Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tình trạng sinh con ở tuổi chưa thành niên vẫn tồn tại

Tạp Chí Giáo Dục

Các kết quả điều tra cho thấy tỷ lệ phá thai, bao gồm cả phá thai ở vị thành niên và thành niên còn cao. Tỷ lệ vô sinh, nhất là vô sinh thứ phát đang có chiều hướng gia tăng.
Trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM /// Ảnh: Độc Lập
Trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM. ẢNH: ĐỘC LẬP
Theo Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), tại Việt Nam, mỗi năm dân số tăng thêm khoảng 1 triệu người. Trong những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15 – 49) vẫn tiếp tục gia tăng. Nhu cầu sử dụng các phương tiện tránh thai tiếp tục tăng. Tuy nhiên, các kết quả điều tra cho thấy tỷ lệ phá thai, bao gồm cả phá thai ở vị thành niên và thành niên còn cao. Với tình trạng phá thai phổ biến, tỷ lệ vô sinh, nhất là vô sinh thứ phát đang có chiều hướng gia tăng.
Theo kết quả điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình (tháng 4.2016) của Tổng cục Thống kê, cứ 100 ca phá thai của phụ nữ dưới 49 tuổi đang có chồng thì có 62 ca là mang thai ngoài ý muốn. Đáng lưu ý, rất nhiều trường hợp lựa chọn phá thai tại những phòng khám chui, các cơ sở y tế không được cấp phép gây nguy cơ xảy ra nhiều biến chứng như băng huyết, nhiễm trùng, thủng tử cung…, thậm chí đe dọa tính mạng. Cứ 1.000 phụ nữ tuổi 15 – 24 thì có 18 người đã từng phá thai. Tỷ lệ phá thai ở nhóm vị thành niên và nhóm trưởng thành còn cao, phá thai lặp lại khá phổ biến.
Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê, tổng tỷ suất sinh là 2,09 con/phụ nữ; khu vực thành thị là 1,83 con/phụ nữ; khu vực nông thôn là 2,26 con/phụ nữ. Phụ nữ có trình độ đại học có mức sinh thấp nhất (1,85 con/phụ nữ), thấp hơn khá nhiều so với phụ nữ chưa bao giờ đi học (2,59 con/phụ nữ).
Tình trạng sinh con ở tuổi chưa thành niên vẫn còn tồn tại ở Việt Nam. Trên phạm vi toàn quốc, phụ nữ chưa thành niên (từ 10 – 17 tuổi) sinh con chiếm tỷ trọng 3,3‰; cao nhất ở Trung du – miền núi phía bắc (9,7‰) và Tây nguyên (6,8‰); thấp nhất ở khu vực đồng bằng sông Hồng (1,1‰).
Theo đánh giá của Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình trong đại dịch Covid-19, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình của người dân đang bị gián đoạn nghiêm trọng. Ngành y tế, dân số đã huy động các cơ sở y tế công lập và tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ, các biện pháp tránh thai và chuyển đổi các hình thức truyền thông trực tiếp sang các kênh truyền thông kỹ thuật số.
Chương trình truyền thông “Kế hoạch hóa gia đình vì sức khỏe cộng đồng” giai đoạn 2 (2021 – 2025) do Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình triển khai sẽ có các hoạt động đa dạng như: tổ chức các buổi livestream tư vấn trực tuyến, phát triển các ứng dụng cung cấp thông tin, đẩy mạnh các hình thức truyền thông trên mạng xã hội… để cộng đồng dễ dàng tiếp cận. Ở giai đoạn 1 (2016 – 2020), chương trình này đã giúp hơn 25 triệu phụ nữ cả nước được tư vấn về cách lựa chọn các phương pháp tránh thai phù hợp. Trong đó, ứng dụng “Sống chủ động” cung cấp thông tin, kiến thức về sức khỏe sinh sản đã tiếp cận được đến hàng ngàn phụ nữ trên toàn quốc.
Theo Liên Châu/TNO

 

Bình luận (0)