Trong tình yêu, một chút kiêu hãnh, sĩ diện giúp bạn giữ lại giá trị của bản thân. Nhưng nếu dùng liều thuốc ấy quá mức, chính tay bạn sẽ đưa tình yêu của mình vào ngõ cụt…
1. Tôi sẽ không bao giờ nói xin lỗi!
Khi yêu, điều bạn cần phải học đầu tiên là cách nói cám ơn và xin lỗi. Trong hai từ ấy thì hẳn xin lỗi là khó nói nhất- theo quan niệm của teen – là vì nó làm "mất giá" của mình, khi mình xuống nước trước thì mình là người "chịu nhục", "chịu hàng" và khiến đối phương…hả hê như vừa thắng trận. Vậy nên, nhiều teen khi yêu đã tuyên bố hùng hồn rằng "Tôi sẽ không bao giờ nói xin lỗi. Dù người gây ra lỗi lầm là tôi!".
Với hàng tỉ lý do mà từ "xin lỗi" gây thiệt hại đến cái tôi quá lớn của bạn, sao bạn không nghĩ đến công dụng duy nhất mà "Im sorry" sẽ phát huy khi bạn thốt lên? Nhận lỗi và sữa lỗi giúp hàn gắn tình yêu sau cơn sóng gió và nó cũng thể hiện được sự tôn trọng của bạn dành cho đối phương.
Y.Mai (18 tuổi, Q.11) cho biết: "Mình đã học được một bài học cho bản thân, khi đã để lòng kiêu hãnh đặt lên trên tình yêu. Lúc nào mình cũng nghĩ là bản thân không bao giờ sai, không phải nói xin lỗi. Người gọi điện, nhắn tin, mở lời trước luôn là anh ấy. Dần dà, sức chịu đựng của anh ấy đi quá giới hạn. Khi mình học được cách nói lời xin lỗi thì đã quá trễ để hàn gắn được một tình yêu."
2. Người chờ đợi không phải là tôi!
Quen nhau gần một năm trời, Phong (trường THPT H.) luôn mệt mỏi vì cách cư xử của người yêu là Thy. Đến nhà chở Thy đi học, Phong luôn là người đến sớm và phải đợi dưới nhà rất lâu để cô nàng "make-up" cho xong. Vậy mà trong một lần có chuyện bận không về nhà kịp với cái hẹn của Thy có 5 phút thì cô nàng đã gắt gỏng bỏ về với lý do: "Em không thích chờ đợi bất cứ ai, dù anh có lý do gì chăng nữa cũng mặc kệ. Chờ đợi thế này chẳng khác gì khiến người ta nghĩ em là đứa theo đuôi anh, qua nhà ngồi chờ và mong mỏi được gặp anh ư? Xin lỗi, em không phải loại con gái bám vào…trai như thế!"
Biết được người yêu mình có lòng tự ái quá cao nên Phong cũng rất dè chừng để không đụng chạm vào cái tôi của Thy. Nhưng những tình huống tương tự cứ tiếp diễn. Phong lỡ bật…volume hơi lớn với Thy trước đám đông, cô bạn có cảm giác mình "mất giá" với bạn bè, giận Phong hơn một tháng trời dù anh chàng đã xin lỗi và nài nỉ rất nhiều. Thy không hiểu bài, Phong ngỏ ý qua nhà giảng dạy thì cô nàng lại nghĩ Phong coi thường mình và muốn lên mặt…dạy đời! Mệt mỏi, Phong chỉ còn biết than vãn bằng một câu hỏi…tu từ: "Không lẽ lòng kiêu hãnh của cô ấy lớn hơn tình cảm mà cô ấy dành cho mình?"
3. "Chia tay!" – Hãy để tôi nói!
Khi tình yêu của hai bạn có dấu hiệu âm ỉ của sự rạn nứt, bạn sẽ lo lắng điều gì? Những tháng ngày cô đơn không còn ai bên cạnh, cách để vun đắp lại cho tình yêu hay bạn đang nghĩ đến một vấn đề khác hơn, đó là: phải nói chia tay thật nhanh để không phải nghe điều đó từ phía người yêu của mình!
Tại sao lại như vậy? K.D (ĐH NT) chia sẻ: "Mình muốn là người bỏ người khác chứ không phải người bị người khác bỏ! Do đó thấy có triệu chứng bất thường là mình nói chia tay ngay! Tưởng tượng xem, để người ta nói chia tay, rồi người ta đi rêu rao với bạn bè rằng mới "đá" được em này, mới "cho dze" em kia. Không mất mặt sao được?"
Với những lý do vô cùng "củ chuối" trên kia, chắc hẳn teen sẽ còn cả một hành trình dài xác định lại tình cảm của mình. Tình yêu không có chỗ cho sự hơn thua, sĩ diện và kiêu hãnh. Nó không phải một cuộc chạy đua xem ai sẽ giành chiến thắng. Hãy yêu bằng trái tim dưới sự dẫn đường của lý trí, để biết rằng lòng kiêu hãnh có thể tồn tại nhưng không có nghĩa là nó được đặt lên hàng đầu trong tình yêu đôi lứa.
Thẩm Quỳnh Trân (MTO)
Bình luận (0)