Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tổ hợp khoa học xã hội: Đề thi vừa sức với học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo viên đánh giá, tổ hợp khoa học xã hội trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 bám sát đề minh họa, vừa sức với học sinh. Ở các môn như sử, giáo dục công dân, thí sinh dễ dàng lấy điểm 9, 10.


Giáo viên đánh giá tổ hợp khoa học xã hội vừa sức với thí sinh

Sáng nay (8-7), thí sinh đã hoàn thành bài thi tổ hợp khoa học xã hội (sử, địa, giáo dục công dân) trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Môn sử: Sẽ có nhiều điểm 10

Đánh giá về đề thi môn lịch sử năm nay, cô Đỗ Thị Hằng – Tổ trưởng tổ sử, Trường THPT Long Trường, TP.Thủ Đức cho hay, đề khá vừa sức với học sinh, bám sát đề minh họa của Bộ GD-ĐT.

Đặc biệt, độ nhiễu trong đề năm nay so với mọi năm ít hơn, phù hợp với năng lực học sinh trong năm học đặc biệt này.

“Kiến thức trong đề thi nằm đều ở lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới. Kiến thức lớp 11 cũng có ở vài câu. Tuy nhiên, tất cả nội dung kiến thức trong đề thi đều ở phần kiến thức trọng tâm nhất. Không có các câu hỏi đánh đố học sinh”, cô Hằng cho biết.

Với đề thi này, theo cô Hằng nếu học sinh chịu khó học thì điểm 7, 8 dễ dàng có trong tầm tay. Phổ điểm sẽ dao động ở mức từ 5-7 điểm. Tuy nhiên, với những thí sinh có sự đầu tư ở môn học thì chắc chắn sẽ dễ dàng lấy được điểm 10.

“Trong bối cảnh dich bệnh, suốt học kỳ 1 học sinh phải học online thì đề khá phù hợp với năng lực học sinh. Các câu hỏi ở mức vận dụng cao cũng ở mức không đánh đố, học sinh dễ dàng lấy được điểm”, cô Hằng nói.

Môn giáo dục công dân: Dễ dàng đạt được điểm 8,9

Thầy Phạm Thanh Tuấn – Phó trưởng bộ môn Giáo dục công dân Q.10, Trưởng bộ môn Giáo dục công dân Trường THCS – THPT Diên Hồng (Q.10) đánh giá về cấu trúc, đề thi GDCD gồm đa số các câu hỏi ở lớp 12 (39 câu) và 1 câu hỏi ở lớp 11. Trong đó, 50% ở mức độ nhận biết, 25% ở mức độ thông hiểu, 15% ở mức vận dụng và chỉ có 10% thuộc nhóm vận dụng cao.

Nhìn chung các câu hỏi nhận biết và thông hiểu khá cơ bản, các câu tình huống gần gũi với thực tế cuộc sống, mang tính thời sự, tuyên truyền ý thức phòng chống dịch COVID-19. Câu hỏi dễ và trung bình chiếm khoảng 75%, có một số câu hỏi khó phân hóa được học sinh. Đề vừa sức với học sinh, phù hợp cho học sinh xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển đại học.


Thí sinh dễ dàng lấy điểm 9, 10 

Nói thêm về các câu tình huống, giáo viên này nhận định, yêu cầu của câu hỏi thì không khó, vì đặc thù của kiến thức pháp luật là kiến thức rất rõ ràng. Với câu vận dụng, người ra đề buộc phải xây dựng những câu đề dẫn nhiều tình tiết nhằm gây nhiễu, nên nếu học sinh không đọc kỹ đề, phân tích từng hành vi của các nhân vật, không nắm chắc các đơn vị kiến thức thì dễ bỏ sót dữ kiện dẫn đến sẽ lựa chọn sai đáp án.

“Với mức độ đề này, thí sinh chỉ cần nắm chắc phần kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa là có thể dễ dàng đạt điểm 8, 9 thậm chí điểm 10”, thầy Tuấn đánh giá.

Môn địa: Không dễ lấy điểm 9, 10

Cô Nguyễn Thị Mai (Tổ trưởng tổ địa, Trường THPT Nguyễn Du, Q.10) đánh giá, đề địa lý trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay rất phù hợp với năng lực học sinh, phù hợp với bối cảnh dịch và học trong điều kiện dịch bệnh song vẫn có sự phân hóa rất rõ rệt.

“Các câu hỏi học kỳ 1 trong đề rất ít, thiên về phần kỹ năng nhiều hơn, phù hợp với việc các em học trực tuyến suốt học kỳ 1. Các câu hỏi phân hóa nằm hoàn toàn ở học kỳ 2 năm lớp 12. Với đề này, học sinh dễ dàng lấy được 5, 6 điểm nhưng để lấy được từ 9-10 thì khó”, cô Mai cho hay.

Nhận định thêm cô Mai cho biết, đề bám sát đề minh họa, các kiến thức cơ bản song vẫn có 4 câu lý thuyết rất khó. Các câu hỏi này vẫn là các vấn đề nội dung trong bài học nhưng những dữ kiện đưa ra chọn đáp án đúng thì học sinh lại rất khó để chọn.

“Để làm được các câu hỏi này ngoài kiến thức bài học, đòi hỏi học sinh phải có tư duy, hiểu biết thực tế tong quá trình học. Phổ điểm môn học có thể ở mức 6-6,5 điểm”, cô Mai chia sẻ.

Yến Hoa

Bình luận (0)