Các em học sinh Trường Quốc tế BIS TP.HCM đang quét vôi cho ngôi nhà vừa xây xong – một tiết học ngoại khóa tại tỉnh Long An
|
Tiết học ngoài trời luôn cung cấp nhiều kiến thức thực tế cho học sinh (HS), qua đó các em được rèn luyện kỹ năng sống. Đến nay, việc tổ chức các tiết học ngoài trời không còn mới mẻ, song, để thực hiện được các buổi học này thì nhiều trường còn gặp khó khăn.
Đi để thấy, nghe, làm và cảm nhận
Xã Mỹ Lệ (huyện Cần Đước, tỉnh Long An) là địa điểm mà Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam chọn tổ chức cho các em HS Trường Quốc tế BIS TP.HCM đến học ngoại khóa trong những ngày vừa qua. Ngày đầu đặt chân đến đây, HS được đưa đến những ngôi nhà tình thương đang xây dựng dở dang để phụ giúp công việc dọn dẹp, quét vôi… Công việc lao động chân tay có vẻ nặng nhọc với các em, nhưng luôn mang lại bầu không khí hào hứng, vui tươi cho cả đoàn. Em Nguyễn Quang Hiếu, HS lớp 10, kể: “Quét vôi lên tường em thấy rất khó, tuy nhiên, được làm công việc này khiến em cảm thấy vui vì nhìn thấy sản phẩm của mình và các bạn làm ra mà chỉ qua vài bước hướng dẫn của các cô chú”. Còn Nguyễn Hồng Diệu Trinh, bạn học cùng lớp với Hiếu, hào hứng với món bánh xèo, bánh phồng tự mình chế biến rồi thưởng thức sản phẩm của mình làm ra cùng thầy cô, bà con. “Khi về nhà, em sẽ làm cho gia đình thưởng thức và kể lại nguồn gốc của bánh mà chúng em được nghe các cô kể lại”, Diệu Trinh cho biết.
Sau những công việc này, HS của đoàn còn được đi thăm những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hay đi đào trùn câu cá, dạy tiếng Anh cho các em nhỏ trong vùng, thăm Khu di tích lịch sử nhà Trăm Cột, đồn Rạch Cát, giao lưu văn nghệ, sinh hoạt diễn đàn “Hồn Việt – Tự hào tôi là người Việt Nam”… Chỉ với bốn ngày vừa học, vừa giao lưu nhưng các em trong đoàn đã được hòa mình vào môi trường cuộc sống khác với thành thị. Ông Nguyễn Tuấn Hùng – Phó giám đốc Trung tâm cho biết đây là chuyến đi vô cùng ý nghĩa. Cái chính là các em thử sức làm những công việc mà mình chưa hoặc ít có cơ hội tiếp xúc hay được làm.
Là người luôn trăn trở, mong muốn học trò có những tiết học ngoài trời, cô Phan Thúy Trang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng (Q. Gò Vấp), trăn trở: “Được học ngoài trời, HS thoát khỏi bốn bức tường, thoát khỏi cảnh thầy đọc – trò chép, các em được “vùng vẫy” trong không gian mới. Cứ hai tháng, HS Trường TH Kim Đồng được học ngoại khóa một lần tại Công viên Gia Định. Giáo viên rất vui khi nhìn học trò tỏ ra hứng khởi với môi trường bên ngoài, thể hiện sự tìm tòi, khám phá kiến thức. Khi thấy những con vật, loài hoa, loài cây khác lạ là các em liền đặt câu hỏi: “Cô ơi, sao vỏ cây nứt ra, vỏ khô mà cây không chết. Thế cây này sống được bao lâu rồi mà sao nó già thế?”. Có em lại hỏi: “Sao con kỳ nhông lại có thể đổi màu khi ra nắng?…”. Vô vàn các câu hỏi từ những kiến thức môn học khoa học và xã hội được các em đưa ra, xoay quanh những chủ đề mà giáo viên đã định hướng, gợi ý. Bên cạnh đó, giáo viên còn tổ chức cho các em chơi trò chơi vận động, trò chơi dân gian kéo co, ô quan, nhảy sạp… nhằm tái hiện lại những nét đẹp trò chơi truyền thống, thể hiện sự tích hợp kiến thức trong các bài học.
“Con nhà giàu” mới được học?
Việc tổ chức các buổi học ngoài trời hay các tiết học ngoại khóa đã trở thành những tiết học chính thức trong chương trình giảng dạy. Đối với HS khối tiểu học, đây là những tiết học không kém phần bổ ích. Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM) cho biết mỗi tuần các em HS sẽ được học một tiết ngoài trời như các hoạt động ngoài sân trường, mỗi tháng các em được đi thực tế một lần. Chính những tiết học trực quan sinh động này đã đưa HS đến gần với môi trường thiên nhiên, điều này kích thích khả năng sáng tạo và phát huy tối đa các kỹ năng của HS.
Tuy nhiên, để tổ chức những buổi học ngoại khóa này là điều không dễ. Cô Thúy Trang nói: “Khi tổ chức các buổi học ngoài trời, đòi hỏi giáo viên phải nắm bắt phương pháp tổ chức, thiết kế những tiết học sao cho phù hợp địa điểm, không gian, tránh biến tiết học thành giờ đi chơi, ngắm cảnh. Hơn nữa, giáo viên còn phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho HS khi đi ngoại khóa. Những ngày đầu tổ chức, trường phải mời các chuyên gia về giúp đỡ, hướng dẫn cụ thể”. Mặt khác, khó khăn lớn nhất là kinh phí tổ chức. “Một buổi học ngoài trời lên đến hơn 1 triệu đồng, khoản tiền không nhỏ, vì thế, để có thể cho HS được đi 1 lần/tháng vô cùng khó với nhiều trường”, cô Thúy Trang cho hay.
Cô Huỳnh Thị Kim Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Tân (Q. Bình Tân) chia sẻ: “Trường mới thành lập, lại là khu dân cư nhập cư nên không ít HS có hoàn cảnh khó khăn – rất khó để tạo ra những quỹ hỗ trợ cho các tiết học ngoại khóa nên hầu như các em không được đi đây đi đó”.
Trước thực trạng này, ông Lê Ngọc Điệp cho rằng: “Trường nào có khó khăn thì có thể tổ chức ngay tại sân trường bằng những tiết học vận động. Vấn đề chính là giáo viên phải có sự linh động, mạnh dạn”. Cô Thúy Trang cho biết: “Trường Kim Đồng những ngày đầu cũng gặp nhiều khó khăn về kinh phí, song nhà trường dẫn ra những hiệu quả thiết thực của việc hoạt động ngoài trời của HS để phụ huynh hiểu, từ đây, phụ huynh sẵn sàng đóng góp quỹ để giúp HS có được những tiết học thú vị này”.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
“Quá trình trải nghiệm giúp các em HS hiểu rõ hơn về cuộc sống nông thôn còn khó khăn như thế nào, từ đó có sự cảm nhận sâu sắc. Đồng thời các em còn được mở rộng kiến thức về văn hóa vùng miền…”, ông Nguyễn Tuấn Hùng – Phó giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam chia sẻ.
|
Bình luận (0)