Với sự phát triển của công nghệ, hành vi xâm phạm tác quyền diễn ra trên nhiều lĩnh vực, nổi cộm là tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên nền tảng công nghệ số. Thực trạng này không những đã xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của chủ sở hữu tác phẩm mà còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, cản trở quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Nhiều hình thức
Theo bà Nguyễn Thị Sánh – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam, việc vi phạm bản quyền tác giả, quyền sao chép tác phẩm ở Việt Nam hiện nay đang diễn ra phổ biến. Vi phạm một cách công khai, hiển nhiên, mọi lúc, mọi nơi với tất cả các loại hình tác phẩm. Thế nhưng sự nhận thức về xác lập quyền sở hữu tài sản trí tuệ và xử lý sai phạm khi có sự sao chép tài sản trí tuệ vẫn còn rất ít người quan tâm đúng mức. “Thực trạng này không những đã xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của chủ sở hữu tác phẩm mà còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, lâu dài đối với công cuộc phát triển nguồn lực của đất nước, cản trở quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam”, bà Sánh nói.
Ông Đoàn Hoài Trung – Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP.HCM cho biết, tình trạng vi phạm bản quyền nhiếp ảnh diễn ra khá phổ biến, nhất là trên các trang mạng xã hội, website. “Nhiều khách sạn hiện nay lên mạng lấy hình rửa treo trong các phòng mà không hề xin ý kiến tác giả, trả tiền nhuận ảnh cho tác giả. Như trường hợp nghệ sĩ nhiếp ảnh Tạ Quang Bảo phát hiện một khách sạn lớn ở Hà Nội treo hơn 100 bức ảnh của ông mà không xin phép. Họ cho rằng đã lên mạng là họ có quyền lấy sử dụng. Tình trạng các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử của các công ty, doanh nghiệp vi phạm bản quyền nhiếp ảnh diễn ra khá phổ biến trong thời gian gần đây, nhất là việc sử dụng ảnh cho mục đích quảng bá kinh doanh”, ông Trung dẫn chứng.
Theo ông Trung, việc vi phạm các tác phẩm nhiếp ảnh diễn ra thường xuyên nhưng vấn đề xử lý vi phạm lại rất ít được những người có trách nhiệm quan tâm. Khi “chính chủ” lên tiếng thì những tổ chức, cá nhân vi phạm lại cố tình né tránh trách nhiệm. Tác quyền trong nhiếp ảnh được pháp luật bảo vệ, nhưng thực tế là khi tác giả bị xâm phạm bản quyền lại rất ít khi được bảo vệ. “Thực trạng này đang tạo ra một tiền lệ xấu mà những người bị vi phạm bản quyền lại không biết kêu ai. Một vấn đề nan giải cần giải pháp là khó khăn trong vấn đề xử lý sau khi phát hiện vi phạm”, ông Trung lo lắng.
Bà Lê Thị Minh Hằng – Giám đốc Trung tâm Pháp luật và Tác quyền cho biết, các hình thức đánh cắp bản quyền trên môi trường số như: Chiếm đoạt quyền tác giả; mạo danh tác giả phân phối, xuất bản tác phẩm giả mạo; sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc tác phẩm không có sự đồng ý của tác giả; sao chép tác phẩm; sử dụng tác phẩm nhưng không trả tiền bản quyền với chủ sở hữu. “Theo kết quả khảo sát của Dự án tăng cường thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, có 43% chủ thể sáng tạo từng bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đối với vi phạm bản quyền diễn ra trên nền tảng số, Việt Nam chiếm 80%, gây mức thiệt hại 348 triệu USD năm 2022, tương đương 7.000 tỷ đồng”, bà Hằng thông tin.
Khó xử lý
Trong thị trường sách, các trường hợp vi phạm quyền sao chép vẫn diễn ra với quy mô lớn và phức tạp. Thaihabooks phải cảnh báo độc giả trên các phương tiện truyền thông cách phân biệt sách thật, sách giả. Bởi vì các đầu sách của đơn vị này nhanh chóng bị hàng chục đơn vị phát hành sách giả, sách không bản quyền để trục lợi bằng nhiều hình thức khác nhau. Nhà xuất bản Trẻ cho biết, hiện nay, hơn 300 đầu sách của đơn vị này đang bị làm giả, làm lậu. Đây là nhóm 20% số sách bán chạy nhất, đem lại 80% doanh số cho nhà xuất bản. First New Trí Việt đã phải in tờ hướng dẫn phân biệt sách thật để kẹp trong mỗi cuốn sách.
Theo luật sư Phan Vũ Tuấn – Trưởng Văn phòng Luật sư Phan Law, bên cạnh các hình thức và phương tiện truyền thống, việc xâm phạm quyền sao chép trên nền tảng số ngày càng phức tạp, tinh vi, tạo nhiều khó khăn trong hoạt động xử lý. Biện pháp xử lý được áp dụng kết hợp linh hoạt giữa biện pháp công nghệ là ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền trên nền tảng số bằng các công cụ công nghệ. Biện pháp pháp lý, tùy trường hợp, có thể yêu cầu xử lý hành chính, dân sự (bồi thường thiệt hại) hoặc hình sự.
Bà Mai Tú Anh – Tổng Thư ký Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam cho biết, hiện có hai hình thức xử phạt tình trạng vi phạm bản quyền. Xử lý bằng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt lên tới 500 triệu đồng đối với tổ chức hoặc 250 triệu đồng đối với cá nhân. Xử lý bằng biện pháp kiện dân sự tùy thuộc vào thiệt hại thực tế được tòa án chấp nhận. |
PGS.TS Đào Duy Quát – nguyên Phó ban Thường trực Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương cho rằng, trong xã hội tri thức, hệ thống sở hữu trí tuệ là xương sống của nền công nghiệp và nền văn hóa của một quốc gia. Do đó, ông đề nghị cần đánh giá đúng sự thật, nhìn thẳng sự thật, làm rõ bản chất, quy luật vận động và xu hướng phát triển của vấn đề, từ đó đề ra những giải pháp hiệu quả cho việc bảo vệ tài sản trí tuệ.
TS.Nguyễn Huỳnh Thanh – Viện trưởng Viện Triết học Phát triển cho biết, nguyên nhân sâu xa của tất cả những vấn đề trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới ngày nay đều bắt nguồn từ nhận thức. Do đó, cần truyền bá nhận thức, xây dựng nhu cầu, và phát triển thị trường.
Hồ Trinh
Bình luận (0)