Chúng tôi đến thăm đôi vợ chồng nhà giáo người Chăm ở làng Hữu Đức thuộc xã Phước Hữu, huyện Tuy Phước, Ninh Thuận. Đây là đôi vợ chồng nhà giáo đáng kính của bao thế hệ học trò. Họ cũng có một mái gia đình hiếu thuận, nghĩa tình đầy ắp nụ cười.
Gia đình vợ chồng nhà giáo Đàng Thị Kim Mỹ và Quảng Đại Hạn |
Người con gái chọn chồng
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất không được thiên nhiên ưu đãi, chị Đàng Thị Kim Mỹ (hiện là giáo viên dạy văn Trường THCS Huỳnh Phước) và anh Quảng Đại Hạn (hiện là giáo viên toán Trường THPT An Phước) nuôi một ước mơ hoài bão lớn đó là trở thành người “gõ đầu trẻ” cũng bởi thương những đứa trẻ ở làng quê nghèo mà hơn ai hết anh chị là người hiểu rõ nhất. Sau khi tốt nghiệp, anh chị trở về quê nhà thực hiện ước mơ của mình và hai người đã gặp nhau.
Cả chị và anh có chung một nỗi buồn sớm mồ côi cha, đó như là một mối dây tương thông nối hai con người xa lạ lại với nhau. Chị Mỹ bẽn lẽn chia sẻ những kỷ niệm ngày đầu gặp nhau: “Thật tình cờ chúng tôi gặp nhau. Tôi thương cái ít nói, hiền lành, chất phát của anh. Tình yêu chúng tôi nhẹ nhàng, im lặng không sôi nổi hào nhoáng. Vì người Chăm theo chế độ mẫu hệ nên em chắc không tưởng được đám cưới sẽ như thế nào đâu. Người con gái chủ động chọn chồng, cầu hôn. Khi đã biết ý tứ của nhà trai đồng ý, nhà gái là người mang trầu cau, mâm quả, rượu trà vải vóc qua nhà trai để… làm lễ dạm hỏi. Sau đó, nhà gái mời nhà trai qua để quyết định chính thức và sẽ mang lễ vật đến gặp thầy xem ngày lành tháng tốt để cưới hỏi. Để cưới chồng, con gái người Chăm khác lắm, phải làm nhiều thứ, chuẩn bị đủ lễ mới được đón rể về…”.
“Chiếc tổ” ấm áp
Nếu ai đó hỏi chị “bí kíp” để chị luôn giữ một gia đình đầy ắp tiếng cười, con cái chăm ngoan. Chị chỉ cười, nụ cười ấy đã nói lên tất cả. Phải chăng đã cùng nhau trải qua bao thăng trầm của cuộc sống nên anh chị biết trân trọng tình yêu.
Chị cười nói chỉ cho chúng tôi xem những bức ảnh “thật khó dùng lời để diễn tả một cảm xúc”, nhưng với chị các ngày lễ chị luôn nhận được một món quà nhỏ từ anh. “Như Valentine vừa qua, đi dạy về lui cui nấu cơm thì tôi thấy chồng tay xách một giỏ hoa tới tặng vợ. Coi vậy chứ anh tâm lí và cưng vợ lắm. Vợ chồng thì quan tâm lẫn nhau, cùng nhau vượt qua những trở ngại thôi chứ chị cũng không biết bí quyết gì đâu” – chị Mỹ chia sẻ!
Dẫu là người chủ gia đình nhưng chị vẫn là một người phụ nữ. Bản năng thích được chiều chuộng yêu thương, thấu hiểu nhưng cũng giàu đức hy sinh. Nhớ lại những ngày mới cưới, rồi sinh con và chồng đi học cao học tại Vinh. Một mình chị một nách hai con thơ dại và mẹ già. Sau những giờ giảng trên lớp chị lại tháo giày, gác phấn lại trở về với vuông ruộng làm thêm để giúp chồng ăn học và nuôi con.
Thấu hiểu sự hy sinh vô bờ bến của vợ, anh Quảng Đại Hạn cũng hết mực yêu thương vợ con. Anh đưa vai gồng gánh cho vợ phần lớn những cực nhọc để chị có cơ hội học tập, phấn đấu và thực hiện ước mơ cũng như niềm yêu thích trong công việc. Hai vợ chồng anh chị lần lượt được kết nạp đảng viên vào năm 2009, 2010. Đồng thời được tặng danh hiệu “Gia đình nhà giáo văn hóa”, hàng xóm xung quanh chẳng bao giờ thấy anh chị to tiếng, cãi vã nhau.
Những bữa cơm chiều vội vã do 2 vợ chồng cùng nấu chan chứa niềm vui. Chồng kèm con lớn học, vợ dạy con nhỏ học bên cạnh những trang giáo án đang dở dang phải hoàn thành cho buổi đến lớp ngày mai. Cái hạnh phúc tuy bình dị, giản đơn nhưng đáng trân trọng.
Sau nhiều năm tích cóp, hai vợ chồng anh chị cũng xây được căn nhà khang trang. Chia tay anh chị vào một buổi trưa nắng hanh tháng 2, cả nhà anh chị đứng vẫy tay nhìn theo cho đến khi chúng tôi khuất dần. Mong cho anh chị giữ được mái ấm hạnh phúc bền vững và luôn hoàn thành tốt trọng trách của người đưa đò…
Bài, ảnh: Phạm Quyên
Bình luận (0)