Một dịp tình cờ tôi có được ấn phẩm Tôi yêu Tổ quốc tôi, tôi yêu đồng bào tôi. Đây là cuốn sách do báo Hoa Học Trò thực hiện từ các bài viết thấm đẫm tình yêu quê hương, đất nước của độc giả.
Buổi chào cờ và hát quốc ca bằng tay của trẻ câm điếc tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Đồng Nai – Ảnh: Yến Trinh |
Cuốn sách ấy đã lôi cuốn tôi đến kỳ lạ. Tôi hiểu đó là tiếng nói từ trái tim của những người trẻ. Một tình cảm thiêng liêng nhưng không quá xa vời dành cho Tổ quốc, quê hương. Đó là tình yêu thương Tổ quốc mãnh liệt được gửi gắm, là niềm tin vào một tương lai tươi sáng của dân tộc.
Hà An đã viết trong bài “Đặt tay lên ngực, lắng nghe câu hát trái tim” về cảm xúc khi hát quốc ca: “Tôi hỏi mẹ: tại sao khi hát quốc ca mọi người thường đặt tay lên ngực trái. Mẹ trả lời: vì đó là câu hát của trái tim mình…
Tôi hát quốc ca khi tới trường vào mỗi sáng thứ hai. Đất nước trong đôi mắt mở to háo hức. Câu hát nói với tôi: hãy vươn thẳng vai, hãy ngẩng cao đầu bởi đất nước này đẹp đẽ và thiêng liêng, xứng đáng để bạn tự hào vì nó…
Tôi hát quốc ca trước khi bước vào phòng thi tốt nghiệp. Đất nước trong đôi tay hôm nay đang hồi hộp. Câu hát băn khoăn trong nhịp trống, nhịp tim: ngày mai mình sẽ là ai trong đất nước này, mình sẽ làm được gì cho xứ sở mình yêu thương?…”.
Bạn Kính Hồng thì viết về “Hương Tổ quốc” với cảm xúc dạt dào: “Nhắm mắt lại, nghe hương Tổ quốc miên man, con vẽ hình Tổ quốc… Ở nơi đâu xa xa, thoáng nghe mùi hương Tổ quốc, nhận ra dáng hình một tình yêu…”. Một tình yêu Tổ quốc có thể không quá xa vời mà chỉ bằng những điều giản dị từ chính những cảm xúc hằng ngày của hai tiếng “quê hương”. Và Quý An thì cảm nhận Tổ quốc như có vị mặn: “Nếu Tổ quốc tôi có một hương vị, nếu tôi có thể nâng niu bằng hai bàn tay và đặt môi hôn, tôi nghĩ rằng nó sẽ có vị mặn. Vị mặn của biển bởi khi ông tôi xa quê thèm món cá khô. Vị mặn trong không khí của những miền duyên hải lộng gió làm hồn người đằm lại… Vị mặn của hạt muối miền xuôi cần cù gửi lên miền ngược. Vị mặn của máu những người trai trẻ năm xưa đổ xuống cho dải đất sau 20 năm chia cắt được nối liền. Vị mặn nước mắt của bà tôi trong những năm kháng chiến khóc ông tôi, khóc bác tôi, khóc chú tôi, những người ra trận rồi không về… Đất đai này mặn, nước non này mặn… Với tôi, Tổ quốc VN thật mặn”.
Còn với Kim Ngân là tâm sự của một người trẻ có điều kiện đi đến nhiều nơi trên thế giới: “Bước đi để tự hào về Tổ quốc mình. Khi không thể xin được visa từ Hàn Quốc sang Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, mới biết tự hào về chuyến tàu Thống Nhất từ Hà Nội chạy thẳng 36 tiếng vào TP.HCM.
Bước đi để trân trọng Tổ quốc mình hơn. Những ngày nghỉ học ở Paris giật mình vì nghe khủng bố ở Iraq hay sợ hãi khi nghe tin súng nổ ở Thái Lan, bước đi để thấy trân trọng bầu không khí hòa bình của Tổ quốc, để thấy bình yên mỗi buổi tới trường”.
Và với tôi, Tổ quốc tôi có màu xanh thật đẹp và hiền hòa:
“Màu xanh của chiếc áo xanh tình nguyện ngập tràn vùng sâu, vùng xa… màu xanh của thanh niên làm ấm lòng đồng bào nghèo, sáng bừng cái chữ… Nụ cười trên môi, mồ hôi đổ xuống cho Tổ quốc thêm xanh.
Màu xanh của lá chuối quen thuộc, gói xôi bắp buổi sáng thuở còn thơ, của bánh chưng ngày tết, của bánh tét đồng quê nội cặm cụi gói làm quà…
Yêu thương biết mấy màu xanh Tổ quốc. Tổ quốc tôi màu xanh là vậy!”.
Và người trẻ hôm nay như bao thế hệ trước đã dày công vun đắp vẫn luôn hướng đến Tổ quốc, đến quê hương bằng những công việc hằng ngày bình thường nhưng có ích cho đời! “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay!”. Và khi mùa hè về, hàng ngàn bạn trẻ lại hối hả dành thời gian hè cho những công việc tình nguyện vì những người khó khăn, về vùng sâu, vùng xa của đất nước, góp sức vì hai tiếng Tổ quốc thân thương luôn thúc giục từ con tim và hành động bằng cả khối óc trong sáng.
VŨ ANH TUẤN (TTO)
Bình luận (0)