Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Tình yêu thầy là ngọn lửa đầu tiên

Tạp Chí Giáo Dục

Cái đầu tiên cũng là cái nhỏ bé của người lính sau trận về thăm thầy làm chúng ta nhớ cách đây sáu trăm năm thời vua Trần Duệ Tôn, những thám hoa, bảng nhản, trạng nguyên, danh lớn công to là thế. Mỗi lần về thăm thầy Chu Văn An đều bỏ hết áo mão cân đai, hai chân đất đứng vòng tay hầu thầy. Những tước hầu, tước bá ấy kính phục không phải chỉ thầy Chu tiết tháo, cương trực, từ quan lui về núi dạy học, lều tranh sân cỏ, thanh bần với đám trẻ thơ, thanh khiết như hoa sen, hoa cúc. Thầy Chu lui về chỉ vì nhà vua không đồng thuận với sớ dân chém bảy nịnh thần. Mà vì đạo. Vì đạo mà kính phục thầy. Người xưa luận về đạo – đạo thầy. Đạo thầy đứng bậc thứ hai trong ba đạo lớn của đời người: Quân, sư, phụ. Thầy của đạo học. Đạo học là biển học, biển học thay đổi sóng như thay đổi thuần phong (Học hải hồi lan tục tái thuần). Thầy của đạo, cao như núi Thái Sơn. Sáng của đạo, sáng như sao Bắc Đẩu (Thượng tường sơn đẩu đắc tư nhân). Đạo thầy có trong thơ Nguyễn Trãi: “Ơn thầy, ơn chúa, mấy ơn cha”. Đạo thầy cũng là đạo người có trong thơ Nguyễn Đình Chiểu: “Lòng đạo xin tròn một tấm gương”. Và ngày nay Bác Hồ nói sự nghiệp dạy học là dạy người, trồng người: “Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người”.
Người thầy ngày xưa không thời nào không đứng cùng dân tộc để cùng dân thoát ách, thoát nạn. Thầy Chu dâng sớ thất trảm đấy là cuộc chiến đấu vì lương tâm, vì chính nghĩa. Không thực hiện được, thầy Chu nuôi chí, nuôi hi vọng, chờ thời, hướng mọi người tin hi vọng vua sáng, tôi hiền – trong khi cá thì lao xao nhảy, rồng thì còn ở chốn nào: “Ngư du cổ chiểu long hà tại”.
Nhà thơ Bảo Định Giang viết về Nguyễn Đình Chiểu một đoạn thơ trong bài thơ “Nhớ về đôi mắt”. Bị mù, Người tìm đến con đường dạy học, đi đến với những cuộc dấy nghĩa khởi binh. Không cầm được gươm súng, Người viết thơ viết tế trao vũ khí tinh thần cho nghĩa quân, chính đó đôi mắt khí tiết, chính nghĩa của người thầy xưa: “Cuộc đời sáng mãi vần thơ/ Gương soi phẩm giá đến giờ vẫn trong/ Ra đi chén rượu đỏ lòng/ Khan điều ai nhuộm sắc hồng máu tim/ Sương mù không ướt cánh chim/ Cồn dâu nho nhỏ vút lên đại bàng/ Việc người nào khác việc trăng/ Nhớ về đôi mắt bâng khuâng đêm dài!…”. Ngày nay trong thời đại cách mạng thầy cô vẫn là chỗ đứng trong đạo thầy, đạo học. Bác Hồ cũng đã đặt vị trí đó cho các thầy cô rồi. Hai cuộc kháng chiến thầy cô có người đã đi qua, đã có mặt trên chiến tuyến. Cũng trong hai cuộc kháng chiến học trò của thầy cô người là chiến sĩ làm tiếp thầy cô đi tới. Trong cuộc xây dựng để làm cuộc sống mới, ngoài vật lộn với cái cũ, cái lạc hậu, cái tiêu cực đầy hiểm hóc còn là cuộc chiến đấu với thiên tai, dịch họa đầy thảm cảnh cho con người. Ở cuộc chiến đấu chống kẻ thù, học trò của thầy cô không tiếc máu xương thì trong cuộc chống giữ thiên thiên quái ác có thầy cô vượt qua mọi khó khăn giành giữ từng giờ học, từng buổi học cho trẻ.
Hãy nghe hai bài thơ không khác gì hai lá thư. Một thư kể về một cô giáo. Trong bão tay cô vừa giữ chắn cửa lớp, tay vừa làm lao giảng bài. Trong lụt cô dẫn học trò đi trong nước vào lớp, trẻ níu lưng cô ngồi lên bao cát để học, cô đứng giữa sóng giảng bài, hai bên hàng dây giăng. Cô thì: Hai bàn chân dầm mềm nước bạt/ Trẻ níu lưng cô tay nắm tay/ Sóng hai bên, cô đi giữa giăng dây/ Thương trẻ ngồi trên bao cát học/ Cô giảng bài vừa gạt bèo trôi vào lớp/ Trẻ lắng nghe nước mắt cô ướt đầm…”.
Đó là một đoạn trong bài thơ “Cô giáo vùng quai chão” của cô giáo Trúc Thuyên viết trong những ngày bão lụt miền Tây năm 2003. Bài thơ viết lẫn trong nước mắt. Còn đây bài thơ viết từ trận bão lũ miền Trung năm 2009. Bà con thị xã như nói với cô “Chúng tôi đặt cô lên đỉnh xuân đây, cô ơi”. Bài thơ viết từ trong đỉnh lũ có tên “Đặt cô lên đỉnh xuân” của nhà thơ Hàn Anh Trúc: “Cô trên đỉnh bão bay qua tháp/ Kêu giữ từng em được vẹn nguyên/ Cô trên đỉnh lũ vượt qua thác/ Ôm những bàn tay níu mạn thuyền…”. Trên chiến trường có thầy đã hi sinh, thì nay trong bão lũ có cô xả thân cho nghĩa lớn. Đạo thầy, đạo học từ xưa đã có ngôi sao trên đỉnh núi (sơn đẩu), ngày nay cái nghĩa cả xả thân của cô có thêm nghĩa mới – đỉnh xuân (thượng xuân). Một cái nghĩa cũng là đồng nghĩa: “Có tình yêu nào không mang nỗi nhớ/ Tình yêu cô là ngọn lửa đầu tiên…”.
TRÚC CHI

 

Bình luận (0)