|
Không ngại bệnh tật dơ bẩn, yêu thương trại viên như chính ba mẹ mình là đức tính nổi bật của cô nhân viên y tế Nguyễn Ngọc Thùy – hiện đang công tác tại Trung tâm Nuôi dưỡng và bảo trợ người tàn tật Thạnh Lộc, Q.12, TP.HCM.
Có thể nói, không có việc gì mà không đến tay những nữ nhân viên y tế đang ngày đêm chăm sóc và nuôi dưỡng những số phận cô đơn già cả tại một địa chỉ đầy lòng nhân ái và sự cưu mang, trong đó có bông hoa tiêu biểu Nguyễn Ngọc Thùy.
Âm thầm làm việc
Khi chúng tôi xuống thăm khu bại liệt nữ thì thấy các cụ già vừa mới thức dậy sau một đêm dài. Một số người tạm khỏe mạnh thì tự đứng dậy đi vệ sinh cá nhân, nhưng phần đông ở đây là các cụ chỉ ngồi một chỗ để chờ nhân viên y tế đến chăm sóc cho từng bệnh nhân. Như thói quen hàng ngày, các cô nhân viên lấy từng chiếc khăn đã được giặt nước ấm lau sạch cho từng người. Sự chăm sóc tận tình của họ khiến những người chứng kiến liên tưởng đây là những đứa con đứa cháu đang chăm sóc cha mẹ, ông bà mình. Ngọc Thùy cũng vừa chăm sóc một bà cụ đã ngoài 80 tuổi vào đây nhiều năm nay vì không còn ai thân thích nữa cả. Khi thấy giường bên cạnh đồng nghiệp đang dìu trại viên vào phòng vệ sinh, cô nhanh nhẹn bỏ tất cả mọi thứ xuống rồi vội vàng chạy đến phụ giúp tận tình. Đây không chỉ là lần đầu tiên người nữ nhân viên 30 tuổi nhiệt tình “chia lửa” với mọi người mỗi khi cần được sự giúp đỡ. Đúng như nhận xét của Ban Giám đốc trung tâm, Thùy là một trong những nhân viên y tế có đức tính chăm chỉ, chịu khó và tận tâm nhất. Không có việc gì giao cho mà Thùy từ chối và khi đã nhận lời thì cô tìm mọi cách làm tốt phần việc của mình. Mỗi buổi sáng đúng vào ca trực sau khi vào trại, cô đứng quan sát toàn bộ từng phòng mình phụ trách xem cụ nào có mệt mỏi hay thái độ gì bất thường không. Giữa những bộ đồ màu hồng của bệnh nhân, bộ đồ màu xanh của Thùy nổi bật lên không phải bằng màu sắc mà bằng công việc chăm chút tỉ mỉ của mình. Nếu như có người mới vào làm còn ngại ngùng trong việc thay đồ, đổ bô, cọ rửa giường, dọn vệ sinh bồn cầu… thì ngay từ khi còn là “lính mới” cô chẳng chút nề hà. Thùy chia sẻ: “Ngay cả tắm nước nóng bằng năng lượng mặt trời không phải cụ nào cũng nghe lời. Kỳ cọ cho sạch đôi khi các cụ cũng kêu đau hoặc khó chịu, lúc đó mình chỉ biết nhẹ lời khuyên nhủ mà thôi”. Cũng theo cô, chuyện tiêu tiểu bất thường hiếm khi xảy ra vì ban đêm đã có người trực nhưng lâu lâu cũng có vài cụ thiếu làm chủ nên lại làm khổ chị em nhân viên phải thu dọn từng “bãi chiến trường” một. Giây phút thanh thản nhất là khi đưa các cụ ra sân tắm nắng, thế nhưng nhiều cụ không chịu tập thể dục theo hướng dẫn của nhân viên. Người già là “trẻ con lần thứ hai” nên đôi khi cô phải dỗ ngọt, thủ thỉ họ mới xiêu lòng. Có cụ nói ra có cụ không nói ra nhưng ai cũng có cảm tình thật sự với cô nhân viên có dáng người nhỏ nhắn nước da ngăm đen nhưng hiền lành và hay làm. Vì thế, dù có người không thuyết phục được nhưng đến tay Thùy, cụ bà nào cũng ngoan ngoãn theo lời.
Kiên nhẫn và yêu thương
Nguyễn Ngọc Thùy đang chăm sóc bệnh nhân tại khu bại liệt nữ |
Việc ăn uống ở đây tưởng như đơn giản nhưng thực ra không phải như vậy. Cũng như các chị em khác, Thùy phải ngồi cả tiếng đồng hồ chỉ để bón một chén cơm cho người bệnh vì thế nếu thiếu lòng kiên nhẫn thì khó ai mà bám trụ được nơi này. Chứng kiến Thùy xúc từng muỗng cơm vào miệng cho một cụ bà rất khéo mới thấy rằng ngoài tình yêu thương phải có thêm kỹ năng chăm sóc thuần thục mới “về đích” được mỹ mãn. Cũng theo đề xuất của Thùy và các nhân viên, sau đó thức ăn được xay nhuyễn để dành vé ưu tiên đặc biệt cho các cụ quá yếu quá già mất hết răng để nhai.
Đối với khu bại liệt, nghỉ trưa và chiều là thời gian yên tĩnh nhất thế nhưng chị em nhân viên vẫn không được ngả lưng vì phải trông coi các cụ xem thử có chuyện gì xảy ra hay không. Mặc dù không có những tiếng la hét như khu bại não nhưng thỉnh thoảng lại có những tiếng khóc cất lên bất chợt mà theo Thùy tâm sự là một vài cụ đã lẫn, trí tuệ không còn minh mẫn nữa. Khi được hỏi tại sao Thùy không e ngại bất cứ việc gì ở trong trung tâm này, cô gái quê miệt Vĩnh Long trả lời bằng một suy nghĩ thật đơn giản: “Là người đã có gia đình và đang sống chung bên nhà chồng nên em coi việc chăm sóc các cụ cũng giống như chăm sóc mẹ chồng bây giờ và mẹ ruột mình trước đây. Khi đã đi làm thì ai cũng phải chăm chỉ làm việc, yêu nghề, yêu người nhưng ở đây còn phải có nhiệt huyết, kiên nhẫn, chịu đựng được tất cả những áp lực của công việc”.
Bài, ảnh: Hương Thủy
Với những phẩm chất đó, sau 6 năm gắn bó với nghề, vừa qua Thùy đã được Ban Giám đốc tin tưởng cử đi học thêm lớp trung cấp công tác xã hội để trở thành người cán bộ có nhiều đóng góp hơn cho đơn vị. Cô thấy đó cũng là một phần thưởng rất đáng quý cho mình. |
Bình luận (0)