Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tình trạng xâm hại tình dục trẻ em: Chưa có giải pháp ngăn chặn đồng bộ

Tạp Chí Giáo Dục

Ảnh minh họa. Ảnh XL

Tình trạng xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE) ngày càng gia tăng; lứa tuổi bị xâm hại tình dục thì ngày cảng trẻ hóa. Tuy vậy, giải pháp nhằm hạn chế tình trạng trên thì vẫn chưa căn cơ. Đó là đánh giá của nhiều đại biểu trong buổi tọa đàm “Thực trạng và các giải pháp phòng ngừa XHTDTE” diễn ra tại Sở LĐ-TB-XH TP.HCM vừa qua.
Không ngừng gia tăng
Bà Phan Thanh Minh, Trưởng phòng BVCSTE (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM), cho biết: “Năm 2008 TP.HCM có 75 trường hợp bị XHTD, 6 tháng đầu năm 2009 đã xảy ra 12 trường hợp. Và tình trạng này vẫn tiếp tục gia tăng, trong khi đó lứa tuổi bị XHTD ngày càng trẻ hóa”. Còn theo số liệu của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), vấn đề XHTDTE tiếp tục diễn biến rất nghiêm trọng, phức tạp. Số vụ XHTDTE từ năm 2006-2008 chiếm 56,3% tổng số vụ xâm hại trẻ em, trong đó số vụ hiếp dâm trẻ chiếm trên 65%.
Ông Võ Phi Châu, Phòng LĐ-TB-XH quận 4 bức xúc: “Vấn đề XHTDTE là một tội ác cần phải lên án mạnh mẽ. Chỉ 6 tháng đầu năm 2009, trên địa bàn quận xảy ra hai vụ được phát hiện. Cả hai vụ đều rơi vào trường hợp trẻ bị hại tuổi đời còn quá nhỏ”. Ông Châu dẫn chứng, vào tháng 3-2009, một bé gái học lớp 9, nhưng bị một người đàn ông tuổi cha chú bức hại; vụ thứ hai cháu bị hại mới 4 tuổi. Đến bây giờ các cháu bé mới dần ổn định cuộc sống.
ThS. Lê Thị Thanh Tâm, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM băn khoăn: “Phần lớn các vụ XHTDTE đều xảy ra ở nơi đông người hay các khu dân cư chứ không phải ở những vùng quê hẻo lánh. Người bị hại không chỉ ở các bé gái mà còn xảy ra cả ở các bé trai. Nhưng xã hội chưa quan tâm tới vấn đề các bé trai bị XHDT như các bé gái”.
Nguyên nhân chính xảy ra tình trạng XHTDTE theo nhiều đại biểu là do sự chủ quan từ gia đình; môi trường sống phức tạp và chưa có sự phối hợp giữa gia đình – xã hội và nhà trường. Ông Phan Văn Hiếu, Trưởng phòng Pháp y TP.HCM đưa ra dẫn chứng: “Nhiều phụ huynh dẫn con em đến đơn vị chúng tôi xét nghiệm, khi nhận được kết quả là cháu bé có bầu. Nhiều phụ huynh đã quay lại chửi chúng tôi, vì cho rằng con em họ luôn được gia đình giám sát nên không có chuyện đó xảy ra. Nhưng thực tế thì không phải như vậy”. 
Thiếu giải pháp đồng bộ
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM thì việc ngăn ngừa, phòng chống trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là rất khó, cần sự quan tâm từ nhiều phía như gia đình, các tổ chức xã hội và cộng đồng. Trong khi đó, những vụ xảy ra thì rất khó xử lý vì phần lớn những cháu bé bị hại đều không dám nói ra. Thậm chí nhiều gia đình biết chuyện nhưng đành cắn răng chịu đựng vì sợ cháu bé ảnh hưởng, hay sợ gia đình mất uy tín.
Đại diện Phòng LĐ-TB-XH quận 12 nhìn nhận: “Thực tế là chúng ta thực hiện các giải pháp chưa đồng bộ, chưa đúng tầm và chưa phù hợp trước những diễn biến mới của xã hội. Mặt khác chưa có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và các đoàn thể. Vì vậy nên trang bị đầy đủ kiến thức về sức khỏe sinh sản cũng như giúp các bé tự bảo vệ mình. Tuy nhiên khi một bé bị XHTD thì gia đình chịu nỗi đau, địa phương bị trừ điểm còn nhà trường thì không thấy nhắc đến. Nên chăng xem xét việc trừ điểm thi đua của lớp, trường trong bình xét cuối năm nếu có trường hợp trẻ em là học sinh của trường bị XHTD”.
Bà Phan Thanh Minh nhìn nhận: “Việc phát hiện nhằm bảo vệ và hỗ trợ trẻ bị XHTD còn nhiều bất cập. Thực tế là khi trẻ bị XHTD thì chỉ công an điều tra độc lập làm việc không cần thông báo cho các ngành của phường, quận biết để có biện pháp hỗ trợ và tư vấn kịp thời. Mặt khác chưa có tuyên truyền sâu rộng xuống từng khu phố, gia đình để thực hiện”. Về vấn đề này đại diện Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch cho biết: “Trong thời gian tới chúng tôi sẽ có phối hợp với các ban ngành, đặc biệt là Sở LĐ-TB-XH để có phương án tuyên truyền xuống từng người dân để có biện pháp phòng ngừa, tránh những trường hợp đau lòng đã xảy ra”.
Văn Mạnh

Hãy đánh giá bài viết này!

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Xin lỗi vì bài viết này không hữu ích cho bạn

Giúp chúng tôi cải thiện

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

Bình luận (0)