200 năm trước, thời Nguyễn Du sống, ý thức hệ phong kiến với tam cương, ngũ thường chuyện con trai, con gái yêu đương, tự tìm đến với nhau khi chưa có cha mẹ cho phép là điều cấm kỵ. Nếu có, chỉ là sự vụng trộm và hầu như kết quả là sự xa nhau. Vì lẽ ấy, nhà phê bình Hoài Thanh cho rằng cái bước chân xăm xăm băng lối vườn khuya một mình đến nay ta vẫn còn ngơ ngác. Giáo sư Lê Trí Viễn cho rằng cái đêm Thúy Kiều sang nhà Kim Trọng là đêm thần tiên! Đó là chuyện trước đây, chuyện Thúy Kiều tự ý tìm người yêu và thề thốt, hứa hẹn. Còn giờ đây, sau khi trao duyên cho em (Thúy Kiều lần nữa ra đòn quyết định chuyện yêu đương và gia thất), thái độ của cha mẹ như thế nào?
Sau cái việc cạn lời hồn dứt máu say, cả nhà quây quanh Thúy Kiều: nào cha mẹ tỉnh giấc ngủ, nào một nhà tấp nập kẻ trong người ngoài, nào người thang người thuốc bời bời… tất cả chỉ là lo lắng cho tính mạng của Thúy Kiều. Còn vì sao Kiều lại lạnh ngắt, đôi tay giá đồng thì phải chờ đến lời rỉ tai của Thúy Vân. Trước khi nói rõ chuyện tình yêu khác lạ, hãy làm rõ đôi điều trong đoạn thơ sau. Theo bản của cụ Đào Duy Anh: Nỗi nàng Vân mới rỉ tai/ “Chiếc vành này với tờ bồi ở đây/ “Vì cha làm lỗi duyên mày/ “Thôi thì việc ấy sau này đã em(…). Cách viết của cụ Đào, khi có lời đối thoại dẫu rằng có bao nhiêu câu thơ, trước mỗi câu đều mở ngoặc kép. Nếu mở ngoặc kép liên tục tức vẫn trong lời nói của một nhân vật. Từ cơ sở ấy, câu thơ chiếc vành với bức tờ bồi ở đây là của Thúy Vân, không ai bàn cãi. Nhưng sao đến câu Vì cha làm lỗi duyên mày / Thôi thì việc ấy sau này đã em (và 4 câu tiếp sau đấy) là lời của Vương ông sao cụ Đào lại để cùng dấu mở ngoặc, lời của Thúy Vân? Lỗi ở cụ Đào sơ ý hay lỗi của nhà in? Nếu không làm rõ điều này, người đọc khó hiểu thấu ý tứ đoạn thơ. Mà bản Kiều của cụ Đào xuất bản năm 1993, trước đấy, 64 năm về trước (1929) cụ Hồ Đắc Hàm đã nói rõ: Từ câu 767 (Vì cha làm lỗi duyên mày – L.X.L chú) từ câu này trở xuống cả thảy là 6 câu lời Vương ông nói.
Lẽ nào học giả Đào Duy Anh không đọc bản của cụ Hồ Đắc Hàm? Chắc là lỗi của nhà in. Nói cặn kẽ như vậy là để khẳng định lời nói ấy là của Vương ông. Trong lời nói ấy, điều trước tiên là Vương ông thừa nhận mối tình của Kiều – Kim và còn hơn thế, ông Vương còn thừa nhận mối tình của Vân – Kim mà Kiều đã sắp đặt. Điều này ngược với lẽ thường tình trong hôn nhân ngày ấy. Lại còn vượt qua sự thừa nhận là Vương ông nhận lấy lỗi tại mẹ cha: Vì ai rụng cải rơi kim/ Để con chìm nổi mây chìm vì ai? Ngày xưa các cụ phát hiện: nếu để hổ phách gần hột cải thì chúng hít vào nhau, cũng như cây kim (kim loại) để gần nam châm. Lý ra Kim – Kiều phải sống chung, nay lại phải xa nhau. Vì ai? Chắc trong suy nghĩ của Vương ông chữ ai ấy có nghĩa rộng hơn, không chỉ là ám định vào cha mẹ. Nhưng lời hứa của ông: Lời con dặn lại một hai/ Dẫu mòn bia đá dám sai tấc vàng, quả là sự khác lạ khó tin. Nhưng người đọc vẫn tin, có lẽ ngoài sự trong sáng của mối tình, ngoài chuyện trao tơ phải lứa, gieo cầu đúng nơi là sự hy sinh của Thúy Kiều để cứu cha mẹ. Thương con, trọng lời con dặn.
Lời lẽ của Vương ông chân tình, đáng quý nhưng nhà nghiên cứu, cụ Văn Hòe tuy không dám chê Nguyễn Du mà chỉ nêu một ý kiến: “Thôi thì việc ấy sau này đã em, có khác gì lửa cháy đổ dầu thêm, người ta đã ngã lại tống thêm cái đạp”. Cụ Văn Hòe cho rằng: “Ông già mới lẩm cẩm làm sao. Kiều có lo Kim Trọng không lấy được vợ đâu! Nàng chỉ đau đớn rằng nàng không giữ được lời thề”.
Cụ Văn Hòe nói cũng có lý của cụ. Nhưng cụ quên mất rằng chính Kiều đã mời em ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa… Chuyện Thúy Vân nối duyên với Kim Trọng là nguyện vọng của Thúy Kiều. Vương ông có nói vậy cũng là một cách tôn trọng lời dặn, ước nguyện cuối cùng trước khi Kiều bước ra khỏi nhà. Có lẽ cụ Văn Hòe quá khắt khe!
Lê Xuân Lít
Bình luận (0)