Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tình yêu thầm lặng

Tạp Chí Giáo Dục

Ngay từ đầu, gia đình nàng đã phản đối chàng. Họ cho rằng hai người không môn đăng hộ đối, rằng nàng lấy chàng chỉ chuốc sầu muộn cả đời mà thôi.

Trước sức ép gia đình, chàng và nàng thường xuyên cãi cọ. Nàng dù yêu chàng rất nhiều, nhưng không lúc nào ngừng hỏi: “Anh yêu em sâu đậm đến mức nào?”.  

Trớ trêu thay, chàng không phải người khéo ăn giỏi nói để có thể làm an lòng người yêu, bởi thế, nàng thường xuyên thất vọng. Và trước bao áp lực từ gia đình, nàng dồn hết cáu giận lên chàng. Những lúc ấy, chàng chỉ biết im lặng. 

Vài năm trôi qua, chàng tốt nghiệp Đại học và quyết định ra nước ngoài học tiếp. Trước khi đi, chàng cầu hôn: “Anh không phải người khéo nói. Chỉ biết một điều rằng anh rất yêu em. Nếu em cho phép, anh sẽ chăm sóc em đến hết cuộc đời. Về phần gia đình em, anh sẽ cố gắng thuyết phục. Em sẽ cưới anh chứ?”. 

Nàng đồng ý. Với quyết tâm của chàng, gia đình nàng cuối cùng cũng phải nhượng bộ và chấp thuận cho hai người nên duyên. Vậy là trước khi chàng lên đường đi học xa, hai người làm lễ đính ước. 

Nàng hòa nhập với công việc trong xã hội, trong khi chàng vẫn mải miết học hành ở một đất nước xa. Họ gửi tình yêu cho nhau qua những cánh thư, email và điện thoại. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng không ai trong hai người nản chí. 

Một hôm, trên đường đi làm, nàng bị một chiếc ô tô đang đà đâm vào bất tỉnh. Mở mắt trong bệnh viện, thấy ba mẹ bên cạnh, nàng nhận ra rằng mình bị thương nặng lắm. Mẹ khóc. Nàng muốn mở lời an ủi bà, song tất cả những âm thanh nàng có thể phát ra chỉ là tiếng ú ớ. Bác sĩ nói nàng bị ảnh hưởng vùng não điều khiển tiếng nói và không còn trò chuyện được nữa. Lắng nghe những lời động viên của cha mẹ, nàng thêm tuyệt vọng.  

Suốt thời gian ở viện, bên những giọt nước mắt thầm lặng vẫn chỉ là những tiếng khóc thầm lặng bủa vây nàng. Về nhà, mọi thứ không hề thay đổi. Có chăng chỉ là chút hỗn loạn do tiếng chuông điện thoại đem lại. Tim nàng đập dồn mỗi khi nghe thứ âm thanh ấy. Bởi nàng sợ nhận điện của chàng, nàng không muốn chàng biết, không muốn mình trở thành gánh nặng cho chàng. 

Nàng quyết đinh viết một lá thư bày tỏ rằng “em không thể chờ đợi anh thêm nữa”. Kèm theo đó, nàng gửi trả nhẫn đính ước. Đáp lại, chàng gửi nàng hàng triệu, hàng triệu email, muôn vàn cuộc điện thoại. Nàng chỉ còn biết khóc. 

Rồi gia đình nàng quyết định chuyển đi, hy vọng điều đó có thể giúp nàng quên mọi chuyện và sống thanh thản hơn. Trong môi trường mới, nàng học ngôn ngữ cử chỉ và bắt đầu cuộc sống mới, tự nhủ hàng ngày rằng phải quên người đàn ông ấy đi.  

Ngày nọ, một người bạn của nàng ghé thăm. Họ cho biết chàng đã trở về. Nàng yêu cầu người bạn giữ kín chuyện của mình. Từ ấy không nghe tin gì về chàng nữa. 

Một năm trôi qua. Người bạn lại ghé thăm với tấm thiệp lồng trong phong bao rất cẩn thật. Đó là thiệp cưới của chàng. Nàng gần như ngã quỵ. Song thật lạ là, khi tấm thiệp được mở ra, tên cô dâu, không ai khác, chính là tên của nàng. 

Chưa định thần để hỏi cho rõ chuyện gì xảy ra, nàng đã thấy người đàn ông năm xưa đến bên, ngay trước mặt. Chàng “nói” với nàng, bằng đôi tay rất khéo:  

“Anh đã mất cả năm để học thứ ngôn ngữ này, chỉ để nói với em rằng anh không quên lời hẹn ước. Cho anh cơ hội được làm giọng nói của em nhé. Vì anh yêu em”. Cùng với đó, chàng lồng trở lại chiếc nhẫn đính hôn vào ngón tay xinh xắn của nàng.

Cô gái câm suốt bao ngày chỉ biết khóc trong im lặng, giờ đã có thể mỉm cười trước niềm hạnh phúc lớn lao. 

Huyền Anh – Theo LVU (dantri.com.vn)

 

Bình luận (0)