“Đáp ứng tốc độ phát triển của TP.HCM hiện nay, đòi hỏi chính quyền phải tinh gọn bộ máy và hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị về cơ bản không tổ chức hội đồng nhân dân (HĐND) ở quận, phường là rất phù hợp, đáp ứng yêu cầu”.
Ông Trương Văn Lắm – nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM nói về sự cần thiết của tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM tại buổi họp giao ban báo chí ngày 23-10 (Ảnh: TTBC)
Ông Trương Văn Lắm – nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM cho biết điều này khi nói đến dự thảo Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM tại buổi họp giao ban báo chí, do Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông, Hội Nhà báo TP.HCM tổ chức ngày 23-10.
Đề án tổ chức chính quyền đô thị của TP.HCM có 3 nội dung cơ bản: Không tổ chức HĐND ở quận, phường; thành lập TP trực thuộc TP; và một số chính sách đặc thù cho TP.HCM.
Đề án đã trình lên Trung ương 2 lần vào năm 2007 năm 2013 nhưng thời điểm đó có những quy định chưa phù hợp nên 2 nội dung: Không tổ chức HĐND ở quận, phường và thành lập TP trực thuộc TP chưa được thông qua. Riêng nội dung về cơ chế chính sách đặc thù đã được Quốc hội thông qua, thể hiện ở việc TP.HCM đang thực hiện Nghị quyết 54.
Tuy nhiên, dựa trên thực tiễn nghiên cứu mô hình ở các nước trên thế giới thì một đô thị chỉ có một cấp chính quyền, nên lần này TP.HCM tiếp tục trình Trung ương Đề án tổ chức chính quyền đô thị.
Đề án có nội dung cơ bản là không tổ chức HĐND ở quận và phường, phù hợp với Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2019, đó là cho phép có thể không tổ chức HĐND ở quận và phường. Luật này có hiệu lực từ ngày 1-7-2020.
Nói về mô hình tổ chức chính quyền đô thị của TP.HCM, ông Trương Văn Lắm – cho biết cấp chính quyền TP.HCM trực thuộc Trung ương sẽ là HĐND và UBND TP; các huyện, xã, thị trấn và TP trực thuộc TP có cơ quan chính quyền là HĐND và UBND; còn các quận, phường sẽ có cơ quan chính quyền là UBND quận, phường.
“Nếu lần này đề án được Quốc hội thông qua thì sẽ thực hiện ngay như đúng Luật sửa đổi vừa có hiệu lực chứ không thí điểm. Lúc này, các nhiệm vụ của HĐND ở quận và phường sẽ chuyển giao cho các tổ chức khác. Về chức năng giám sát đại diện làm chủ của người dân, đề án nhấn mạnh phải tăng cường hoạt động các cơ quan tổ chức của Đảng, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể và các hội nghị nhân dân để nhân dân làm chủ trực tiếp đối thoại với chính quyền”, ông Trương Văn Lắm cho biết.
Tổ chức mô hình chính quyền đô thị về cơ bản không tổ chức HĐND ở quận, phường đáp ứng yêu cầu phát triển TP.HCM hiện nay
Theo ông Trương Văn Lắm, xây dựng Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM là thể hiện mong muốn của lãnh đạo và người dân TP.HCM về đổi mới tổ chức chính quyền đô thị. Đặc biệt hiện nay, tốc độ TP.HCM phát triển nhanh, đòi hỏi chính quyền phải tinh gọn, hoạt động có hiệu lực. Bởi trong phạm vi đô thị có tính chất “cắt khúc” giữa TP và quận, phường thì hoạt động sẽ bị “cắt khúc”, ảnh hưởng quá trình chỉ đạo, điều hành.
Riêng việc thành lập TP trực thuộc TP, cụ thể là TP Thủ Đức cũng nhằm đáp ứng mong muốn có một TP trở thành vùng lõi phát triển trong tương lai. TP này sẽ có những yếu tố đặc thù, có thể là một TP tương đối độc lập.
Theo chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, ngày 27-10-2020, các đại biểu sẽ thảo luận về tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM để đi đến quyết định cuối cùng.
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)