Chị Lê Ninh Giang
|
Đất nước đã hòa bình nhưng không phải không còn hy sinh. Vợ lính, thời nào cũng thế, cũng vất vả vì thường phải nuôi con một mình, cũng phải chịu mất mát khổ đau. Thời bình rồi nhưng những hy sinh vẫn chảy lặng thầm và cao đẹp nơi đầu ngọn sóng…
Anh sẽ mang về cho em con ốc biển
Những chiến sĩ hy sinh trên quần đảo Trường Sa đều được đưa về an nghỉ tại nghĩa trang trên đảo Nam Yết. Tại nghĩa trang này có 4 ngôi mộ còn nồng mùi vôi mới: Đinh Thanh Bình (quê Quảng Bình, hy sinh năm 2011); Nguyễn Văn Hà (quê Nghệ An, hy sinh năm 2010); Lại Huy Công (quê Thái Bình, hy sinh năm 2012) và Nguyễn Văn Cường (quê Kim Động, Hưng Yên, hy sinh năm 2012). Trong các liệt sĩ tại Trường Sa, Lại Huy Công và Nguyễn Văn Cường là những người hy sinh gần đây nhất.
Ông Nguyễn Văn Vi, bố Cường cho biết: Cường là con trai lớn sinh năm 1990, dưới có cô em gái năm nay vừa bước vào kì thi ĐH. Học hết lớp 12, Cường không thi ĐH mà mong muốn theo bộ đội chuyên nghiệp, công tác tại vùng 4 hải quân. Sau thời gian huấn luyện trong đất liền 6 tháng, Cường có về thăm nhà rồi ra Trường Sa nhận nhiệm vụ. Dịp Tết Nguyên đán 2010 Cường được về đất liền thăm nhà lần nữa. Còn lại chủ yếu là Cường gọi điện, viết thư cho bố mẹ và em gái. Tết năm 2012, Cường gọi điện về nhà hỏi thăm tình hình bố mẹ ăn Tết có to không, rồi nói cả nhà cứ yên tâm, con nhớ bố mẹ, nhớ em, con ở đảo vẫn hăng say làm nhiệm vụ và ăn Tết đầy đủ… Nào ngờ đó là lần cuối cùng Cường gọi về nhà, ông Vi nghẹn ngào.
Trước khi hy sinh vài ngày, Thiếu úy Nguyễn Văn Cường vừa được vinh dự đứng trong hàng ngũ Đảng. Vào ngày 2-2-2012 định mệnh ấy, khi Cường gặp nguy hiểm, Lại Huy Công đã anh dũng lao tới cứu mạng Cường nhưng không thành, cả hai hy sinh cùng lúc và giờ họ lại nằm bên nhau giữa Trường Sa.
Khi tôi hỏi ông Vi rằng Cường đã kịp có bạn gái chưa, ánh mắt ông ánh lên chút niềm vui xen lẫn yêu thương. Chẳng là Tết năm 2010, khi được về đất liền vài tháng thăm nhà, thấy Cường vội vàng vào TP.HCM nói là vào chú, cậu chơi nửa tháng, nhưng Cường vào tới nơi lại không cho ai biết, ông Vi đã đoán ra ngay cậu chàng kiếm cớ vào thăm bạn gái. Trước đó, Cường đã quen bạn gái qua thư gửi ra đảo…
Bố và em gái liệt sĩ Nguyễn Văn Cường |
Nguyễn Huy Chung – chiến sĩ cùng huyện Kim Động, Hưng Yên với liệt sĩ Nguyễn Văn Cường – cho biết: “Trước khi Cường hy sinh, em không biết Cường và em cùng quê. Cường hy sinh bên đảo Chìm, lúc đưa về đây an táng được một tuần thì từ bên đảo Chìm điện sang hỏi thăm, khi biết em là đồng hương cùng huyện, các anh bên đó nhờ em chăm lo cho phần mộ của Cường và dặn: Cường viết thư về nhà có hứa mang về cho em gái mình con ốc biển. Vì thế, em thay bạn mang quà về quê”.
Huế – cô em gái bé nhỏ của Cường – đã òa khóc nức nở và xúc động vô cùng khi nhận con ốc biển từ tay đồng đội của anh trai mình. Em hiểu hơn bao giờ hết những mất mát, hy sinh là những nỗi đau có thể chạm tới được…
Vào tháng 6-2012, sau khi Cường hy sinh được 4 tháng, Bộ Tư lệnh Hải quân có đưa bà Hoàng Thị Tuyết – mẹ liệt sĩ Thiếu úy Nguyễn Văn Cường – ra Trường Sa thăm mộ con. Bởi lẽ, các liệt sĩ ngay sau khi hy sinh rất khó để đưa thi thể về đất liền nên những chiến sĩ ngã xuống trên Trường Sa phải chờ rất lâu để được về nhà. Cát, nước biển mặn chát khiến hài cốt của các chiến sĩ phải mất 7-8 năm để tan. Tuy nhiên, ông Vi cho biết, như gia đình ông còn khỏe có thể ra Trường Sa thăm con, chứ gia đình liệt sĩ Lại Huy Công thì không biết bao giờ mới nhận được hài cốt con trở về. Trong thời gian ngắn hơn 1 năm từ ngày Công hy sinh, mẹ Công đã đón nhận hai nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời: Con hy sinh và chồng mất vì bệnh tật.
Và một ngày mới bắt đầu
Chị Lê Ninh Giang (Hà Nội), vợ anh Hoàng Quốc Khánh cũng đang làm nhiệm vụ tại đảo Nam Yết – Trường Sa chia sẻ câu chuyện của mình. Vợ chồng chị cưới nhau chưa được bao lâu thì anh nhận nhiệm vụ ra Trường Sa. Khi đó, chị đang mang bầu đến tháng thứ 6. Thế rồi, cùng với những vất vả của người vợ trẻ khi không có chồng ở bên lúc đón đứa con đầu lòng chào đời, là niềm hạnh phúc lớn lao khi bé trai kháu khỉnh, sinh ra đã giống bố như đúc. Chị Giang không thể quên được giây phút đó, khi chị gọi điện báo tin cho chồng, rằng “Em đã mẹ tròn con vuông và con trai giống anh như đúc…”. Khi vừa khoe xong như vậy, thì chị nghe thấy từ phía sau đồng đội của chồng òa lên, vỗ tay hò reo. Sau đó thì tất cả anh em có gì đều bỏ ra ăn mừng…
Chị Lê Ninh Giang chia sẻ, dù trải qua nhiều vất vả thế nhưng chị luôn tự nhủ phải cố gắng để chồng yên tâm. Và chị cũng rất tự hào để con trai bé bỏng hiểu rằng dù bố không gần mẹ con mình nhưng bố đang từng ngày bảo vệ đất trời Tổ quốc. Có những chiến sĩ ở đảo Trường Sa chúng ta mới có cuộc sống yên bình, ấm áp – đó không chỉ là tâm niệm của riêng chị Giang, người vợ thân yêu của người lính Trường Sa…
Bài, ảnh: Nghiêm Huê
Bình luận (0)