Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Tivi 3D: “Đã” mà tốn!

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Khách hàng xem thử nghiệm tivi LCD 3D tại siêu thị điện máy Thiên Hòa – TPHCM. Ảnh: Hồng Thúy

Tivi 3D ngày càng hút hàng tại thị trường VN nhưng giá cao và những rắc rối trong sử dụng là rào cản ngăn trở số đông người tiêu dùng tiếp cận thiết bị này.

3D không phải là công nghệ mới tại VN nhưng sau thành công vang dội của các bộ phim 3D chiếu rạp, những nhà sản xuất thiết bị cho nhu cầu giải trí gia đình ào ạt vào cuộc sản xuất tivi 3D và bán khá chạy.

Đắt tiền

Tại các siêu thị, rất dễ dàng bắt gặp nhiều mẫu tivi LCD được quảng cáo là tương thích công nghệ 3D do tần số quét đạt trên mức 120 Hz. Tuy nhiên, những mẫu thực sự hỗ trợ tốt 3D với chip riêng phải đáp ứng các tiêu chí như có hai chế độ vận hành (2D và 3D) cho phép chuyển đổi qua lại linh hoạt khi nhận diện tín hiệu đầu vào tương ứng, kết nối HDMI 1.4 để truyền tín hiệu 3D.

Một số mẫu có thể kể tới như Samsung LA46C750 (46 inch) có tần số quét 200 Hz, giá trung bình khoảng 30 triệu đồng. Nếu muốn sở hữu loại 55 inch, người mua sẽ phải chi đến 46 triệu đồng. Giá bán các mẫu tivi có tần số quét 200 Hz tương thích công nghệ 3D khác như LG 47LD920, Sony Bravia KDL-40HX803, LG 72LEX9-CA (tần số quét 400 Hz), Samsung UN55C7000 LED (240 Hz)… cũng không rẻ.

Tuy nhiên, trên thực tế, để trải nghiệm 3D, người dùng phải có đủ bộ, gồm: một tivi tương thích công nghệ 3D (nên rộng hơn 40 inch và có độ phân giải Full HD 1.920 x 1.080); kính 3D; đầu chơi đĩa Blu-ray hỗ trợ 3D hoặc các nguồn nội dung 3D khác… Vì vậy, sẽ tốn khá nhiều tiền, do đó người dùng phải biết “liệu cơm gắp mắm”.

Hiện nay, một số nhà sản xuất đã tung ra các mẫu tivi 3D không cần sử dụng kính, như mẫu TD-42F của TCL, nhưng giá bán quá cao – hàng chục ngàn USD. Mới đây, Panasonic cũng giới thiệu mẫu tivi 3D “khủng”, kích thước 152 inch với giá… 576.000 USD! Đây là “siêu tivi”, ít người có thể sắm được.

Cảnh báo

Tương lai lạc quan

Các nhà sản xuất thiết bị giải trí gia đình rất lạc quan vào tương lai của tivi 3D. Nhiều hãng nhận định trong khoảng 5 năm tới, số lượng tivi nhóm này sẽ chiếm khoảng 40% thị phần. Tương tự HDTV, số lượng tivi được tích hợp sẵn các tính năng 3D ngày càng được dùng nhiều hơn. Theo dự đoán của DisplaySearch, lượng tivi 3D bán ra sẽ tăng từ khoảng 200.000 chiếc trong năm 2009 lên tới 64 triệu chiếc vào năm 2018. Điều này cho thấy công nghệ 3D đang hòa nhập môi trường giải trí gia đình. Vấn đề còn lại chỉ là khi nào người dùng mới có thể thoải mái tận hưởng nội dung 3D mà không phải lo nghĩ nhiều như hiện nay.

Tivi 3D mang lại những trải nghiệm rất ấn tượng cho người dùng. Tuy nhiên, để “chơi” 3D, ngoài việc tốn kém, người dùng cần cân nhắc những vấn đề sau:

– Phiền toái do kính 3D: Mỗi lần xem các nội dung 3D, người xem phải đeo kính 3D, điều này rất phiền toái. Thông thường, khi mua tivi 3D, người mua được tặng kèm một cặp kính. Tuy nhiên, với những gia đình đông người thì phải mua nhiều cặp, giá khoảng vài trăm USD/cặp (loại tốt).

– Kích thước màn hình có thể gây thất vọng: Với những bộ phim hoành tráng, dù xem qua tivi 3D gia đình, loại trên 60 inch, người xem cũng không thấy “đã” như khi xem qua màn hình 3D ở rạp chiếu. Trong khi đó, hầu hết người tiêu dùng thường chuộng mua loại 32 – 40 inch vì phù hợp với không gian nơi ở và vừa với túi tiền. Vì vậy, đầu tư cho tivi 3D có thể không đem lại hiệu quả như ý.

– Nguồn cung cấp nội dung 3D ít: Việc tìm kiếm nguồn cung cấp nội dung 3D không hề đơn giản. Cách dễ nhất để thưởng thức công nghệ 3D là… chơi game 3D từ máy tính và xuất ra các loại tivi 3D! Còn để xem phim 3D trên phần cứng mới mua lại là chuyện khác. Hiện tại, việc tìm mua các phim 3D Blu-ray tại VN rất khó. Dân chơi HD có được các nội dung 3D chủ yếu qua nguồn tải từ internet nhưng đa số không có bản quyền.

Cách tiếp cận các bộ phim 3D là thông qua streaming (luồng tìm kiếm) từ các dịch vụ trực tuyến nước ngoài. Dù vậy, với thực trạng kết nối internet và thương mại điện tử của VN hiện nay, cách này cũng khó thực hiện.

– Ảnh hưởng đến sức khỏe: Trên thực tế, nhiều người dùng đã gặp phải hiện tượng chóng mặt, nhức đầu hoặc suy giảm thị lực khi xem các nội dung 3D, nhất là xem trong thời gian dài. Hầu hết loại kính 3D đều phục vụ mục đích trình chiếu nội dung chứ không có tác dụng tích cực cho mắt người dùng.

Do đó, hãy thử trải nghiệm trước bằng cách mua vé vào rạp xem phim 3D hoặc rảo một vòng quanh các quầy hàng trưng bày sản phẩm 3D. Ngoài ra, cũng nên lưu ý sự ảnh hưởng của các nội dung 3D đối với con trẻ trong gia đình để phòng tránh những hậu quả đáng tiếc.

Theo Người Lao Động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)