Là một nhà giáo đã có ngót 35 năm đứng trên bục giảng, trong đó gần nửa thời gian đầu là giảng viên trường sư phạm, tôi xác định có nghiên cứu và viết tốt thì mới có thể giảng dạy tốt; cho nên, khi mới bắt đầu bước chân vào nghề tôi đã tích cực đọc và tham gia viết báo, tạp chí.
Tôi đọc báo
Trong số không nhiều các tờ báo, tạp chí về giáo dục, thời gian về sau này tôi quan tâm đến một tờ báo có vẻ phù hợp với cái “gu” của mình là Báo Giáo dục TP.HCM.
Một trong những lý do tờ báo này hấp dẫn tôi: Tuy chỉ là báo của ngành giáo dục một thành phố, nhưng nội dung của báo khá phong phú với nhiều chuyên mục. Yêu thích tờ báo này, vì ở đó tôi được đọc hàng trăm bài báo của phóng viên, giáo viên (GV) trên cả nước cùng góp mặt trên báo, cung cấp vô số kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho hoạt động dạy học, ứng xử các tình huống sư phạm của giảng viên, GV các cấp.
Qua các diễn đàn chuyên môn trên báo, GV được tương tác, trao đổi với đồng nghiệp khắp mọi miền, tranh luận về nhiều vấn đề chuyên môn và cuộc sống, sẻ chia tâm tư, tình cảm, kinh nghiệm dạy học.
Từ chuyên mục này, tôi thu nhận được nhiều thông tin, kiến thức về chuyên môn dạy học, nghiệp vụ lên lớp cũng như cách ứng xử tình huống sư phạm, rất bổ ích cho nghề dạy học.
Phải công nhận một điều: Trong rừng báo chí hiện nay – cả báo giấy lẫn báo điện tử – một tờ báo đứng được trong lòng độc giả quả là một kỳ tích. Và Báo Giáo dục TP.HCM đã làm được điều đó, với không gian lan tỏa không chỉ giới hạn trên địa bàn thành phố mà phổ biến rộng rãi trên phạm vi cả nước.
Tôi viết báo
Bên cạnh việc đọc báo, tôi cũng cố gắng viết bài. Bất kể khi nào nghĩ ra đề tài gì mới là tôi viết và gửi đến Báo Giáo dục TP.HCM. Có bài được đăng, có bài không, bài được đăng thì ít còn bài không thì nhiều, cứ lặng lẽ thế. Rồi dần dần số bài được đăng cũng tăng lên, tạo nên niềm hứng thú, khiến tôi viết ngày một nhiều hơn…
Những bài báo của tác giả trên Báo Giáo dục TP.HCM
Bất chợt một ngày nọ, tôi nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại lạ, hóa ra là từ Báo Giáo dục TP.HCM. Có lẽ biên tập viên đã theo dõi các bài viết của tôi từ lâu, biết được chuyên môn của tôi là ngôn ngữ học, nên đề nghị tôi viết một bài về các địa danh du lịch Việt Nam cho số đặc san sắp ra, với các yêu cầu cụ thể: trong khoảng thời gian 1 tuần, dung lượng khoảng 1.500 chữ, giải thích dưới góc độ ngôn ngữ học… Đó là cơ duyên cho bài báo “Địa danh du lịch từ góc nhìn ngôn ngữ” ra đời, mở đầu cho những bài báo khác về sau được ra mắt nhiều hơn trên mặt báo.
Đến nay, bên cạnh nhiệm vụ chính là giảng dạy, bản thân tôi đã có hàng trăm bài viết đăng nhiều báo, tạp chí cả nước, trong đó có hơn 60 bài viết trên Giáo dục TP.HCM.
*
Nhân kỷ niệm 25 năm ngày Báo Giáo dục TP.HCM phát hành, thay lời các bạn đọc thân thiết đồng thời là cộng tác viên tích cực, chúc những cây bút của báo luôn cháy bỏng ngọn lửa đam mê, ngày càng nâng cao uy tín với nhiều bài viết chất lượng, bổ ích hơn nữa gửi đến độc giả.
Trước lộ trình cải cách giáo dục, đổi mới chương trình và SGK, triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đang tiến hành, báo càng có vai trò, trách nhiệm và cũng là vinh dự to lớn trong mục tiêu dẫn dắt, định hướng và đồng hành cùng nền giáo dục nước nhà. Xin chúc Báo Giáo dục TP.HCM phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước, góp phần xứng đáng cho sự nghiệp trồng người cao quý.
Đỗ Thành Dương
(Trường Dự bị ĐH dân tộc TW Nha Trang)
Bình luận (0)