Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tờ báo đã trưởng thành vượt bậc

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Lê Hồng Sơn, Thành ủy viên – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM (thứ ba từ phải qua) tặng hoa chúc mừng Ban biên tập Báo Giáo Dục nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6-2011
Nhân dịp ra số báo 1.000 (bộ mới), Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hồng Sơn, Thành ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT TP xoay quanh sự kiện này. Đánh giá về quá trình hình thành và phát triển tờ báo sau 17 năm, ông Sơn cho biết:
– Báo Giáo Dục TP.HCM, tiền thân là Tạp chí Giáo dục và Sáng tạo được thành lập năm 1994. Những ngày đầu thành lập dù gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn về con người, cơ sở vật chất… nhưng tạp chí vẫn đều đặn xuất bản hàng tháng và đến tháng 9-2003, báo tăng kỳ, đổi khổ thành Báo Giáo Dục TP.HCM. Báo liên tục đổi mới, tăng kỳ, tăng chất lượng và phát triển mạnh. Không những phát triển về số lượng, loại hình, chất lượng, nội dung mà tờ báo còn là cơ quan ngôn luận của ngành GD-ĐT TP.HCM. Báo Giáo Dục TP.HCM là kênh thông tin quan trọng không thể thiếu của mọi người, mọi nhà. Là một trong những tờ báo bám sát tôn chỉ mục đích! 17 năm qua, Báo Giáo Dục TP.HCM đã lớn mạnh không ngừng, khẳng định một bước đi vững chắc. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Báo Giáo Dục TP.HCM luôn nhận được sự ủng hộ, chỉ đạo sâu sát của cơ quan chủ quản – lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM. Ban biên tập quản lý, điều hành có kế hoạch, đảm bảo định hướng phát triển và thực hiện tốt tôn chỉ mục đích tờ báo. Phát huy dân chủ cơ sở, xây dựng tập thể cán bộ, phóng viên, nhân viên đoàn kết, cố gắng phấn đấu vì mục tiêu phát triển của đơn vị. Báo đã đăng tải một khối lượng thông tin rất lớn về thời sự chính trị, xã hội và đặc biệt là thời sự giáo dục như: học hành, thi cử, xây dựng trường lớp, đời sống của cán bộ – giáo viên – công nhân viên ngành giáo dục; những tấm gương học sinh hiếu học, thầy cô giáo một đời tận tụy với công việc; trường lớp… Làm được việc này là công sức của một tập thể đoàn kết, yêu nghề, biết khắc phục khó khăn cùng hướng tới tương lai với kết quả rất đáng khích lệ khi trong năm học 2010- 2011 Báo Giáo Dục TP.HCM đã giành được 15 giải báo chí. Điều đó chứng minh, đây là một tập thể đã trưởng thành vượt bậc! Sự hình thành và phát triển của tờ báo đang ở trên một bệ phóng để tạo đà phát triển nhanh hơn, cao hơn.
PV: Nhưng, ngoài việc ngày càng phải hoàn thiện tốt hơn về chất lượng nội dung tờ báo thì sự ổn định về con người, cơ sở vật chất cũng là một trong những việc quan trọng nhất?
– Báo Giáo Dục TP.HCM đã làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình. Báo thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về GD-ĐT. Vì vậy, cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh cũng mong muốn thông qua báo để biết được những nguồn thông tin chính xác, thực tế về các hoạt động giáo dục của ngành GD-ĐT TP.HCM. Do đó, một trong những việc mà tờ báo phải hoàn thiện đó là: xây dựng cơ sở vật chất (CSVC) khang trang, hiện đại. So với sự phát triển của tờ báo trong 17 năm qua, CSVC của báo hiện không “xứng tầm”. Đây cũng là một vấn đề mà lãnh đạo TP, Sở GD-ĐT rất quan tâm. Tuy nhiên, việc xây dựng trụ sở của báo không thể làm ngay trong một sớm một chiều mà cần phải có dự án, lộ trình, kế hoạch cụ thể. Ban biên tập của báo phải chuẩn bị hết sức chu đáo, kỹ lưỡng kế hoạch xây dựng, qua đó Sở GD-ĐT sẽ cùng phối hợp, trình UBND TP phê duyệt. Có làm được như vậy thì cán bộ, phóng viên, nhân viên mới an tâm gắn bó lâu dài với báo.
Thưa ông, gần đây trên một số phương tiện thông tin đại chúng có những thông tin “phiến diện” về công tác “trồng người” của ngành GD-ĐT TP.HCM. Vậy với một tờ báo ngành như Báo Giáo Dục TP.HCM, việc định hướng bạn đọc như thế nào?
– Quan điểm của lãnh đạo ngành GD-ĐT TP.HCM luôn cởi mở với tất cả các cơ quan truyền thông. Trên địa bàn TP, có những lúc, những nơi “một vài con sâu làm rầu nồi canh”, thực hiện chưa đúng chủ trương, kế hoạch và mục tiêu GD-ĐT, chưa thật tốt việc giữ gìn và rèn luyện đạo đức nhân cách cho học sinh… nhưng không vì như vậy mà một số cơ quan truyền thông có những bài viết, hoặc đăng tải các ý kiến dư luận phủ nhận sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc của cả ngành giáo dục. Khi tình trạng đó xuất hiện trong dư luận, Báo Giáo Dục TP.HCM cần định hướng dư luận, giúp bạn đọc hiểu được vấn đề một cách chính xác, khách quan và thực tế; quan trọng nhất là luôn trân trọng hình ảnh người thầy; trân trọng những thành quả dạy học của thầy, cô giáo đang ngày đêm tận tụy với nghề.
Nhân dịp này, ông có lời nhắn nhủ gì với tập thể cán bộ, phóng viên, nhân viên của báo?
– Khó khăn của những ngày đầu mới hình thành đã qua cũng nhờ vào sự nỗ lực, tâm huyết của một tập thể. Nhìn lại sau 17 năm, báo đã vượt qua bao khó khăn, gian khổ và liên tục phát triển với diện mạo mới, thực hiện tốt nhiệm vụ là điều vô cùng cảm kích. Nhân dịp Báo Giáo Dục TP.HCM ra số báo 1.000 (bộ mới), lãnh đạo ngành chúc cán bộ, phóng viên, nhân viên của báo thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt. Cán bộ, phóng viên, nhân viên của báo phải tập trung cho công việc của mình để ngày càng chuyên nghiệp và hiện đại hơn. Đặc biệt, phóng viên phải năng động, chịu khó trong việc bám sát địa bàn, không chủ quan ngồi một chỗ để lấy thông tin qua điện thoại…
Trân trọng cám ơn ông!
Lê Quang Huy (thực hiện)

“Báo cần có nhiều bài viết về những mô hình tổ chức hoạt động tốt tại nhà trường, những tấm gương tiêu biểu từ các nhà giáo, nhà quản lý, học sinh, sinh viên, học viên…”, ông Lê Hồng Sơn chia sẻ.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)