Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tình vội vã của học trò

Tạp Chí Giáo Dục

Ảnh minh họa

Thỉnh thoảng chúng ta lại bắt gặp những đôi trai gái tuổi teen chở nhau đến trường bằng xe đạp, xe máy. Đằng sau những hình ảnh có vẻ lãng mạn ấy là hàng tá chuyện buồn…
Ôi! Tình “iu” học trò     
Hai năm đầu học tại Trường THPT P., Lê Thị Băng A. luôn làm hài lòng ba mẹ bằng những điểm 10 và các giấy khen. Thế nhưng bước sang năm học 2009-2010 sức học của Băng A. bắt đầu tụt dốc. Bạn bè trong lớp đều biết nguyên nhân của sự tụt dốc này là do Băng A. đã “iu” T.S.C. bạn học chung lớp. Khi phát hiệu A. và C. “iu” nhau, trong lớp có không ít lời bàn ra tán vào. Vì A. sở hữu một khuôn mặt xinh xắn, đôi mắt lúc nào cũng toát ra vẻ hồn nhiên của tuổi mới lớn và học giỏi. Còn C., từ ngoại hình cho đến cách sống đều kém.
Mặc cho bạn bè góp ý, A. vẫn “iu” C. thậm chí còn trao đời con gái cho người “iu”. “Đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma”, A. đã có thai. Lúc đó, C. đã đưa cô vào bệnh viện để giải quyết hậu quả. Cứ tưởng sau lần đó, cô cậu sẽ biết dừng. Cách đó không lâu, A. lại phải vào bệnh viện Phụ sản lần 2. Điều tệ hại là sau đó C. đã tung tin cho bạn bè trong lớp biết “hắn” không phải là người duy nhất phá hoại cuộc đời A. Bị người mình “iu” “đá đẹp”, A. sống mà như chết. Hết học kỳ 1, ba mẹ đã phải chuyển trường cho A….
Cũng vì tiếng gọi của ái tình, Hoàng Thị Nam P. học sinh lớp 11 Trường THPT L. đã làm cho ba mẹ buồn lòng. P. cảm tình với một bạn trai trong lớp nhưng không được đáp lại nên đã lao vào một cuộc tình mới với một nam sinh khác lớp. Trước đây, tan học P. về nhà ngay nhưng bây giờ cô cứ la cà trong trường để hẹn hò với M. Hậu quả là kết quả học tập của P. ngày càng tệ. Nhưng đều tệ hơn là P. và M. đã vượt qua ranh giới của tình yêu tuổi học trò để làm chuyện người lớn. Cũng giống như C., khi “con ong đã tỏ đường đi lối về”, M. tìm cách rút. Bị người “iu” bỏ rơi, bạn bè xa lánh, lại không dám nói với cha mẹ nên đã có lần P. đòi tự tử. Rất may là giáo viên chủ nhiệm đã phát hiện và khuyên can kịp thời.
“Iu” không phải là cho 
Những mối tình tuổi học trò trên tuy không phải là hiện tượng phổ biến trong các trường THPT nhưng nó đã “chạm” đến những vấn đề lớn về kỷ luật nhà trường và đạo đức của người học sinh. Khi đến trường, nhiệm vụ chính của các em là học hành, bạn bè quen nhau phải được kết nối bằng những tình cảm hồn nhiên và vô tư. Khi vướng vào chuyện yêu đương, rất nhiều em đã quên hết những lời dạy bảo của người lớn và lời khuyên của bạn bè để làm theo ý thích cá nhân.
Trong chuyện này, cả C. và M. đều đáng bị lên án vì đã gây hậu quả lớn cho các bạn gái. Tệ hại hơn, C. còn “gieo tiếng ác” cho người “iu” để A. phải sống trong đau khổ dày vò. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, trước khi lên án về đạo đức của C. và M. cũng cần phải nhìn lại lối sống buông thả của A. và P. Không phải không có kiến thức giới tính nhưng hai cô gái này đã quá dễ dãi trong quan hệ yêu đương. Các cô bé tuổi teen đã sống theo quan niệm hiện đại “iu là cho”. Để rồi trao “cái ngàn vàng” đi mà không một chút đắn đo suy nghĩ. “Cho” thì sẽ “nhận” nhưng thật đáng buồn khi các em nữ chỉ nhận được những kết cục đau buồn – sa sút trầm trọng trong học tập, phải vào bệnh viện điều trị hoặc chỉ muốn quyên sinh.
Khi A. chuyển sang môi trường học mới, có thể không ai biết “quá khứ” của em. Còn đối với P., các bạn trong trường, trong lớp xì xào mãi rồi cũng phải dừng. Nhưng, liệu A. và P. có thể quên được những ngày tháng đau buồn này không?
Câu chuyện của A. và P. là lời cảnh báo của những cô bé thích “iu” hơn thích học. Và cũng là lời cảnh tỉnh cho những ông bố, bà mẹ cứ “vứt” con cho nhà trường mà quên rằng ở lứa tuổi này các em rất cần có cha mẹ bên cạnh.
Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)