Khoa học - Công nghệSản phẩm công nghệ

Tình trạng thiếu chip bủa vây ngành công nghệ toàn cầu

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Tờ The Detroit News vừa đưa tin quý 1/2021, Tập đoàn Ford đạt lợi nhuận 3,3 tỉ USD, nhưng cũng cảnh báo rằng có thể phải cắt giảm một nửa sản lượng theo kế hoạch do tình trạng thiếu chip bán dẫn phục vụ sản xuất.
Chip bán dẫn được xem là trái tim của mọi thiết bị công nghệ /// REUTERS
Chip bán dẫn được xem là trái tim của mọi thiết bị công nghệ. REUTERS

Trước đó, cuối tháng 3.2021, Reuters đưa tin Ford thông báo sẽ tạm ngưng một số phân đoạn trong dây chuyền lắp ráp mẫu xe bán tải F-150 và mẫu xe Edge thuộc dòng SUV tại Bắc Mỹ do ảnh hưởng từ tình trạng thiếu chip trên toàn cầu.
Cùng lý do trên, mới đây hãng sản xuất ô tô Nissan Motor của Nhật Bản cho biết họ sẽ cắt giảm sản lượng tại các nhà máy ở Tennessee, Mississippi (Mỹ) và Aguascalientes (Mexico). Trong khi một hãng sản xuất ô tô khác của Mỹ là General Motors (GM) hồi đầu tuần cũng cho hay họ đang sản xuất cầm chừng một số mẫu bán tải hạng nhẹ mà không trang bị được mô đun quản lý nhiên liệu (gây ảnh hưởng đến tính năng tiết kiệm nhiên liệu của xe) cũng do sự khan hiếm chip. Trước đó, GM cũng nhận định nếu tình hình này tiếp tục kéo dài có thể làm bốc hơi 2 tỉ USD lợi nhuận năm nay của hãng.
Hiện tại, tình trạng khan hiếm chip không chỉ đang phủ bóng lên các hãng sản xuất ô tô toàn cầu, mà còn nhanh chóng lan sang hàng loạt ngành khác như thiết bị điện tử, tiêu dùng, giải trí và thậm chí cả ngành y tế.
Họa vô đơn chí
Chip bán dẫn được xem là trái tim của mọi thiết bị công nghệ từ máy tính, điện thoại thông minh, ô tô, các thiết bị y tế cho đến máy bay… Theo Reuters, nguyên nhân của “đợt hạn” này có thể đã nhen nhóm từ đầu năm 2020, khi thế giới đối mặt với chuỗi tác động đầu tiên của một đại dịch bí ẩn, mà bây giờ đã được xác định là Covid-19, khiến mọi nhu cầu tiêu dùng gần như chững lại rồi tăng nhanh đột biến ở một số ngành hàng như thiết bị điện tử, gia dụng (đều là các ngành cần lượng lớn chip cho quá trình sản xuất)… do ngày càng có nhiều người dành phần lớn thời gian ở nhà.
Ngoài ra, hồi cuối năm 2020, doanh số ô tô vốn đang trên đà lao dốc thì đột ngột tăng trở lại, kéo theo là nhu cầu chip bán dẫn cho các đơn hàng sản xuất mới. Tuy nhiên, nguồn cung ứng chip toàn cầu lúc bấy giờ đang cạn kiệt.
Đài Loan là nhà cung cấp chip bán dẫn lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Mỹ. Tờ Nikkei Asia đưa tin hiện vùng lãnh thổ này đang hứng chịu một trận hạn hán “tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung nước cho quá trình sản xuất chip. Tập đoàn TSMC (Đài Loan), một trong những nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, cho hay họ cần 156.000 tấn nước/ngày để hoạt động bình thường. Tuy nhiên, khi mực nước dự trữ trên toàn lãnh thổ đang cạn dần, TSMC được yêu cầu phải cắt giảm ít nhất 7% lượng nước sử dụng.
Bên cạnh đó, phía Đài Loan cũng đang cáo buộc các công ty Trung Quốc “bòn rút nhân tài”, với một loạt các đợt tuyển dụng nhân sự lớn trong vài năm qua, “đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn”, theo tờ Financial Times (FT).
Song song đó, hậu quả ngoài ý muốn từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, cụ thể là các lệnh trừng phạt cứng rắn của cựu Tổng thống Donald Trump với các công ty Trung Quốc, đã khiến những gã khổng lồ công nghệ của Bắc Kinh khai mào một cuộc đua tích trữ chip từ mùa hè năm 2020, với một loạt đơn hàng số lượng lớn (chiếm gần 20% tổng kim ngạch nhập khẩu của nước này trong năm ngoái), khiến nguồn cung chip càng thêm bất ổn.
Tự lực cánh sinh
Hiện nay châu Âu và Mỹ đã có kế hoạch để giảm sự phụ thuộc nguồn cung chip vào châu Á. Cuối tháng 3, Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn của Mỹ và 8 công ty công nghệ khác đã đệ trình thư lên Tổng thống Mỹ Joe Biden đề nghị chính quyền tiếp tục mở rộng các điều kiện hỗ trợ cho hoạt động sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn trong nước, theo FT.
Nhật Bản cũng đang tìm cách tăng cường khả năng tự cung tự cấp chất bán dẫn. Đầu năm 2021, tờ The Japantimes dẫn một nguồn thạo tin cho hay Tokyo đã cử phái đoàn đến Đài Loan và thuyết phục thành công Tập đoàn TSMC đầu tư vào Nhật Bản. Động thái hợp tác này được cho là sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn của Nhật phát triển nhanh hơn nữa.
Còn tại Trung Quốc, chính quyền TP.Thâm Quyến (Quảng Đông) hôm 17.3 thông báo sẽ tài trợ 2,4 tỉ USD cho gã khổng lồ SMIC (nhà sản xuất chip lớn nhất của Trung Quốc) xây nhà máy chip nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành bán dẫn của nước này.
Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump cũng đã bắt đầu kế hoạch “hồi hương” ngành sản xuất chip sau nhiều thập kỷ được “toàn cầu hóa”. Còn châu Âu đang muốn làm chủ công nghệ bán dẫn thông qua “Dự án la bàn kỹ thuật số” vừa được công bố. Theo đó, Liên minh Châu Âu (EU) hy vọng đến cuối thập kỷ này, ít nhất 20% sản phẩm bán dẫn chất lượng cao sẽ được sản xuất tại các nhà máy thuộc các nước thành viên.
Theo Thanh Lương/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)