Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Tổ hợp nào xét tuyển ngành quản trị kinh doanh?

Tạp Chí Giáo Dục

Trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần thứ 11 năm 2019 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP, ĐHQG TP.HCM tổ chức (với sự đồng hành của ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM và ĐH Công nghệ TP.HCM) tại Trường Trung học Thực hành (Q.5) mới đây, nhiều học sinh rất quan tâm đến ngành quản trị kinh doanh. Lý do là ngành này có nhiều trường đào tạo và tổ hợp xét tuyển rất đa dạng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khi đăng ký xét tuyển ngành này, học sinh cần phải dựa trên các tố chất của ngành: tư duy nhạy bén, logic, khả năng lập luận và nắm bắt vấn đề, khả năng chịu được áp lực…

Cụ thể, tại Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM, năm 2019, khối ngành quản trị kinh doanh dự kiến tuyển sinh khoảng 150 chỉ tiêu bao gồm cả tổ hợp truyền thống A (toán, lý, hóa), D01 (toán, văn, tiếng Anh) và tổ hợp “lạ” A01 (toán, lý, tiếng Anh), D07 (toán, hóa, tiếng Anh). Trong đó, xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia chiếm 100 chỉ tiêu, phương thức xét tuyển kết hợp giữa điểm thi THPT quốc gia và chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế/kết hợp giữa học bạ 3 năm THPT và chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế chiếm 50 chỉ tiêu. “Tùy vào năng lực học tập mà các em cân nhắc lựa chọn phương thức xét tuyển cho phù hợp, sao cho khả năng đậu vào trường là cao nhất. Lưu ý rằng, với phương thức xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ quốc tế và kết quả thi THPT quốc gia, thí sinh phải có học bạ điểm trung bình 3 năm THPT từ 7,5 trở lên, hạnh kiểm từ khá trở lên, IELTS từ 6.5 trở lên hoặc tương đương. Riêng phương thức xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ quốc tế và học bạ 3 năm THPT chỉ dành cho đối tượng là học sinh chuyên toán, lý, hóa, văn, ngoại ngữ tại các trường THPT chuyên”, ThS. Bùi Văn Yến (Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM) cho biết.

Tương tự, 4 tổ hợp A, A01, D01, D07 được Trường ĐH Kinh tế TP.HCM sử dụng để xét tuyển vào ngành quản trị kinh doanh với dự kiến 650 chỉ tiêu, ở các chuyên ngành: Quản trị, quản trị chất lượng, quản trị khởi nghiệp. “Để vào trường, thí sinh có 2 phương thức đăng ký là xét tuyển thẳng và xét tuyển dựa vào điểm thi THPT quốc gia. Riêng với phương thức sử dụng điểm thi THPT quốc gia, trong trường hợp thí sinh có cùng điểm xét tuyển và vượt chỉ tiêu tuyển sinh, trường sẽ sử dụng thêm tiêu chí phụ theo thứ tự: kết quả điểm thi toán, kết quả điểm thi tiếng Anh và thứ tự nguyện vọng”, ThS. Trần Duy Can (đại diện trường) cho hay.

Ở hai trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM và ĐH Công nghệ TP.HCM, thí sinh có thể lựa chọn học ngành quản trị kinh doanh với 4 tổ hợp: A, A01, C (văn, sử, địa) và D01 trong 2 phương thức xét tuyển là điểm thi THPT quốc gia và học bạ lớp 12. Bên cạnh đó, thí sinh có thể theo học ngành này bằng phương thức sử dụng điểm bài thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM. “Với phương thức xét tuyển bằng học bạ, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM có tới 8 đợt xét tuyển, kéo dài từ ngày 2-5 đến 10-9. Nếu không đạt yêu cầu trong các đợt xét tuyển trên hoặc trong phương thức này, các em có quyền sử dụng phương thức xét tuyển khác trong đề án tuyển sinh của trường, tăng cơ hội học tập tại trường”, ThS. Trần Hải Nam (đại diện Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) thông tin. Còn tại Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM, đợt xét tuyển học bạ bắt đầu từ ngày 2-5 đến 10-9.

Mùa tuyển sinh 2019, Trường ĐH Hoa Sen tiếp tục tuyển sinh ngành quản trị kinh doanh với 4 phương thức: điểm thi THPT quốc gia; học bạ 3 môn trong tổ hợp xét tuyển là A, A01, D01/D03 (văn, toán, tiếng Pháp), D09 (toán, sử, tiếng Anh) và kỳ thi riêng của trường. Thông tin về kỳ thi riêng của trường, TS. Lê Minh Thành (đại diện Trường ĐH Hoa Sen) cho biết: “Điều kiện để được tham gia là  thí sinh phải tốt nghiệp THPT, điểm học bạ 5 học kỳ (trừ học kỳ II năm lớp 12) trên 6.0. “Bài thi theo hình thức trắc nghiệm, diễn ra 6 đợt từ ngày 24-3 đến 1-6. Nội dung bao gồm các kiến thức về xã hội, tư duy logic, hội nhập quốc tế và các lĩnh vực thuộc ngành đào tạo của trường. Cụ thể, đề thi sẽ khai thác sâu về các định hướng nghề nghiệp, ngành học, tính sáng tạo, động cơ học tập mà thí sinh quan tâm, đảm bảo các em có đủ năng lực để theo học trong ngành học đó”, TS. Lê Minh Thành lưu ý.

Y.Hoa

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)