Tòa soạnThư đi – tin lại

Tờ rơi “đại náo”… đường phố

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên phát tờ rơi tại ngã tư Tân Kỳ Tân Quý – Trường Chinh

Bất kể lúc nào, địa điểm nào, người đi đường cũng có thể bị nạn phát tờ rơi quảng cáo làm phiền khi dừng đèn đỏ. Và sau khi dòng xe đi là một “bãi chiến trường” để lại, hết sức phản cảm.
Dù đã có nghị định ban hành để nghiêm cấm cũng như xử phạt về những hành vi tán phát các loại tờ rơi, quảng cáo nơi công cộng, nhưng thực tế, nạn phát tờ rơi quảng cáo vẫn lộng hành mà không hề bị “thổi còi”…
Dừng đèn đỏ cũng không yên
Tại hầu hết những ngã ba, ngã tư trong thành phố, người đi đường khi dừng đèn đỏ luôn được “cho không, biếu không” những loại tờ rơi quảng cáo. Nội dung quảng cáo thường là về các dịch vụ ăn uống, học tập, điện tử, giảm giá… thậm chí cả nâng ngực, nội soi, phẫu thuật thẩm mỹ… Nhiều người cảm thấy không cần thiết đã từ chối không nhận nhưng vẫn được quẳng vào giỏ xe. Phần lớn khi nhận được tờ rơi, mọi người chỉ xem lướt qua rồi vứt ngay xuống chân. Vì thế, “hậu đèn đỏ” thường là khung cảnh rác tờ rơi rải trắng đường.
Người viết bài này đã từng chứng kiến tại ngã tư Trường Chinh – Tân Kỳ Tân Quý (Q.Tân Bình, TP.HCM) vào một chiều giờ tan tầm, chỉ trong vòng 15 phút đã có một đội ngũ 4 thanh niên phát tờ rơi các loại ào vào. Dù không nhận, những thanh niên đó cũng để tờ rơi lên xe, mặc kệ sự khó chịu, mệt mỏi của người đi đường.
“Tôi cảm thấy phiền phức kinh khủng. Đi làm cả ngày đã mệt, giờ dừng đèn đỏ cũng không được yên. Những loại tờ rơi đó chẳng có tác dụng gì, nó chỉ như một thứ rác làm bẩn thêm đường phố…” –  anh Trần Văn Thành (Q.Tân Bình) bức xúc nói. “Nói chung ngày nào tôi cũng được nhận trên dưới 3, 4 loại tờ rơi khi chạy xe trên đường đi làm từ đường Cách Mạng Tháng 8 (Q.10) đến Điện Biên Phủ (Q.3). Với tôi, những nhu cầu từ việc ăn uống, mua sắm hay khuyến mãi gì đó thì cũng đã có những địa chỉ quen,  địa chỉ uy tín rồi, chẳng ai dại gì mà tìm đến các địa chỉ đó” – chị Bùi Tuyết Nhung (Q.11) chia sẻ.
Dù người đi đường chẳng ai mặn mà với những dịch vụ quảng cáo “trời ơi đất hỡi” ấy nhưng người phát thì cứ phát, mỗi ngày tại mỗi ngã tư, ngã ba, đều đặn và… tận tụy.
Cần áp dụng luật
Chỉ cần bỏ ra 50 ngàn là đã có thể thuê được 1 sinh viên đứng ở các ngã ba, ngã tư đông phương tiện qua lại trong thành phố để phát tán khoảng 1.000 tờ rơi. Vì chi phí bỏ ra quá thấp so với quảng cáo, tiếp thị ở các loại hình khác như truyền hình, báo chí… nên tờ rơi là lựa chọn của rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp.
Khi hỏi Lại Hải Anh – sinh viên ĐH Sài Gòn, nhân viên phát tờ rơi tại ngã tư Trần Hưng Đạo –  Nguyễn Văn Cừ cho một doanh nghiệp kinh doanh gạo, rằng có biết phát tờ rơi, quảng cáo ngoài đường thế này là vi phạm luật không, sẽ bị xử phạt không? Hải Anh vô tư trả lời rằng “Không biết, mình chỉ nhận phát tờ rơi như một công việc làm thêm thôi. Người ta thuê thì mình làm…”. Không chỉ Hải Anh mà đa phần các sinh viên khác chọn phát tờ rơi để làm thêm, khi được hỏi đều không biết mình đang vi phạm luật.
Kể từ năm 2009, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định 39 về hoạt động quảng cáo tại TP.HCM. Điều 4, khoản 13 của quyết định này có quy định: “Nghiêm cấm hành vi tán phát các loại tờ rơi, quảng cáo ngoài đường, nơi công cộng không phải là nơi bán, trưng bày và giới thiệu sản phẩm hoặc tại những vị trí đã được quy hoạch”. Bên cạnh đó, điều 29, khoản 1, nghị định 75 ngày 12-7-2010 của Chính phủ cũng đã quy định: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với mỗi áp phích, tờ rơi quảng cáo không đúng nơi quy định”. Điều đáng  nói là có hơn một quyết định đã ra đời để quản lý về hành vi phát tờ rơi, quảng cáo trên đường phố, thế nhưng ngày lại ngày hoạt động này vẫn diễn ra, làm phiền người đi đường và làm bẩn thành phố. Đặc biệt, tại rất nhiều những ngã tư, ngã ba, hoạt động này diễn ra trước mắt lực lượng CSGT nhưng không hề bị nhắc nhở?!? Còn người đi đường thì tất nhiên, ai cũng than phiền và đề nghị các cơ quan quản lý nên vào cuộc, thực hiện nghiêm những quy định đã được ban hành. “Trước là làm nghiêm pháp luật, trả lại sự sạch sẽ cho đường phố. Sau là để người đi đường được yên” – anh Trần Văn Thành đề nghị.
Bài, ảnh: Yến Hoa

Bình luận (0)