Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Tớ có thể học theo kiểu “thập cẩm”!

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

 

Học như thế này rất hại đấy nhé, và bạn chẳng thể nào nhớ bài lâu được đâu!
Nhiều teen cảm thấy vô cùng tự hào khi “khoe” với bạn bè rằng mình có thể làm được rất nhiều việc cùng lúc như vừa học, vừa xem phim, nghe nhạc, lại cả… nhắn tin nữa. Với các bạn ấy, điều đó thể hiện khả năng tập trung trong khi học là rất cao.
T.Hà (THPT Nhân Chính, Hà Nội) nói: “Mình rất thích học ở phòng khách. Mặc dù ồn ào thật vì có cả tiếng mọi người trong nhà nói chuyện, lại cả tiếng ti vi nhưng có lẽ do đã quen từ bé như vậy nên nó không ảnh hưởng gì tới việc học của mình. Mình thấy mình tiếp thu rất tốt, thậm chí còn làm tốt hơn cả khi ngồi yên tĩnh một mình trong phòng”.
Hay như P.Lan (Lớp 11) tâm sự: “Mình và bạn trai thường nhắn tin, gọi điện nói chuyện với nhau rất nhiều. Gần như trừ lúc ngủ và ăn ra thì lúc nào cũng tíu tít cùng nhau. Thế nên, ngay cả lúc học mình vẫn nhắn tin với cậu ấy. Lúc đầu thấy hơi bất tiện nhưng dần dần quen thì lại thấy rất thú vị. Vừa đỡ buồn ngủ, lại được nói chuyện với người mình yêu”.
Nhìn vẻ bên ngoài khi nghe các bạn ấy chia sẻ về môi trường học ôn ào và náo nhiệt đó có vẻ rất “hay ho và hiệu quả”. Thế nhưng, không phải ai cũng làm được như vậy. Hơn nữa, đằng sau những tác dụng tưởng chừng là tích cực ấy, lại ẩn chứa những hiểm họa và tác hại mà các bạn không ngờ tới.
Nhiều bạn vì “sĩ diện” khi nghe các bạn khác trầm trồ: “Khiếp, thế mà cũng học được á. Tớ thì chịu” hay “Khả năng tập trung tốt đấy, không phải ai cũng làm được đâu” khiến cho các bạn ấy càng lấn sâu hơn vào những cách học có thể không phù hợp với mình nhưng vẫn cố thích nghi để được mọi người “khen” như vậy.
Tuy nhiên, khi học, đòi hỏi ở bạn một sự tập trung rất cao. Nếu vừa học vừa làm nhiều việc khác, đầu óc của bạn sẽ bị phân tán. Theo đó, sự tập trung vào bài học cũng giảm đi nhiều.
M.Hương nhận ra điều này sau một thời gian lúc nào đi kèm với việc học cũng là nhắn tin và nghe nhạc. Hương kể: “Mọi khi mình vẫn vừa học vừa làm nhiều việc khác. Thấy vẫn hiệu quả nên mình cũng không thay đổi. Nhưng hôm rồi, phải làm một loạt các bài tập khó mà vừa học lại vừa có tin nhắn, nhắn qua nhắn lại khiến mình không thể tập trung suy nghĩ được. Kết quả là cả buổi tối mà mình chẳng làm được bài nào ra hồn. Chắc phải thay đổi thôi”

Học như thế này rất hại đấy nhé, và bạn chẳng thể nào nhớ bài lâu được đâu!

Nhiều giáo viên cũng tỏ ra lo ngại khi được hỏi các thầy cô đánh giá vấn đề này như thế nào. Thầy Thắng (giáo viên cấp 3) nói: “Ngay ở trên lớp, có sự theo dõi của thầy cô mà nhiều trò còn vừa học vừa nhắn tin, nói chuyện khiến hiệu quả tiếp thu bài giảm đi đáng kể thì nói gì học ở nhà. Không ai giám sát, vừa học vừa làm nhiều việc như vậy tập trung làm sao được”.
Trở lại với cô bạn M.Hương, sau một tháng nói không với điện thoại, ti vi trong khi học, khả năng tiếp thu bài tăng lên đáng kể. Hơn thế, thời gian mà Hương phải bỏ qua để học cũng giảm đi nhiều. Nếu như trước đây, cô bạn phải bỏ ra 3 tiếng mỗi tối để học thì nay chỉ cần 2 tiếng là Hương đã có thể giải quyết xong bài tập.
Mỗi người hãy lựa chọn cho mình một phương pháp học và một môi trường lý tưởng để việc tiếp thu bài trở nên dễ dàng hơn. Không nên quá gượng ép bản thân phải học giống như bạn này, bạn khác. Nếu cảm thấy môi trường học của mình chưa tốt hoặc không phù hợp, hiệu quả chưa cao thì bạn hãy thay đổi ngay nhé.
Theo Phapluat&xahoi

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)