Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Toán cao cấp có cần thiết trong chương trình đại học?

Tạp Chí Giáo Dục

Theo định kỳ, các trường ĐH rà soát điều chỉnh và cập nhật chương trình đào tạo để bám sát với yêu cầu thực tế. Mục tiêu nhằm đào tạo ra thế hệ người học có kiến thức, kỹ năng và thái độ phù hợp với yêu cầu nhà tuyển dụng.

Nhiều điều chỉnh của chương trình đào tạo bậc ĐH hiện nay liên quan đến học phần toán học.
Sinh viên Trường ĐH Tài chính – Marketing. Trường này sẽ cải tiến mạnh mẽ chương trình học của sinh viên các ngành.. ĐÀO NGỌC THẠCH
Bỏ toán cao cấp, tin học ứng dụng

Mới đây, Trường ĐH Tài chính – Marketing công bố dự thảo điều chỉnh chương trình đào tạo bậc ĐH để lấy ý kiến các bên liên quan, trong đó có nhà tuyển dụng. Theo dự thảo này, trường sẽ cải tiến mạnh mẽ chương trình học của sinh viên các ngành. Chia sẻ trong buổi hội thảo công bố chương trình mới, PGS-TS Phan Thị Hằng Nga, Trưởng phòng Quản lý khoa học trường này, cho biết chương trình đào tạo bậc ĐH của trường dự kiến tăng 2 tín chỉ so với hiện hành, lên 122 tín chỉ. Tuy nhiên, sẽ có sự điều chỉnh lớn trong từng khối kiến thức cụ thể của toàn chương trình.

Đáng chú ý, PGS Hằng Nga cho hay trong các học phần khối kiến thức đại cương, chương trình giảm từ 34 xuống còn 26 tín chỉ. Theo đó, trường cắt bỏ học phần tiếng Anh tổng quát và chỉ đào tạo tiếng Anh chuyên ngành. Đồng thời, trường cũng không đào tạo học phần toán cao cấp và tin học ứng dụng vì cho rằng học sinh đã được học ở bậc phổ thông. Thay vào đó, để đáp ứng vị trí việc làm trong điều kiện hiện nay, trường dự kiến thay học phần toán cao cấp bằng toán kinh tế; thay tin học ứng dụng bằng năng lực số.

Lý giải, PGS Hằng Nga cho biết: "Đây là những nội dung kiến thức các sinh viên đã được giảng dạy và tiếp thu ở bậc phổ thông".

Ở khối kiến thức cơ sở ngành, chương trình dự kiến thêm các học phần mới như: khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, trí tuệ nhân tạo trong kinh doanh. Đồng thời, bổ sung học phần tài chính công, hành vi khách hàng, phân tích dữ liệu kinh doanh vào phần kiến thức ngành. Với việc điều chỉnh trên, học phần toán cao cấp được bỏ ra khỏi chương trình đào tạo.

Tương tự, Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng bỏ toán cao cấp, thay thế bằng học phần toán kinh tế. Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Học viện Hàng không VN hiện cũng không giảng dạy học phần toán cao cấp trong chương trình ĐH.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho hay: "Từ năm 2014 trở về trước, chương trình đào tạo của trường có môn toán cao cấp, nhưng từ năm 2015 đến nay toán cao cấp được thay thế bằng các môn đại số tuyến tính, giải tích, đại số tuyến tính và giải tích. Điều này nhằm giúp các đơn vị đào tạo của trường có thể chủ động lựa chọn theo yêu cầu ngành học, giúp sinh viên được trang bị kiến thức toán học phù hợp và có tính ứng dụng cao với ngành nghề và công việc sau này. Chẳng hạn các ngành khối kinh tế – quản trị thường chọn môn đại số tuyến tính, các ngành kỹ thuật – công nghệ thường chọn giải tích, còn những ngành học cần trang bị cho sinh viên cả hai lĩnh vực này thì có thể chọn môn đại số tuyến tính và giải tích".

Điều chỉnh linh hoạt nội dung toán học

Năm 2021, Trường ĐH Nha Trang đã rà soát và cập nhật chương trình đào tạo với nhiều cải tiến các học phần đại cương tổng quát chung, đặc biệt liên quan đến toán cao cấp. Theo tiến sĩ Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, nội dung toán học đã được điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực khác nhau.

Đáng chú ý, sự điều chỉnh này yêu cầu kiến thức toán học tăng giảm khác nhau tùy theo lĩnh vực đào tạo. Tiến sĩ Phương cho biết: "Trước đây chương trình giáo dục tổng quát chỉ có 2 học phần về toán: đại số tuyến tính và giải tích với 5 tín chỉ. Chương trình hiện hành có 3 học phần toán 1, 2, 3 với tổng cộng 8 tín chỉ. Tuy nhiên, chỉ sinh viên nhóm ngành kỹ thuật và công nghệ mới bắt buộc học đủ 3 học phần. Khối ngành kinh tế chỉ bắt buộc một học phần và sinh viên ngành du lịch, ngoại ngữ, luật không bắt buộc học toán".

"Như vậy, với việc điều chỉnh này, sinh viên kỹ thuật công nghệ phải học tăng thêm 3 tín chỉ về toán, nhưng giảm với các ngành khác. Riêng với ngành kỹ thuật, ngoài các học phần toán đại cương còn có thêm toán ứng dụng theo từng ngành. Trường không gọi tên học phần là toán cao cấp nhưng các học phần này được xây trên nền tảng toán cao cấp và toán ứng dụng theo đặc thù các ngành", tiến sĩ Phương thông tin.

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM học kiến thức môn toán với thời lượng khác nhau tùy khối ngành. NGỌC DƯƠNG

Bồi dưỡng kiến thức toán cho sinh viên kỹ thuật

"Kiến thức toán cao cấp luôn là học phần bắt buộc, quan trọng cho mọi sinh viên", tiến sĩ Hải khẳng định. Do đó, theo tiến Hải, trước đây các ngành lĩnh vực kỹ thuật, xây dựng, công nghệ, máy tính và công nghệ thông tin trường bồi dưỡng thêm kiến thức toán cho người học. Nhưng trong những lần xây dựng chương trình đào tạo mới, trường đã tăng thêm ít nhất 2 tín chỉ môn toán cao cấp cho sinh viên trong chương trình đào tạo của các ngành này. "Cách làm này của trường nhằm đảm bảo mọi sinh viên phải có tư duy logic, toán học để theo học tốt chương trình", tiến sĩ Thanh Hải nói thêm.

Trước đây, trong chương trình đại cương Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM sinh viên tất cả các ngành của trường đều học 2 học phần toán với tổng số 4 tín chỉ. Nhưng hiện sinh viên khối ngành kinh tế chỉ học 1 môn toán cao cấp với 3 tín chỉ (giảm 1 tín chỉ so với trước đây) và khối ngành kỹ thuật giữ nguyên 4 tín chỉ như cũ. Ngoài học phần toán cao cấp trên, sinh viên các ngành học thêm các học phần toán ứng dụng liên quan đến chuyên ngành. Trong đó, sinh viên kỹ thuật sẽ học thêm 7 – 10 tín chỉ toán ứng dụng và có tổng 14 tín chỉ liên quan đến toán; sinh viên kinh tế khoảng 6 – 9 tín chỉ toán. 

Nói về các con số trên, tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo trường này, cho biết quan điểm xây dựng chương trình đào tạo của trường nhằm đảm bảo kiến thức nền cho sinh viên. "Trong đó, kiến thức toán là cần thiết nhưng thời lượng giảng dạy sẽ khác nhau tùy khối ngành", vị tiến sĩ này nhấn mạnh. (còn tiếp)

Chương trình đào tạo phải được rà soát, chỉnh sửa, cập nhật định kỳ

Theo Thông tư 17/2021 của Bộ GD-ĐT quy định về chuẩn chương trình đào tạo, xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH, chương trình đào tạo ĐH gồm 120 tín chỉ, cộng với khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng – an ninh theo quy định hiện hành. Chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7 gồm 150 tín chỉ, cộng với khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng – an ninh theo quy định hiện hành; hoặc 30 tín chỉ đối với người có trình độ ĐH thuộc cùng nhóm ngành. Chuẩn chương trình đào tạo phải được rà soát, chỉnh sửa, cập nhật định kỳ ít nhất một lần trong 5 năm.

Thông tư quy định cụ thể về yêu cầu đối với chương trình đào tạo: Đáp ứng các yêu cầu theo chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH theo quy định, chuẩn chương trình đào tạo của các ngành, khối ngành (nếu có) và khung trình độ quốc gia VN; thể hiện rõ khả năng góp phần đáp ứng nhu cầu nhân lực theo kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của ngành, địa phương, quốc gia và nhu cầu của thị trường lao động… Đáng chú ý, chương trình cần được thiết kế dựa trên chuẩn đầu ra; phải tích hợp giảng dạy kỹ năng với kiến thức; phải có ma trận các môn học hoặc học phần với chuẩn đầu ra, bảo đảm chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo được phân bổ và truyền tải đầy đủ thành chuẩn đầu ra của các môn học hoặc học phần.

Theo Hà Ánh/TNO

 

Bình luận (0)