Vợ chồng nhà giáo Dương Thị Bích Lộc và Nguyễn Xuân Cát |
35 năm đã trôi qua, nhưng trong ký ức họ không bao giờ quên được cái thời vượt Trường Sơn vào Nam đi chiến đấu cũng như không quên ngày tạm biệt chiến khu tiến về Sài Gòn giải phóng thành đô. Họ là đôi vợ chồng nhà giáo Dương Thị Bích Lộc và Nguyễn Xuân Cát.
Nặng tình đồng chí – đồng hương
Dương Thị Bích Lộc đến với nghề giáo không phải là tình cờ. Ngay từ nhỏ, “chất nhà giáo” từ bố đã thấm dần trong cô. Học xong chương trình phổ thông, Lộc quyết định thi vào Trường Sư phạm Nam Định. “Dạy được vài năm ở xã nhà, tôi được điều động về công tác tại Phòng GD và sau đó là Trường Đào tạo bồi dưỡng giáo viên của huyện. Ngôi trường này cũng là nơi cuối cùng tôi chia tay với gia đình để vượt Trường Sơn đi vào miền Nam công tác”. Chị Bích Lộc nhớ lại.
Sau 3 tháng vượt qua bao suối sâu vực thẳm, chị đã vào đến căn cứ TW Cục đóng ở Lộc Ninh. Trên con đường ra trận đó, có không biết bao nhiêu kỷ niệm để lại trong lòng cô giáo trẻ. Nhưng đáng nhớ nhất là gương mặt thân quen của những người đồng hương, đồng nghiệp cùng chung một chiến hào đánh Mỹ. Đợt vào Nam của chị có hơn 50 GV nhưng chỉ có 13 nữ nên luôn được mọi người ưu ái và giúp đỡ. Chị không thể nào quên được thầy giáo dạy toán Nguyễn Xuân Cát có vóc dáng khỏe mạnh, cùng quê Nam Định với chị. Do đi cùng nên cả hai nhanh chóng thân thiết với nhau. Ấn tượng đầu tiên của chị đây là một chàng trai chân thật rộng lượng, ít nói nhưng cần mẫn luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác. Thế nhưng, khi vào đến Tây Ninh thì họ lại phải đi theo hai hướng khác nhau: chị được tổ chức cho ở lại TW Cục, anh thì được cử về Long An hoạt động. Mãi đến năm 1973, đôi bạn trẻ mới được gặp lại nhau, khi thầy giáo Nguyễn Xuân Cát quay trở lại Tây Ninh học lớp chuyên môn nghiệp vụ. Đến lúc này tình yêu của đôi trai gái mới được đâm chồi nảy lộc dù giữa chiến trường bốn bề bom rơi đạn nổ. Đồng đội vẫn không thể nào quên được một đám cưới thật hiếm hoi và hạnh phúc trong khu rừng Dương Minh Châu vào tháng 9-1973. Chỉ có một ít thuốc lá tự quấn, kẹo đậu phộng tự làm, nhưng lễ thành hôn của cặp cô dâu chú rể trong ngôi trường Lý Tự Trọng vô cùng ấm cúng và thắm tình đồng đội. Hơn một năm sau, đứa con gái đầu lòng của họ cất tiếng khóc chào đời giữa khu rừng già, đem lại một niềm vui mới cho tổ ấm gia đình.
Trọn nghĩa riêng – chung
Hơn 35 năm đã trôi qua, nhưng cả hai vẫn không quên những tháng ngày hạnh phúc đó. Mỗi khi nhắc lại quá khứ, mọi cảm xúc của cuộc đời như ùa ngập trong lòng họ. Nhà giáo Nguyễn Xuân Cát hồi tưởng lại: “Khi cháu gái ra đời trong căn nhà lợp lá trung quân không chỉ có vợ chồng chúng tôi vui mừng mà anh em bộ đội đóng quân trong rừng cũng thấy hạnh phúc. Đời sống lúc này cái gì cũng thiếu thốn nhưng những đứa trẻ như con gái tôi thì vẫn được mọi người quan tâm chăm sóc. Có hôm người cho nửa cân đường, ngày mai lại có người biếu một hộp sữa. Có anh tuy còn trai trẻ nhưng mỗi lúc đi vào nội thành hay ra vùng biên giới đều chọn mua cho cháu những chiếc khăn hay bộ quần áo rất đẹp. Có lẽ không bao giờ chúng tôi quên được những tấm lòng đáng quý đó”. Riêng chị Lộc cho biết, đến giờ vẫn còn giữ những tấm hình mà các chú phóng viên chiến trường một lần đi qua trường đã chụp tặng cháu, chị coi đó như một báu vật trong tài sản của gia đình.
Mùa xuân năm 1975, cùng với đoàn quân chiến thắng, đôi vợ chồng thầy Cát – cô Lộc tay bồng đứa con hơn một tuổi tiến về Sài Gòn trong niềm hạnh phúc dâng trào. Không còn những tháng ngày “nằm gai nếm mật”, “ăn cơm vắt uống nước chai”, cùng với đội ngũ GV còn ở lại trong thành, họ lại bắt tay vào xây dựng nền móng nền giáo dục cho thời kỳ hòa bình. Từng là hiệu trưởng của các trường như THCS Bạch Đằng (quận Bình Thạnh), Trường Phổ thông lao động Chu Văn An, Trường BTVH Bình Thạnh, cán bộ Phòng GD Bình Thạnh, nhà giáo Nguyễn Xuân Cát và Dương Thị Bích Lộc là những người có công đặt viên gạch đầu tiên, khơi nguồn cho nền giáo dục TP.HCM sau ngày đất nước thống nhất.
Hương Thủy
Bây giờ dù đã ở tuổi nghỉ hưu cả hai vợ chồng vẫn dành sức lực của mình cho công tác khuyến học tại địa phương. Như quy luật “nước đi ra biển lại mưa về nguồn”, cô con gái lớn của anh chị hơn 20 năm là giáo viên Trường THCS Hà Huy Tập, quận Bình Thạnh, tiếp tục nối nghiệp bố mẹ đem ánh sáng văn hóa truyền cho thế hệ tương lai. |
Bình luận (0)