Bữa cơm của các em tại cơ sở |
Ngôi nhà nhỏ bằng gỗ nằm ven dốc Sương Nguyệt Ánh, TP. Đà Lạt với tên gọi: Hội Người mù tỉnh Lâm Đồng, Cơ sở đào tạo và phục hồi chức năng là nơi cư ngụ của gần 40 con người khiếm thị. Đa số họ đến từ các huyện nghèo của tỉnh Lâm Đồng và sống với nhau như một gia đình; để cùng chia sẻ cho nhau những mất mát, khó khăn bằng tình yêu thương, sự đùm bọc.
Từ “mái nhà chung”…
Chủ nhân ngôi nhà ấy là anh Vũ Xuân Trường, cũng là người đồng cảnh ngộ với các em khiếm thị. Năm 1993, khi đang là một trung úy công tác tại Phòng Điều tra xét hỏi (Công an tỉnh Lâm Đồng), anh bị một cơn cảm sốt nặng khiến cho đôi mắt bỗng dưng bị mờ dần, mọi sự nỗ lực của các y bác sĩ lúc bấy giờ đều không mang lại kết quả khả quan hơn… Với ý nghĩ “làm gì để sống, để nuôi hai đứa con thơ”, anh tìm đến những mảnh đời bất hạnh hơn mình đã vượt qua khó khăn, vượt qua bệnh tật để vươn lên. Từ đó, anh quyết tâm xin gia nhập Hội Khuyết tật của TP. Đà Lạt để sinh hoạt và học hỏi những kinh nghiệm cho mình. Trải qua những cố gắng trong việc tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của những người khiếm thị, ngày 30-5-2003, UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép thành lập Hội Người mù và anh được bầu làm Chủ tịch Hội. Về sau, được sự giúp đỡ của những nhà hảo tâm, anh Trường tiếp tục mở Cơ sở đào tạo và phục hồi chức năng Lâm Đồng, mái nhà ấy quy tụ gần 40 con người, cùng chung sống, học tập và làm việc.
Đến từ những hoàn cảnh khác nhau, có em bị mù từ nhỏ, có chị sau khi trải qua những cơn bạo bệnh đôi mắt bỗng nhiên mờ dần, có bạn là con của một gia đình có 12 người thì đã 8 người mò mẫm bước đi trong bóng tối… Nhưng dưới mái nhà chung ấy, họ đã cùng phấn đấu, yêu thương sẻ chia và vươn lên trong cuộc sống.
Ngoài được dạy học chữ nổi braille, được phổ cập tin học ngay tại cơ sở, một số em còn được hội đưa đến học văn hóa tại Trường Tiểu học Phan Như Thạch với sự giúp đỡ của các bạn sinh viên tình nguyện đến từ Trường Đại học Đà Lạt. Những cô giáo áo xanh này giúp đỡ các em chuẩn bị bài vở ở nhà bằng cách dịch chữ thường trong sách giáo khoa sang chữ braille. Những em có năng khiếu về đàn, ca hát thì được đến học tại Trường Don Bosco Đà Lạt; học massage qua Bộ Y tế, Trung tâm Hội Người mù Hà Nội dạy và cấp bằng chứng nhận nhằm trang bị một nghề nghiệp trong tương lai.
Hiện nay, bên cạnh sự giúp đỡ về kinh phí của Nhà nước cũng như rất nhiều những nhà hảo tâm trong và ngoài nước, đôi khi chỉ là chai dầu ăn, ký gạo thì chính các em cũng tự tìm kiếm thu nhập cho mình bằng những hoạt động như làm chổi đót, làm tăm và có cả một đội ngũ massage “lưu động” chỉ với 40-50.000đ/giờ. Chị Lê Thị Mai, Phó chủ tịch Hội, cũng là người đồng cảnh ngộ với các em tâm sự: “Cơ sở này chính là nơi để chúng tôi, những người khiếm thị tự vươn lên và hội nhập với cộng đồng để thấy mình không phải là những “người thừa” của xã hội. Mặc dù vậy, tôi vẫn mong cơ sở ngày một hoạt động hiệu quả hơn cũng như có sự giúp đỡ của các nhà từ thiện để chúng tôi có cơ hội được giúp ngược lại gia đình những em hội viên có hoàn cảnh rất khó khăn, nghèo khổ”…
… đến “quán yêu thương”
Nằm cheo leo giữa con dốc cao trong hẻm nhỏ, quán cà phê Hoa Hướng Dương số 26H Yersin, TP. Đà Lạt là nơi gặp gỡ của những tấm lòng, nơi tạo việc làm cũng là môi trường cho người khuyết tật, đặc biệt là các em chậm phát triển trí tuệ tương trợ lẫn nhau và hòa nhập vào cuộc sống chung của cộng đồng.
Chủ quán là chị Châu Linh, một giáo viên Trường Hoa Phong Lan, một ngôi trường đặc biệt dành cho các em khuyết tật và thiểu năng trí tuệ. Thấy học sinh của mình sau khi tốt nghiệp, khi biết được cái chữ và những kĩ năng sinh hoạt trong đời sống hằng ngày đều quay về sống với gia đình, không biết làm gì cũng như không có thu nhập, chị quyết định mở quán tạo cho các em một việc làm, một niềm vui nho nhỏ…
Đến quán, sẽ bắt gặp một khung cảnh thật ấm cúng, giản dị và sự đon đả qua những nụ cười cùng câu nói “Xin chào” của các em phục vụ, có thể nhận thấy ở các em là những khuôn mặt bình thường, nhưng đằng sau đó là sự ốm yếu, khó nhọc trong từng cách diễn đạt. Chị Châu Linh cho biết: “Phải mất gần bốn tháng các em mới có thể nhớ được ba câu: “Xin chào”, “Xin mời”, “Cảm ơn” và dùng đúng trong từng hoàn cảnh. Lúc trước, khi khách vào em lại nói “Cảm ơn”, còn khi tiễn khách về thì nói “Xin mời” hoặc khi bưng thức uống ra lại nói với khách “Xin chào” khiến cho khách vừa thương, vừa ngạc nhiên và nhanh chóng giúp các em sửa lại”.
Phục vụ tận tình, tuy nhiên vì các em là những người khuyết tật, chậm phát triển trí tuệ nên khách phải tự ghi thức uống cho mình cũng như khi có yêu cầu gì khác sẽ phải dùng quả chuông đặt sẵn trên bàn làm tín hiệu để các em biết. Quán còn có cả những giá sách với đủ loại tạp chí, sách văn học… để khách có thể xem trong lúc ngồi nhâm nhi li cà phê, hay chiêm ngưỡng những bức tranh ngây ngô do chính các em thể hiện hoặc chơi vài bản nhạc với những tập nhạc luôn mở sẵn chào mời.
TUYẾT DÂN
Bình luận (0)