Ông Nguyễn Văn Nghĩa với dàn nhạc của trung tâm |
Có một tuổi thơ kém may mắn vì mẹ mất sớm và sống xa quê hương từ năm 10 tuổi nên ông thấu hiểu hoàn cảnh của những trẻ em mồ côi và khuyết tật. Từ tình thương yêu đồng cảm đó, ông đã đến với công tác chăm sóc và giáo dục trẻ em thiệt thòi như một duyên nợ của cuộc đời suốt mấy chục năm qua. Ông là Nguyễn Văn Nghĩa – Giám đốc thường trực Văn phòng 2 Tổ chức Hỗ trợ giáo dục trẻ em thiệt thòi OSEDC Việt Nam tại TP.HCM.
Đến trụ sở Văn phòng 2 Tổ chức hỗ trợ giáo dục trẻ em thiệt thòi OSEDC Việt Nam tại địa chỉ 484/1A đường Hà Huy Giáp, KP.1, P.Thanh Lộc, Q.12, TP.HCM, chúng tôi gặp ông Nghĩa đang cùng một số nhân viên sắp xếp lại bàn ghế, nhạc cụ để tập luyện chuẩn bị cho chương trình giao lưu văn nghệ với đoàn khách đến từ Hàn Quốc.
Lớp học âm nhạc đặc biệt
Nhạc công, diễn viên không phải ai xa lạ mà chính là những trẻ khuyết tật đang được nuôi dưỡng tại đây. Trong từng câu chuyện chia sẻ với chúng tôi, các em không muốn nói nhiều về hoàn cảnh của bản thân mình. Và cũng không cần các em nói nhiều mà chỉ nhìn vào đôi tay co quắp, bàn chân khập khiễng, cặp mắt bị mù ai đã từng đến đây cũng hiểu được nỗi mất mát về thể chất và cả tinh thần của những số phận bất hạnh chung sống dưới mái nhà ân nghĩa này. Người mà các em muốn nhắc đến nhiều nhất chính là bác Nghĩa. Bị khiếm thị từ nhỏ, Nguyễn Thị Nguyệt Như phải sống trong bóng tối với biết bao thiệt thòi. Không còn cách nào khác, em phải từ bỏ quê nghèo Cai Lậy (Tiền Giang) để mong muốn có một tương lai tươi sáng hơn. Vào “mái ấm” bác Nghĩa, Nguyệt Như không chỉ được cơm ăn áo mặc đầy đủ mà còn được học đàn tranh cùng với các bạn bè khác. Ở cùng phòng với Như còn có Vũ Thị Lê Non – một cô bé bị khuyết tật tay chân từ bé tưởng như cuộc đời đã mất hết ý nghĩa khi phải nhờ sự chăm sóc của người khác. Thế nhưng, sau những tháng ngày sống với bạn bè cùng hoàn cảnh, cô bé quê ở tận Bắc Kạn xa xôi đã rũ bỏ được những mặc cảm nghiệt ngã của cuộc đời. Làm bạn với cây đàn T’rưng, đàn đá Lê Non sống lạc quan và tự tin hơn. Dù mới vào đây được vài tháng nhưng chàng trai khiếm thị Nguyễn Quang Thọ, quê ở Phù Mỹ, Bình Định đã được những “nghệ sĩ mù” đi trước như anh Chúc, anh Ước, anh Thăng dạy đàn organ dù chỉ là những bước đi chập chững ban đầu. Niềm vui đó đôi khi các em không nói ra bằng lời mà nhìn vào ánh mắt ai cũng cảm nhận được. Đây cũng chính là niềm hạnh phúc mà ông góp nhặt hàng ngày từ công việc làm đầy ý nghĩa nhân đạo.
Gắn bó bởi duyên nợ cả cuộc đời
Là đứa con trai út của một gia đình quê ở thị xã Hà Đông có 6 người con, mới được 4 tháng tuổi cậu bé Nghĩa đã phải chịu cảnh mồ côi mẹ. Vì quá khát sữa không còn cách nào khác, người chị đầu mới sinh con đành cho bú thép. Theo anh chị vào Sài Gòn lập nghiệp, chàng trai Nguyễn Văn Nghĩa phải kiếm sống bằng nghề dạy học và duyên nợ tham gia hoạt động từ thiện khi gặp được ông Nguyễn Văn Vững tại một cô nhi viện trên đường Nguyễn Thông, Q.3. Tuy không đứng ra nuôi 36 trẻ khuyết tật nhưng thầy giáo Nguyễn Văn Nghĩa đã cùng một số người đi vận động mạnh thường quân để có thêm kinh phí hoạt động. Ngồi trò chuyện dưới bóng cây râm mát trong sân nhà, rót cho khách một ly trà nóng ông Nghĩa vẫn không quên ký ức xa vời đó: “Năm 1964 khi cô nhi viện chuyển về Thạnh Xuân thì tôi có ít điều kiện để đi lại. Thế nhưng, lúc này số lượng trẻ tăng lên gần 300 em nên rất cần người chăm sóc. Dù xa các cháu nhưng tôi vẫn không quên hình ảnh những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi, tay chân còng queo chỉ biết ngồi một chỗ. Thế là chỉ sau một lời ngỏ ý của ông Vững, tôi lại quay về cô nhi viện để tiếp tục sống cùng với từng cảnh ngộ tuổi thơ ngang trái”, ông còn cho biết thêm. Năm 1970 ông Vững đột ngột mất đi để lại đám trẻ bơ vơ như gà mất mẹ, vậy là từ đó ông Nghĩa trở thành ân nhân kế nghiệp người đi trước. Sau ngày miền Nam giải phóng những đứa trẻ cơ nhỡ vẫn được ông cưu mang như con cháu trong gia đình. Thời kỳ này không chỉ được nuôi dưỡng, các cháu ở đây còn được học chữ và học nhạc. Âm nhạc không chỉ thay đổi cuộc đời các em mà còn là cầu nối với các tổ chức trẻ em khuyết tật khác. Trong một lần giao lưu văn nghệ Hội Khuyết tật quần chúng toàn quốc vào năm 1996, ông may mắn gặp được GS.TS Phạm Tất Dong – lúc này là Trưởng ban Tuyên giáo TW kiêm Giám đốc Tổ chức Hỗ trợ giáo dục trẻ em thiệt thòi – OSEDC Việt Nam để thành lập Văn phòng 2 tại TP.HCM. Có thể coi đây là cơ hội thuận lợi nhất để ông Nguyễn Văn Nghĩa có thêm động lực gắn bó bền chặt hơn với hoạt động từ thiện.
|
50 năm theo đuổi công tác thiện nguyện, ông Nguyễn Văn Nghĩa đã có nhiều đóng góp cho các hoạt động xã hội không kể tháng kể ngày. Dù ông không nói ra nhưng khi vào nhà tôi biết ông có rất nhiều huy chương, giấy khen, bằng khen từ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, UBND và Hội Chữ thập đỏ TP.HCM, UBND và Hội Chữ thập đỏ Q.12, kỷ niệm chương vì sự nghiệp nhân đạo, Hội Khuyến học Việt Nam, Tổ chức OSEDC Việt Nam… Nhưng hạnh phúc lớn nhất của cả đời ông – tôi biết – là thấy những đứa trẻ tật nguyền trưởng thành và lớn khôn như tuổi thơ của ông và bao số phận khác. Đã ngoài 70, sức khỏe không còn như xưa nên ông Nghĩa chỉ mong sẽ có thật nhiều mái ấm từ những tấm lòng bao dung để cứu rỗi hết những mảnh đời trẻ thơ bất hạnh trên cuộc đời này.
Bài, ảnh: Hương Thủy
50 năm theo đuổi công tác thiện nguyện, ông Nguyễn Văn Nghĩa đã có nhiều đóng góp cho các hoạt động xã hội không kể tháng kể ngày. Dù ông không nói ra nhưng khi đến nhà, chúng tôi nhìn thấy rất nhiều huy chương, giấy khen, bằng khen từ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, UBND và Hội Chữ thập đỏ TP.HCM, UBND và Hội Chữ thập đỏ Q.12, kỷ niệm chương Vì sự nghiệp nhân đạo, Hội Khuyến học Việt Nam, Tổ chức OSEDC Việt Nam… |
Bình luận (0)