Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tỏa sáng giữa đời thường: Bài 3: Chuyện về một bác sĩ đa năng

Tạp Chí Giáo Dục

Tuy mới gắn bó với Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc từ năm 2010 nhưng bác sĩ (BS) Cao Thiên Nhơn đã có thâm niên gần 20 năm lăn lộn với các đơn vị trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM.

Dù ở Trường Giáo dục lao động TNXP tỉnh Bình Phước, Bệnh viện Bình Triệu hay Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc (3E Tô Ngọc Vân, P.Thạnh Xuân, Q.12, TP.HCM), trong mắt đồng nghiệp BS Cao Thiên Nhơn luôn là một thầy thuốc hết lòng vì bệnh nhân trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Tiếp xúc với nhiều người bệnh khó tính

Bước chân vào Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc, nhiều người không khỏi ngậm ngùi khi bắt gặp những người già bại liệt và những người ở tuổi 18 đôi mươi bị bại não vào sống tại đây. Người mà chúng tôi gặp nhiều nhất là BS Cao Thiên Nhơn – hiện là BS duy nhất đang công tác tại trạm y tế của trung tâm mà ở đây người dân thường gọi theo thói quen là “viện dưỡng lão”. Được ông Trần Minh Tâm – Phó Giám đốc trung tâm đưa xuống phòng siêu âm, chúng tôi gặp lại BS Nhơn đang tận tình khám bệnh cho một thanh niên ở khu bại liệt nam đang điều trị tại trạm y tế. Ngừng tay làm việc, BS Nhơn trao đổi: “Trung tâm có hơn 300 trại viên nên hầu hết nhân viên đều biết mặt thuộc tên từng người. Cũng do khám bệnh định kỳ mà các y BS đều biết rõ bệnh tình của từng đối tượng nên rất thuận lợi trong việc khám và chữa bệnh”. Cũng là BS duy nhất nên BS Cao Thiên Nhơn phải theo dõi hết bệnh nhân của 3 khu (bại liệt nam, bại liệt nữ và bại não) của trung tâm. Chính vì thế, cường độ làm việc hàng ngày phải tăng lên từ khám và chẩn đoán bệnh đến chỉ định điều trị đều do một tay của BS Nhơn “sắp xếp”. Nếu các bệnh nhân bại liệt chỉ ngồi một chỗ đi đâu cũng phải có xe hộ lý di chuyển thì các bệnh nhân bại não chỉ biết la hét từng cơn, nếu nằm một chỗ thì cười nói một mình huyên thuyên trông thật tội nghiệp. Cầm tay một bệnh nhân bại não ở khu C, BS Nhơn cho biết: “Chữa trị cho bệnh nhân bại não đã khó vì họ không kê bệnh được, thì chữa bệnh cho người già còn vất vả gấp nhiều lần”. Điều này tưởng như vô lý nhưng thực ra lại đúng như vậy vì theo BS Nhơn, các bệnh nhân bại não đa phần còn trẻ tuổi, sức khỏe tốt sống vô tư không làm phiền đến ai. Còn các bệnh nhân lớn tuổi mang nhiều thứ bệnh trong người như xương khớp, tiểu đường, huyết áp đó là chưa nói đến tính tình thất thường, dễ bị xúc động, buồn tủi.

BS Cao Thiên Nhơn đang thăm hỏi người già tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc

BS đa năng

Những ngày đầu vào nghề, BS Nhơn vẫn không quên màu áo xanh tình nguyện khi xa gia đình lên tận Sông Bé để chữa bệnh cho học viên Trường Lao động TNXP. Năm 1997 người y sĩ trẻ được trở về TP nhưng lại vượt qua một thử thách nghiệt ngã hơn là điều trị bệnh nhân cai nghiện, mại dâm bị nhiễm HIV tại Bệnh viện Bình Triệu. Tiếp xúc với các bệnh nhân đặc biệt này, BS Nhơn càng thông cảm hơn với số phận của họ vì thế dù mất hết hy vọng nhưng anh vẫn tìm cách đem lại niềm tin cho người bệnh. Đây cũng là động lực để anh đăng ký học lên BS và học thêm khóa học xét nghiệm ở Viện Pasteur dù công việc bộn bề: “Làm việc trong môi trường này nếu BS chỉ biết khám và chữa bệnh thôi chưa đủ, mà gần như phải gánh vác hết mọi công việc khác của điều dưỡng, y tá”. Chính vì thế, năm 2010 về công tác tại Trung tâm Thạnh Lộc, BS Nhơn lại học tiếp khóa siêu âm và chuyên môn lão khoa để có thêm “nghề tay trái”. Cũng nhờ chuyên môn đa năng mà một mình anh bây giờ có thể đảm đương tất cả mọi phần việc từ chữa bệnh người trẻ đến người già. Vì thế, dù trạm y tế chỉ có một BS nhưng không bị ách ở khâu nào cả và chính vì thế anh được coi là “đứa con cưng” của trung tâm này.

Qua trò chuyện, chúng tôi được biết, dù là BS lâu năm nhưng anh không có phòng mạch riêng vì anh cảm thấy quá bận rộn với việc cơ quan. Anh có cuộc sống gia đình hạnh phúc với bà xã là giáo viên, hiện đang giảng dạy tại Trường THCS Lê Lai, Q.8, TP.HCM cùng hai con nhỏ ngoan ngoãn. “Nhiều tấm lòng nhân ái còn tìm đến đây để làm từ thiện tại sao mình lại bỏ đi?”. Đó là suy nghĩ đơn giản của người BS đã hơn 20 năm âm thầm cống hiến cho xã hội như một câu trả lời khi có người khuyên anh nên đi tìm chỗ mới làm việc để đỡ vất vả hơn nhiều.

Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh

Ở đây, BS không chỉ là người thầy thuốc mà đôi khi phải là người bạn, người thân như trong gia đình để tìm cách an ủi và động viên các cụ. Được nhân viên y tế nơi đây coi mình như cha như mẹ, nhiều cụ già sống vui và sống khỏe lên nhiều. Đó là điều mà chúng tôi cảm nhận được khi trò chuyện với từng người. 

 

Bình luận (0)