Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ: Góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội

Tạp Chí Giáo Dục

Là một mô hình thiết chế thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ được thành lập vào năm 2016, Tổ công tác (TCT) của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Tổ công tác) được nhiều chuyên gia nhận định việc thành lập là hết sức kịp thời, phù hợp, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội thời gian qua. TCT không ngại va chạm, sát sao, tháo gỡ nhiều vụ việc tồn đọng; truyền đạt được sự quyết tâm, tinh thần và thông điệp cải cách của Thủ tướng Chính phủ đến các bộ ngành, địa phương.


Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 5 năm hoạt động của TCT của Thủ tướng Chính phủ vừa diễn ra (Ảnh: VGP)

Mới đây, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 5 năm hoạt động của TCT của Thủ tướng Chính phủ

Nơi doanh nghiệp có thể phản ánh trung thực, khách quan các kiến nghị

Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, việc thành lập TCT là điều hợp lý, giải quyết điểm nghẽn của quá trình cải cách các thực thi quyết định. Đầu nhiệm kỳ (2016) có 25% nhiệm vụ đã quá hạn mà Thủ tướng giao cho các bộ ngành, địa phương thì sau 5 năm hoạt động, số nhiệm vụ chưa thực hiện chỉ còn 1,8%. Đây là con số biết nói, có sự đóng góp rất lớn của TCT.

Mặt khác, trong nhiệm kỳ vừa rồi, Chính phủ có 3 đợt cải cách thủ tục hành chính thì TCT cũng đóng vai trò trung tâm thực hiện trên cơ sở lắng nghe ý kiến của các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp. Đầu tiên là Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đã cắt giảm, xóa bỏ hàng ngàn giấy phép con. Thứ hai là cắt giảm 50% các điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Đến năm 2020, Chính phủ đưa ra Nghị quyết 68/NQ-CP về cắt giảm tiếp 20% số quy định. Trong nhiệm kỳ này, TCT tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy cách hành chính một cách mạnh mẽ. Chính phủ điện tử được đẩy mạnh, cổng thông tin quốc gia được vận hành.

“Có thể thấy TCT đã bám sát những điểm nóng về thủ tục hành chính xuất hiện ở mỗi giai đoạn phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Ở đâu cần thì TCS có, ở đâu khó cũng có TCT. Như năm 2018 tồn đọng nhiều container phế liệu ở bến cảng, cửa khẩu gây khó khăn cho doanh nghiệp thì TCT lập tức tham gia tháo gỡ. TCT góp phần truyền lửa và thông điệp cải cách của Thủ tướng tới từng địa phương, có tác động lan tỏa vì ngoài Văn phòng Chính phủ thì các bộ ngành, địa phương cũng thành lập TCT có chức năng tương tự, giải quyết được công việc từ cơ sở”, ông Lộc cho biết,

Đánh giá TCT là điểm sáng trong việc đưa nghị quyết của Chính phủ vào cuộc sống, ông Phan Đức Hiếu – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, Nghị quyết 02/NQ-CP về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh có từ 7 năm trước nhưng đến hết nhiệm kỳ gần như xã hội, các bộ ngành không có khái niệm nhiều. Nhưng khi TCT ra đời thì Nghị quyết 02 được thúc đẩy, đưa ra các kết quả tác có động mạnh. Trong đó có giảm các thủ tục chuyên ngành, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp.

“Cộng đồng doanh nghiệp rất kỳ vọng, đặt nhiều niềm tin vào TCT không chỉ vì tính thúc đẩy mà còn là nơi mà doanh nghiệp tin tưởng, có thể phản ánh trung thực, khách quan các kiến nghị vốn dĩ họ ngại nói”, ông Hiếu nói.

Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cũng cho rằng, sự tham gia quyết liệt của TCT trong công cuộc cải cách hành chính, thể chế thời là điều kiện cải thiện năng lực cạnh tranh, không chỉ đơn thuần về doanh nghiệp mà còn là năng lực cạnh tranh quốc gia. Rất nhiều việc doanh nghiệp đã kiến nghị, báo cáo trong nhiều thời gian trước đã được ghi nhận, có thể được giải quyết ngay. Ông Nam kiến nghị: “Thời gian tới, một thiết chế, cơ chế của TCT cần tiếp tục được phát huy để giải quyết điểm nghẽn mang tính đặc thù của nước ta”.

Thực hiện nhưng kết hợp cả kiểm tra, đôn đốc

TCT được thành lập theo Quyết định 1642/QĐ-TTg ngày 19-8-2016 của Thủ tướng Chính phủ nhằm kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. TCT đã báo cáo, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hơn 300 nhiệm vụ cụ thể để giao các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện.

Trong 5 năm qua, TCT đã tiến hành 104 cuộc kiểm tra với hàng trăm lượt làm việc với 80 bộ, cơ quan, địa phương, tổ chức 16 buổi làm việc với các hiệp hội để lắng nghe phản hồi chính sách, những khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mỗi năm, hoạt động của tổ đều có những thông điệp cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm.

Trước kết quả làm được của TCT, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao. Tổ hoàn thành khá toàn diện các nhiệm vụ được giao với tinh thần quyết liệt, không ngại va chạm, đem lại hiệu quả tích cực. Nhiều vấn đề tồn tại, bất cập; bức xúc của người dân, doanh nghiệp liên quan đến công tác chỉ đạo của các bộ ngành địa phương đã được TCT chỉ ra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết sách giải quyết công việc hiệu quả.

Việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao chuyển biến rất tích cực. Đến nay, số nhiệm vụ quá hạn chỉ chiếm 1,8%, giảm gần 25% so với thời điểm TCT thành lập. Công tác kiểm tra đã góp phần ngày càng hoàn thiện thể chế, chính sách, khắc phục một phần quan trọng tình trạng tham nhũng chính sách, tư tưởng cài cắm, tạo rào cản, giấy phép con gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp đã được xử lý từng bước. Đặc biệt tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết giảm xuống tối đa. Đến 13-3, chỉ còn nợ đọng 14 văn bản của năm 2020 so với cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, Chính phủ nợ 58 văn bản; cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII Chính phủ nợ 39 văn bản. Chính phủ cũng đang phấn đấu không còn nợ đọng văn bản quy định chi tiết trước khi khai mạc Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV vào ngày 24-3.

Thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, nhiệm vụ quan trọng nhất của Văn phòng Chính phủ là xây dựng, đôn đốc, kiểm tra thực hiện chương trình hành động, chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mọi việc cần chủ động, khoa học, phù hợp với thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm, quyết liệt, quyết tâm cao. TCT phải tập một số việc trọng điểm chứ không phải tập trung nhiều quá vào cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính.

Mặt khác, phải hiểu TCT không phải là cấp trên của các bộ, ngành, địa phương mà chỉ được ủy quyền của Thủ tướng trong việc kiểm tra, đôn đốc, phát hiện. Vì thế, TCT không làm thay chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành. Trong quá trình này, cần hợp tác thân thiện, thẳng thắn, cùng phối hợp xử lý công việc chung.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thành quả đạt được mới là bước đầu quan trọng, tránh say mê với thành tích mà không nhìn thấy những bất cập, tồn tại của đất nước, của xã hội, kể cả TCT. Vì thế “cần tăng cường phương thức lãnh đạo và có chủ trương đúng. Việc tổ chức thực hiện là quan trọng nhưng nếu thiếu kiểm tra, đôn đốc thì kết quả chưa tốt”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Nguyễn Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)