Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Tỏa sáng “vầng trăng khuyết”

Tạp Chí Giáo Dục

Nguyễn Thị Hòa, sinh viên năm nhất ngành xã hội học, ĐH KHXH – NV TP.HCM

Người bình thường đến với giảng đường đại học là cả một hành trình dài, còn với những người khuyết tật, quá trình đó lại càng khó khăn hơn nhiều. Người khuyết tật vốn chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống nhưng mơ ước được chiếm lĩnh tri thức đã thúc đẩy họ đến với giảng đường.
Gian nan đường đến giảng đường
Bây giờ khi Đinh Thị Lý đã trở thành sinh viên năm nhất Khoa CNTT (Trường ĐH KHTN TP.HCM) mọi người trong gia đình vẫn còn chưa tin được nghị lực phi thường của em. Bởi một lẽ, lúc sinh ra Lý đã mang trên mình một cơ thể không bình thường như bao đứa trẻ khác. 
Lý kể: “Những ngày còn là học sinh, việc đi học của em vất vả lắm, ngày nào bố mẹ và các anh chị cũng thay phiên nhau đưa đi, đón về. Đến khi lớn hơn một chút, có nhiều bạn hơn nhưng mọi người cũng giúp em rất nhiều”. Mùa đông – cái rét cắt da cắt thịt của miền Bắc – những đoạn đường lầy lội sau cơn mưa không là trở ngại cho em đến trường. Ngày nào không đến được trường là ngày đó Lý cảm thấy bồn chồn khó chịu, vì vậy cho dù vất vả, khổ cực nhưng ít khi em vắng mặt ở lớp. Trong suốt những năm học tiểu học và THCS em luôn là học sinh khá giỏi, nhận được nhiều bằng khen cấp huyện, cấp tỉnh. Yêu thích môn văn (từng đứng thứ 3 toàn trường về môn văn) nhưng em lại chọn ngành công nghệ thông tin để gắn bó với mình. Lý tâm sự: “Em thích làm văn, thích trở thành một phóng viên nhưng em biết mình không thể đi lại như những người bình thường khác nên em đã chọn công nghệ thông tin. Ngành này không phải đi lại nhiều nhưng em có thể khám phá cả thể giới bằng chiếc máy tính”.
Tôi đã thật sự bất ngờ khi em từ tỉnh Hải Dương lặn lội gần 2.000 km để vào TP.HCM học. Bước chân vào giảng đường ĐH, người vẫn luôn kề vai sát cánh cùng em là mẹ. Bỏ lại công việc nhà cửa, đồng án ở quê, mẹ đã theo em vào Sài Gòn để giúp em ngày ngày được đến trường. Thấy bản thân em tật nguyền, yếu ớt nhưng ham học hỏi, mặc dù còn thiếu phòng cho sinh viên nhưng Ban Quản lý ký túc xá ĐHQG TP.HCM đã ưu ái cho hai mẹ con một căn phòng riêng. Hàng ngày em đến trường còn mẹ đến phụ giúp các cô ở căng tin trong ký túc để có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống của hai mẹ con. Dù bản thân bị khuyết tật, chỉ cao khoảng 1m nhưng Lý không có vẻ tự ti mà thay vào đó là những nụ cười tự tin, hạnh phúc. Với tính cách vui vẻ, dễ hòa đồng, đi đến đâu Lý cũng thu hút được sự chú ý của nhiều người. Em tâm sự: “Tốt nghiệp ĐH, nếu có điều kiện em sẽ học tiếp lên cao học. Em nghĩ, đối với bản thân những người tật nguyền như em, ai cũng mong muốn được học tập, được tự lo cho cuộc sống của mình nhưng phần lớn hoàn cảnh đã không thể cho họ tiếp tục đến trường. Còn đối với em, cuộc sống may mắn hơn nên càng phải cố gắng để hoàn thiện mình”.
Học để giúp những người cùng cảnh ngộ

Đinh Thị Lý, sinh viên năm nhất ngành công nghệ thông tin, ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM

Đang là một học sinh bình thường như bao người khác thì tai nạn ập đến với Nguyễn Thị Hòa – sinh viên ngành xã hội học Trường ĐH KHXH – NV TP.HCM. Những ngày tháng bận bịu với kỳ thi ĐH đã choán hết thời gian, đôi mắt bị nhức nhưng em không có thời gian đi khám bác sĩ. Kỳ thi ĐH năm 2002 kết thúc cũng chính là lúc Hòa phải đối mặt với nỗi đau của một người khiếm thị.
Đau khổ vì những mất mát đến với mình quá sớm nên em đã tự giam mình trong nhà suốt hai năm liền. Hòa kể: “Em đã trốn biệt trong nhà, hai năm liền bạn bè đến thăm nhưng không hề thấy mặt em”. Nhưng thấy mẹ một mình vất vả gánh vác chuyện gia đình, bản thân em bắt đầu có ý nghĩ phải làm lại cuộc đời, tuy bị khiếm thị nhưng không có nghĩa là em bị mất tất cả. Vì thế, sau nhiều lần suy nghĩ, Hòa đã đến sinh hoạt tại Hội người mù tỉnh Hải Dương. Thấy hoàn cảnh gia đình em khó khăn, bố mất lúc em còn nhỏ, một mình mẹ nuôi 3 chị em ăn học nên em được các thầy giới thiệu vào Mái ấm Thiên Ân ở TP.HCM để học nghề.
Trong 3 năm ở mái ấm, em đã được mọi người giúp đỡ và tận tình dạy bảo để làm một người thợ mat-xa giỏi. Hiện nay, em đang là giáo viên hướng dẫn, truyền nghề cho những em khuyết tật mới vào Mái ấm Thiên Ân. Hòa kể: “Sau khi vào mái ấm, thấy mọi người đều bị khuyết tật nhưng ai cũng chăm chỉ học tập. Thế là sau 8 năm xếp bút, em cũng bắt đầu lấy sách vở ra ôn thi. Ban đầu em nghĩ mình học để biết thôi chứ thi sẽ không đạt nhưng được anh chị em trong mái ấm động viên, em có thêm rất nhiều niềm hi vọng”. Đã lâu không cầm bút, mọi kiến thức cũng đã quên gần hết nhưng bằng nghị lực và sự động viên của những người xung quanh, Hòa đã thi đỗ vào ĐH tại chức với số điểm khá cao (21 điểm).
Hiện nay, ngày ngày Hòa vẫn là một giáo viên ở Mái ấm Thiên Ân, tối đến em lại đón xe buýt đến trường nhưng trông em không có chút mệt mỏi. “Bây giờ, em đã xóa tan được nỗi mặc cảm trong mình để tiếp tục học tập và nuôi dưỡng ước mơ cho mình. Kể từ khi được mọi người giúp đỡ, em luôn tự nhủ mình phải cố gắng làm một cái gì đó để giúp những người khác cùng cảnh ngộ. Vì vậy, em đã thi vào ngành xã hội học với mong muốn sau này em sẽ được làm việc ở một tổ chức từ thiện” – Hòa bộc bạch.
Mỹ BÌNH

Bình luận (0)