộng đường, phát triển đa dạng các loại hình giao thông công cộng, cho dù rất tốn kém. Kẹt xe hơi còn trầm trọng hơn nhiều so với kẹt xe máy. Người dân sẵn sàng bỏ xe gắn máy để đi tàu điện ngầm, xe lửa nội ô, xe buýt nếu các phương tiên giao thông công cộng đó chứng minh được tính ưu việt của nó. Đến lúc đó, khi mạng lưới giao thông công cộng đã đáp ứng được nhu cầu đi lại cơ bản của người dân thì có thể cấm xe gắn máy lưu thông trong tất cả các quận nội thành. Từ ngoại thành và các tỉnh lân cận, người dân đi đến các nhà ga tàu điện ngầm rồi đi vào trung tâm TP, từ đó họ có thể đi lại bằng các loại xe buýt đến nơi cần đến.
Để có kinh phí mở rộng đường, phát triển hệ thống mạng lưới giao thông công cộng, trước hết cần phải kêu gọi và có chính sách phù hợp cho các nhà đầu tư, phát hành công trái để người dân tham gia. Sau khi công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng thì tiến hành thu phí. Cùng với nó là phải làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động mọi người tham gia và chấp hành tốt Luật giao thông. Bên cạnh đó, việc tăng cường các biện pháp xử phạt cũng như việc phạt tiền thật nặng cũng là một cách hỗ trợ cần thiết. Các khoản phí và số tiền phạt thu được đó dùng vào việc trả nợ cho nhà đầu tư. Giải quyết vấn đề kẹt xe là một bài toán khó cho các nhà quản lý xã hội. Trong khi tổ chức thực hiện các biện pháp giải quyết mang tính tạm thời cũng phải tính đến những giải pháp chiến lược. Gốc rễ của vấn đề kẹt xe chính là ở chỗ: đường chật, xe nhiều, nhu cầu đi lại của người dân cao trong khi các phương tiện giao thông công cộng chưa đáp ứng được.
Nguyễn Quế Diệu
Bình luận (0)