Nhằm tăng cường kiến thức và kỹ năng phòng chống đuối nước (PCĐN) cho trẻ em và cộng đồng, sáng 1-6, UBND TP.HCM đã tổ chức lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi PCĐN năm 2019 cấp thành phố tại CLB Bơi lặn Phú Thọ (quận 11), thu hút 1.867 người tham gia.
TP.HCM tăng cường dạy bơi và kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em và cộng đồng
PCĐN và bảo vệ sức khỏe
Với sự tham gia của đông đảo lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên chức, người lao động và các vận động viên bơi chuyên nghiệp đến từ các đội bơi của TP.HCM, lễ phát động đã diễn ra trong không khí sôi nổi với các phần hướng dẫn trực quan về kỹ năng bơi, kỹ năng cứu đuối nước và trao tặng tài liệu bổ ích về kỹ năng học bơi, PCĐN cho người lớn và trẻ em. Dịp này, ban tổ chức đã cấp chứng chỉ kỹ năng bơi cơ bản với cự ly 50 mét cho hơn 1.009 người đăng ký tham gia bơi, nhằm vận động người dân tích cực tham gia phong trào bơi lội trên toàn địa bàn thành phố. Đặc biệt trong số những người tham gia bơi lội có cả tuổi mầm non và cao niên.
Đặc biệt trong số các thành viên đội bơi cao niên tham gia lễ phát động, có ông Vũ Nga (91 tuổi) là người cao tuổi nhất. Ông Nga cho biết bắt đầu tập bơi vào năm 70 tuổi, khi mới về hưu, đó cũng là lúc hồ bơi Nguyễn Tri Phương (quận 10) khánh thành và đi vào hoạt động. Từ đó đến nay, ngày nào ông cũng tập luyện vào lúc 5 giờ sáng. Trái ngọt của quá trình tập luyện không chỉ cho ông Nga sức khỏe bền bỉ, mà còn đem về nhiều tấm huy chương ở các cuộc thi trong và ngoài nước. Ông Nga khẳng định: “Không phải nhờ sức khỏe tốt mà tôi mới bơi được ở tuổi này, mà phải nói là nhờ bơi lội mà tôi mới duy trì được sức khỏe như ngày hôm nay”. Tương tự, một thành viên khác trong đội tuyển người cao tuổi là bà Nguyễn Thị Kim (85 tuổi) cũng đạt 1 HCV (cá nhân) và 1 HCĐ (đồng đội tiếp sức) tại cuộc thi trên. Nhận thấy lợi ích của môn bơi, bà Kim đã vận động 12 thành viên trong gia đình học bơi và rèn luyện, tính đến nay đã có đến 5 vận động viên bơi lội.
Là phụ huynh của em Khoa Năng Đạt (học sinh lớp 8 Trường THCS Kiến Thiết, quận 3), ông Khoa Năng Lưu rất ủng hộ việc phát động toàn dân tập bơi, nhất là việc trang bị kỹ năng bơi và PCĐN cho trẻ em. Theo ông Lưu, đây là cách giúp trẻ tự vệ bằng những kỹ năng sinh tồn cần thiết trong cuộc sống, tránh những trường hợp đau lòng xảy ra do đuối nước, vì trong học tập cũng như vui chơi đôi khi cha mẹ không thể giám sát con hoàn toàn. Đó là lý do ông cho con trai học bơi hơn một năm qua, và điều đáng mừng là con ông đã được cải thiện rất nhiều về sức khỏe, ăn ngủ và học tập tốt hơn rất nhiều so với trước.
Triển khai chương trình bơi an toàn cho trẻ em
Khẳng định tầm quan trọng của môn bơi và kỹ năng PCĐN, ông Huỳnh Thanh Nhân (Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM) lưu ý, đuối nước là tác nhân gây tử vong cao ở trẻ em và người vị thành niên tại Việt Nam. Trong thời gian qua, tình trạng trẻ em bơi giỏi mà vẫn đuối nước, hoặc tai nạn đuối nước tập thể do không biết cách phòng tránh, không biết cách cứu đuối vẫn xảy ra ở nhiều địa phương. Bên cạnh nguyên nhân do thiếu cơ sở vật chất trang thiết bị dạy bơi khiến trẻ em không được phổ cập kỹ năng bơi và PCĐN, tai nạn đuối nước xảy ra còn do sự bất cẩn, thiếu sự giám sát của người lớn, do thiên tai bão lũ hoặc do trẻ chưa thực hiện đúng quy định khi tham gia giao thông đường thủy.
Ông Huỳnh Thanh Nhân (Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM) khẳng định: “Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi PCĐN năm 2019 là dịp để nhắc nhở, phát huy vai trò và trách nhiệm của các cấp ngành, gia đình, nhà trường và toàn xã hội trong việc phát triển phong trào bơi lội, học bơi và PCĐN, góp phần từng bước giảm tai nạn đuối nước ở trẻ em. Mong rằng thông qua lễ phát động này, nhân dân thành phố sẽ tích cực tập luyện thể dục thể thao nói chung và môn bơi nói riêng, nhằm góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực, phòng chống bệnh tật, giảm thiểu nạn đuối nước ở trẻ em và cộng đồng, để đuối nước không còn là nỗi đau của gia đình và xã hội”. |
Để đuối nước không còn là nỗi đau của các gia đình và xã hội, ông Huỳnh Thanh Nhân đề nghị: “Các sở ngành, chính quyền địa phương cần quan tâm phát triển môn bơi, coi môn bơi là một phương tiện hữu hiệu nhằm phát triển thể lực, tầm vóc và PCĐN ở trẻ em cũng như cộng đồng. Để làm được điều này, các địa phương cần bố trí kinh phí triển khai chương trình bơi an toàn PCĐN trong nguồn ngân sách hàng năm; tập trung cải thiện cơ sở vật chất tại các hồ bơi hiện hữu; vận động các tổ chức, cá nhân chung tay góp sức đầu tư xây dựng hồ bơi tại các xã phường, thị trấn, trường học; ưu tiên miễn giảm tiền thuê hồ bơi và học phí, nhằm tạo điều kiện cho trẻ em cũng như học sinh được học bơi và tập luyện. Đồng thời tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn đối với các cơ sở, tổ chức bơi lặn, các hoạt động vui chơi giải trí dưới nước trên địa bàn để đảm bảo an toàn cho các em”.
Bài, ảnh: Bích Vân
Bình luận (0)