Y tế - Văn hóaThư giãn

Tô Vũ Việt Nam – người suốt đời “chăn nhạc”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Trong số các nhạc sĩ tự học âm nhạc nhưng thành danh từ thời kỳ đầu Tân nhạc, tôi kính phục nhất Văn Cao và Tô Vũ.
Hai người bạn đồng niên (cùng sinh Quý Hợi 1923) đã cùng huynh trưởng Hoàng Quý (Tô Vũ là em ruột Hoàng Quý, tên khai sinh và bút danh thời tiền chiến là Hoàng Phú) và các đàn anh Canh Thân, Phạm Ngữ tạo ra nhóm “Đồng Vọng” đi đầu trong phong trào “Thanh niên – lịch sử” thời cao trào cách mạng của thập kỷ 40 thế kỷ trước.
Ngày ấy, được sự dẫn dắt của thầy Lê Thương (Ngô Đình Hộ), nhóm “Híp-pi tiền chiến” ra đời ở Hải Phòng với một tâm nguyện dâng hiến cho nghệ thuật âm nhạc. Nhưng kiến thức của họ còn rất ít ỏi. Ngoài chút ít lý thuyết âm nhạc Tây phương, dường như họ còn hiểu rất sơ sài về âm nhạc dân tộc.
Song thời thế đã thức tỉnh họ, giúp họ hành trình về nguồn. Giữa những ngày nhen nhóm của cao trào cách mạng, có lần Hoàng Quý cùng em Hoàng Phú đi tàu thủy từ Hải Phòng về Quảng Yên thăm cụ thân sinh.
Câu hát xẩm chợ của người hát rong đã đập vào túi não hai nhạc sĩ trẻ – đấy là lời thơ của Á Nam Trần Tuấn Khải: “Kìa Trưng Nữ ra tay buồm lái/ Phận liễu bồ xoay với cuồng phong/ Giết giặc nước, trả thù chồng/ Ngân thu tiếng nữ anh hùng còn ghi/ Kìa Hưng Đạo gặp khi quốc biến/ Vì giống nòi quyết chiến bao phen/ Sông/Bạch Đằng phá quân Nguyên/ Gươm reo chính khí, nước rền dư uy…”.
Trở về, Hoàng Quý đã viết Trên sông Bạch Đằng, còn Hoàng Phú là Ngày xưa viết về Hai Bà Trưng. Cùng lúc ấy, có những ứng xử khác với lịch sử của Văn Cao qua Chiều buồn trên sông Bạch Đằng hay với Lưu Hữu Phước lặn lội tới bến Phà Rừng từ đất Mỹ Tho để chất ngất lên một Bạch Đằng giang lẫm liệt. Vì lẽ đó mà nhóm “Híp-pi tiền chiến” trở thành nhóm “Đồng Vọng” với cuộc hành hương về đền Hùng và hát vang những bài ca yêu nước của mình vào mùa xuân Tân Tỵ 1941. Còn Lưu Hữu Phước về Hà Nội cùng các bạn lập ra “Tổng hội sinh viên”.
Cách mạng tháng Tám đã thổi bùng lên sức mạnh thăng hoa của toàn dân tộc. Không chỉ đập tan ách nô lệ ngoại bang, sức mạnh thăng hoa còn giúp cho các nghệ sĩ phục sinh nền văn nghệ dân tộc, trong đó có âm nhạc. Huynh trưởng Hoàng Quý thật hào hùng với Sa trường tiến hành khúc rồi tiến tới Cảm tử quân và ở giữa chợt xao xuyến với Cô láng giềng. Hoàng Phú khi đó cùng ban nhạc gia đình, căn bản là tìm cách thể hiện tốt nhất những tác phẩm của người anh cả yêu mến. Chỉ đến khi số phận đoản mệnh sắp cướp người anh cả đi khỏi cõi đời, thì lời trăn trối của Hoàng Quý với em về việc phải cố gắng suốt đời thay anh phụng sự hết tâm huyết cho nền âm nhạc Việt Nam đã lại thêm một cú huých mạnh, khiến cho Hoàng Phú không còn có bước lùi.
Viết ca khúc Tạ từ, chính là Hoàng Phú muốn trút hết tâm sự, muốn vĩnh chào quá khứ ngây thơ để bắt đầu một hành trình mới: “Rồi đây khi mùa dứt chiến chinh/ Gió dâng khúc đàn thanh bình/ Ta đi tìm thơ/ muôn phương gót in núi rừng thâm u…” Hành trình kháng chiến và cũng là hành trình về nguồn tìm lại chính mình trong âm hưởng dân tộc.
Khởi đầu hành trình với tâm hồn mê mải tìm kiếm, Hoàng Phú còn không để ý chăm sóc tới dung mạo của mình, mới 25 tuổi mà râu đã để dài như người già, khiến nhà thơ Xuân Diệu phải tặng cho một bút danh mới là Tô Vũ. Tô Vũ là một nhân vật lịch sử Trung Hoa thuộc thời Tây Hán. Ở cương vị Trung Lang Tướng, Tô Vũ được vua Hán Vũ Đế trao nhiệm vụ đánh Hung Nô. Do phó tướng của ông là Trương Thắng có dính dáng tới cuộc tranh đua của nội bộ Hung Nô, Tô Vũ bị liên lụy.
Hung Nô nhiều lần uy hiếp dụ đầu hàng, ông không chịu nên bị đày đi chăn dê. Tích “Tô Vũ chăn dê” từ đó mà thành. Hoàng Phú thấy bút danh này hình như có vẻ hợp với mình nên nhận ngay. Từ đó, bắt đầu một nhạc sĩ Tô Vũ. Trong một lần cùng Nguyễn Đình Phúc đi điền dã ở vùng giáp ranh Bắc Ninh, Tô Vũ đã gặp tiếng sét “ái tình” với âm nhạc dân tộc mà đến lúc này, mới được nghe thực sự. Từ đó, Tô Vũ đã nhận ra con đường đi của mình mà chính Đề cương Văn Hóa 1943 của Đảng đã chỉ ra “Dân tộc – Khoa học – Đại chúng”. Đấy là cuộc song hành của sự tìm tòi trong hai ngôn ngữ sáng tạo âm nhạc. Một lối là tìm ra ngôn ngữ nhạc Kinh viện nhưng mới mẻ trong những ca khúc trữ tình (Romance).
Đấy là việc cho ra đời Tiếng chuông thiên thu và đặc biệt là Em đến thăm anh một chiều mưa nổi tiếng. Chỉ từ một cuộc đến thăm của cô em gái Hoàng Hải mùa đông năm 1948, vậy mà với thần thái tưởng tượng của mình về tình yêu, Tô Vũ đã trút vào giai điệu tiếng thầm thì, da diết của lãng mạn đôi lứa. Dù ca từ vẫn viết rất trung dung: “Em đến thăm anh người em gái/ Tà áo hương nồng/ mắt huyền trìu mến/ sưởi ấm lòng anh”, nhưng người cảm nhận vẫn nhận thấy đấy là câu chuyện chàng nàng nhiều hơn là chuyện anh em ruột. Và nếu ai chưa từng biết chuyện này, chắc chắn đấy là câu chuyện chàng nàng một trăm phần trăm.
Sức tưởng tượng của tuổi thanh xuân cùng với tài năng mẫn tiệp, Tô Vũ đã góp vào dòng ca khúc lãng mạn một nhạc phẩm bất hủ. Bất ngờ là ở một lối khác, lối bám sát truyền thống, ngôn ngữ dung dị, mang tính đại chúng nhưng vẫn chứa đầy học thuật, ngỡ như ngược hẳn với lối trên, nhưng qua tâm hồn Tô Vũ, chúng lại “Song kiếm hợp bích” đến mức lạ lùng. Khó mà tin rằng, tác giả của Cấy chiêm (thơ Quách Vinh) tràn ngập âm hưởng chèo lại cũng là tác giả Em đến thăm anh một chiều mưa (bài hát đã được hát vang ở các vùng tạm chiếm).
Nhưng đó mới thực sự là tài năng, là cá tính sáng tạo của Tô Vũ. Từ Cấy chiêm, Tô Vũ còn đi tới Nhớ ơn Hồ Chí Minh với vẻ đẹp âm thanh thuần khiết đến trác tuyệt: “Toàn dân ghi ân đức Người dài lâu như núi sông như mưa rơi trên đồng khô, như ánh nắng ngày mùa…”. Tất cả những hun đúc ấy, những tích tụ ấy đã đưa Tô Vũ đến tác phẩm hòa tấu dàn nhạc dân tộc tiêu biểu Nông thôn đổi mới ngay sau hòa bình (viết cùng Tạ Phước).
Tôi biết đến cái tên Tô Vũ từ ngày Hải Phòng tạm chiếm vì các ông anh bà chị suốt ngày nghêu ngao Em đến thăm anh một chiều mưa, khiến tôi cũng nhập tâm theo. Bố tôi còn nói: “Nhà chú Quý, chú Phú ngày xưa ngay bên cạnh nhà mình ở phố Trại Cau. Không khéo một trong số các cô nhà mình lại là “cô láng giềng” của chú Quý không chừng”.
Sau ngày Hải Phòng giải phóng vài năm, thì Tô Vũ lại đi vào tôi bằng Gợi ý mùa trăng: “Trăng sáng đêm nay còn đẹp mấy mươi/ Tà áo nhung bay mùa thu đã về rồi…” và gần gũi hơn, hào sảng hơn là Khúc ca yêu đời: “Ta hát say sưa khúc ca yêu đời/ Một mùa xuân tưng bừng đã về bạn ơi! …”, rồi lại thật dung dị qua Chị em bón bèo: “Ánh xuân hồng trên má trên đôi môi/mấy cô nàng/ mấy cô nàng đi bón bèo…”. Lúc ấy tôi đâu biết Tô Vũ đã “phải lòng” “nàng âm nhạc dân tộc” đến say đắm để có những tác phẩm nhạc sân khấu như Hoàng hôn trên xóm nhỏ (Hòa tấu dàn nhạc dân tộc – 1966), Đề Thám (nhạc tuồng – 1969), Trưng Vương (nhạc cải lương – 1970), Dũng sĩ rạch gầm (nhạc chèo – 1971), Nghêu, sò, ốc, hến (nhạc tuồng 1972), Sơn Tinh, Thủy Tinh (nhạc múa rối 1973)…
Nhưng Tô Vũ lại ập vào tôi một bất ngờ lớn sau ngày thống nhất. Khó có thể diễn tả niềm hân hoan khi nghe Như hoa hướng dương (thơ Hải Như). Người làm thơ mà viết về Đảng như thấm vào đời thường thứ này đã khó: “Một lớp học đầu thôn/ Một bát cơm gạo trắng/ Một cái bắt tay giữa nam nữ trên đường/ Một câu hò ơ/ Một ngôi chùa cổ quê hương…”, người làm nhạc để thấy hết cái thấm ấy chứa chan âm điệu dân tộc thì còn khó thế nào. Vậy mà Tô Vũ đã bản lĩnh đến thành thực tạo ra thành công trong sáng tạo đó.
Tôi gặp Tô Vũ sau Văn Cao mấy năm. Nhưng anh em gặp nhau là “ăn sóng nói gió” kiểu Hải Phòng ngay. Mọi chuyện nghe tôi kể lại, Tô Vũ xác nhận ngay: “Mày đúng là thằng em Hải Phòng”. Tôi vô cùng vinh dự được biên tập những bài viết của ông để đăng tải trên Tạp chí Âm nhạc thập kỷ 90 thế kỷ trước. Và sung sướng nhất là cùng được nhận giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1996 với ông. Năm ấy, ông đã đăng quang bằng tác phẩm ngoạn mục Sức sống của nền âm nhạc truyền thống Việt Nam. Cho đến bây giờ, người ta vẫn khó có thể hiểu nổi có một nhạc sĩ và một giáo sư âm nhạc trong một Tô Vũ.
Trong sáng tác âm nhạc, ông dạt dào cảm xúc bao nhiêu thì trong lý luận, phê bình âm nhạc ông sắc sảo tinh tế bấy nhiêu. Tôi phục nhất bài Nguyễn Trãi với âm nhạc của ông. Nếu Nguyễn Trãi sống lại, chắc sẽ mãn nguyện khi thấy các tài danh đời sau hiểu ông đến vậy. Học theo ông, với cách đó, tôi cũng đã viết được Trạng Trình với âm nhạc đến hết lòng. Càng ngày, qua trao đổi, tình cảm giữa tôi và ông càng gắn bó hơn. Nhất là khi cùng ông làm chương trình Hoàng Quý với nhóm “Đồng Vọng”. Có một điều gì rất thân thương, gần gũi và bình dị toát ra từ tầm vóc mẫn tiệp của ông.
Ông Tô Vũ Trung Quốc ngày xưa chỉ có 19 năm đầy ải chăn dê. Ông Tô Vũ Việt Nam “chăn nhạc” đến giờ đã ngoài 90 xuân tự nguyện dân hiến. Ở tuổi như ông cũng như cha mẹ tôi đã trải qua, chuyện yếu mệt là chuyện thường tình. Nhưng khi hôm rồi, nghe NSƯT Hà Thủy – con dâu ông, nói về hiện trạng của ông ở thành phố Hồ Chí Minh.
Tôi nghĩ đã đến lúc phải viết về chuyện “chăn nhạc” của ông rồi. Viết mà nếu như ông sớm đọc được tấm chân tình của tôi, lại khỏe vui cùng con cháu tiếp tục những ngày tháng thanh thản của “đời chăn nhạc” thì thật là hạnh phúc cho kẻ hậu sinh này lắm!
Theo NGUYỄN THỤY KHA (Lao Động

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)