Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tỏa sáng giữa đời thường: Bài 4: Xây nhà tình thương từ tiền nuôi heo

Tạp Chí Giáo Dục

21 căn nhà tình thương, nhiều công trình từ thiện phục vụ dân sinh, chương trình học bổng… đều từ số tiền tích lũy sau nhiều năm nuôi heo gia công.

Không thể thống kê chính xác số tiền mà bà Nguyễn Thị Lan (71 tuổi, ngụ P.7, Q.Tân Bình) đã dành cho việc từ tâm, sẻ chia một phần khó khăn với những cảnh đời. Tuy nhiên, điều dễ dàng nhận thấy là hiệu ứng xã hội từ tấm lòng thiện nguyện của bà trong hơn 40 năm qua.

Cặp heo giúp vốn

Tại mảnh đất nhỏ ở An Nhơn, Q.Gò Vấp, TP.HCM, nơi ba mẹ con chuyển về từ P.2, Q.3 sau ngày giải phóng, bà Lan sớm quen với chăn nuôi. Đó cũng là thời điểm bà vừa trải qua nhiều biến cố, tưởng chừng ngã quỵ. Ban đầu do ít vốn, bà chỉ nuôi mỗi lứa vài con. Về sau, ngoài 20 con heo thịt và 1 con heo nái, bà còn nhận nuôi heo gia công, mỗi lứa khoảng 100 con cho một đơn vị Nhà nước. Bà Lan nổi tiếng là người “có tay nuôi”, heo đẻ bà giữ nuôi hết, lứa nào cũng khỏe mạnh, xuất chuồng đúng thời hạn. Lúc bấy giờ, nhiều cơ sở, hộ gia đình chăn nuôi quy mô lớn cũng tìm đến bà học hỏi kinh nghiệm.

Ngoài chia sẻ kinh nghiệm cho nông dân, bà Lan còn hỗ trợ cho những gia đình khó khăn bằng cách bán thiếu một cặp heo con (một con cái và một con đực), đến ngày heo xuất chuồng mới trả vốn, dĩ nhiên là không tính lãi. Theo bà Lan, nói bán thiếu là để người ta cố gắng chăm sóc heo tốt chứ bà không lấy lại tiền vốn. Nhiều gia đình được bà Lan hỗ trợ hầu hết đều khá giả. Theo quy luật đô thị hóa, nghề chăn nuôi dần xóa bỏ ở nội thành, nhiều gia đình có điều kiện chuyển đổi mô hình kinh tế cũng nhờ số tiền tích lũy từ đợt bán heo.

Bà Nguyễn Thị Lan (bên phải) cùng bà Phạm Hồng Thắm, Bí thư Chi bộ KP.1 đi thực tế công trình nâng cấp hẻm 1111

Có chút tiền tích lũy từ nuôi heo, bà Lan bắt tay ngay việc khảo sát, xây dựng và sửa chữa nhà giúp người nghèo, công việc mà từ bấy lâu bà mong mỏi. Khởi điểm là đầu năm 1990, bà Lan giúp đỡ tiền sửa nhà cho một cán bộ hưu trí nghèo (P.17, Q.Gò Vấp). Tính đến nay, bà Lan đã xây tặng 21 căn nhà tình thương tại TP.HCM, các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ… Bà còn vận động người thân đóng góp xây dựng, sửa chữa 10 căn nhà khác (trong đó xây 7 căn nhà tình thương, tình nghĩa) cho người nghèo. Bên cạnh đó bà còn chống dột, vận động xây dựng nhiều công trình từ thiện, nuôi dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng ở P.7, Q.Gò Vấp nơi gia đình bà sinh sống nhiều năm trước. Dự kiến trong năm 2015, công trình nâng cấp, xây dựng Nhà Văn hóa KP.1 (P.7, Q.Tân Bình) thành nơi điều trị bệnh cho người nghèo sẽ khởi công, kinh phí xây dựng từ nguồn hỗ trợ của cá nhân, bạn bè và người thân. 

Về nơi ở mới (KP.1, P.7, Q.Tân Bình), bà Lan cũng tích cực với các hoạt động phong trào, từ thiện, chương trình đền ơn đáp nghĩa và các công trình phục vụ dân sinh. Con hẻm “xương cá” 1111 nhiều năm nay là đường đất nhếch nhác, nhiều đoạn lọt lòng chỉ hai gang tay cũng đã được bà tích cực vận động đóng góp kinh phí nâng cấp. Cũng tại con hẻm này, bà Lan đóng góp 15 triệu đồng để chống dột cho nhà ông Trần Văn Tiếu đang mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối.

Bà Phạm Hồng Thắm, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban điều hành KP.1 thông tin: “KP.1 có 10 tổ với 607 hộ, trong đó có đến 6 tổ nghèo. Kinh phí nâng cấp hẻm 1111 từ tiền Nhà nước và nhân dân đóng góp nhưng hầu hết các gia đình khó khăn, theo chị Lan là không nên thu tiền của người dân. Số tiền đó chị Lan đóng góp bên cạnh vận động từ nguồn khác. Trước đây, việc chấp hành chủ trương của Đảng và Nhà nước của người dân còn hạn chế nhưng nay đã thay đổi hoàn toàn nhờ những việc làm thiết thực của chị Lan”.

Vừa nuôi heo vừa lên lớp

Có quãng bà Lan dạy bổ túc văn hóa ở Q.Gò Vấp. Bà còn mở lớp học tại nhà dành cho những ai không có điều kiện đến trường. “Suốt 9 năm xóa nạn mù chữ, thù lao mỗi tháng vài đồng dành hết mua sách cho học trò nghèo”, bà Lan nhớ lại. Ngoài xây dựng nhà tình thương cho người nghèo, bà Lan cũng là mạnh thường quân của nhiều chương trình học bổng do địa phương, Trung ương phát động. Năm học 2015-2016 là năm học kết thúc học bổng khuyến tài 5 năm do bà ủng hộ (2 triệu đồng/năm) cho một học sinh ở P.15, Q.Gò Vấp.

Đoạn đời bà Lan quá nhiều chông chênh nhưng đến thời điểm này là một đoạn kết có hậu. Như bà nói, chừng tuổi này không bệnh tật gì đã là may mắn. Trước đó, bà cũng đã tìm gặp được cha là thiếu tướng quân đội sau nhiều năm không tin tức. Bao năm vất vả làm lụng vì tương lai con, nay con cũng đã tạo dựng sự nghiệp. Con trai bà là GS.TS y khoa, hiện đang nắm giữ vị trí quan trọng tại Bệnh viện Hùng Vương. Bà cũng rất đỗi tự hào về người con dâu thảo hiền đang công tác tại Bệnh viện Từ Dũ và các cháu nội hiếu thảo.

Hơn 40 năm với công việc thiện nguyện, bà Lan vinh dự nhận nhiều bằng bằng khen, huân chương, kỷ niệm chương của các cấp…

Bài, ảnh: Trần Tuy An

Quãng đời đầy nước mắt

Nguyễn Thị Lan không có quãng tuổi thơ đúng nghĩa: Mồ côi mẹ lúc 4 tháng tuổi. Bố tham gia cách mạng từ lúc Lan chưa ra đời, đến nhiều năm sau này mới tìm gặp được. Lên 10 tuổi theo bà ngoại từ Hải Hưng (nay là Hải Dương và Hưng Yên) vào Nam sinh sống… 

Tuổi đôi mươi, bà Lan lập gia đình và có với nhau hai mặt con. Hạnh phúc đong đầy dẫu cuộc sống đôi bờ thiếu đủ thì chồng đi nước ngoài, cũng từ đó họ không có tin tức gì về nhau. Bất lực trước nỗi đau kéo về hàng đêm, sự chờ đợi, thủy chung khiến tuổi xuân của người mẹ trẻ chóng qua. Đối mặt với thực tại, bà nuốt nước mắt vào trong, một nách hai con với đủ nghề để nuôi con ăn học. Cuộc sống lại quá khắc nghiệt với bà. Thêm nỗi đau nữa ập đến khi đứa con gái ngoan hiền đang học lớp 2 bỏ bà mà đi vì bệnh sốt xuất huyết.

 

 

Bình luận (0)