Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Toàn người hàn lâm lại kém về cải cách hành chính”

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nói như trên tại hội nghị về cải cách hành chính của ngành y tế hôm 23-12 ở Hà Nội.

Mục tiêu cải cách hành chính trong năm 2016 của ngành y tế là làm người bệnh hài lòng. Trong ảnh: bệnh nhân bảo hiểm y tế chờ khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Q.Bình Thạnh (TP.HCM) Ảnh: Hữu Khoa
Mục tiêu cải cách hành chính trong năm 2016 của ngành y tế là làm người bệnh hài lòng. Trong ảnh: bệnh nhân bảo hiểm y tế chờ khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Q.Bình Thạnh (TP.HCM) Ảnh: Hữu Khoa

Theo kết quả chấm điểm gần nhất (năm 2014), Bộ Y tế đang xếp thứ 17/19 bộ ngành về chỉ số cải cách hành chính, thấp hơn cả năm 2013 khi Bộ Y tế xếp thứ 16/19 bộ ngành.

Tại hội nghị nói trên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đặt câu hỏi: “Vào ngành y yêu cầu điểm cao nhất trong tất cả các ngành, vì sao toàn người hàn lâm lại kém về cải cách thủ tục hành chính?”.

Theo lý giải của ông Phạm Văn Tác – vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế, lý do ngành y tế bị trừ nhiều điểm, dẫn tới xếp hạng thấp về cải cách thủ tục hành chính năm 2014 là các cục vụ trực thuộc bộ đều chưa phê duyệt đề án vị trí việc làm cho từng cán bộ, ngay Vụ Tổ chức cán bộ cũng chưa phê duyệt được, đến năm 2015 này mới có.

Ngoài ra, ngành y tế cũng bị trừ nhiều điểm về chậm đổi mới cơ chế tài chính ở cơ quan công lập. Đặc biệt, ở yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ, ngành y tế chỉ đạt 9,01/16,5 điểm tối đa, xếp thứ 14/19 bộ ngành, trong khi năm 2013 xếp thứ 4/19 bộ ngành.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Kim Tiến cho biết sau thời gian cải cách hành chính tại cơ sở y tế, thời gian thực hiện các thủ tục đã giảm trung bình 48,5 phút. Qua khảo sát thực tế, có những bệnh viện thời gian giảm cao nhất tới 1/2 so với trước.

“Khi xây dựng các văn bản, rất nhiều quy định là ta tự bó ta. Muốn được cấp chứng chỉ hành nghề cần có lý lịch tư pháp, cộng thêm 18 tháng làm việc tại cơ sở y tế. Hay quy định về bác sĩ gia đình thì cần 18 tháng thực hành ở đơn vị có bác sĩ gia đình, trong khi mình chưa triển khai bác sĩ gia đình thì lấy đâu ra cơ sở có bác sĩ gia đình để thực hành?

Những quy định này đều phải sửa. Có những nơi thanh toán được tiền bảo hiểm y tế cần tới 12 chữ ký… Thi đầu vào y khoa khó nhất, một bộ máy y khoa toàn người hàn lâm mà tư duy cải cách hành chính rất chậm” – bà Tiến chất vấn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, trong năm 2016 ngành y tế sẽ triển khai hàng loạt hoạt động để cải cách thủ tục hành chính, mục tiêu không phải là chạy đua xếp hạng mà quan trọng là người bệnh hài lòng.

Trong đó, các quy định cũ như giám đốc bệnh viện hạng đặc biệt phải là PGS-TS trở lên, bệnh viện thông thường phải bác sĩ chuyên khoa 2 trở lên, hay giám đốc sở y tế phải thông thạo một ngoại ngữ… sẽ phải thay đổi. Cụ thể, thay đổi theo hướng giám đốc bệnh viện không phải là người giỏi nhất về chuyên môn, mà phải thành thạo các nghiệp vụ về quản lý tài chính, cơ sở hạ tầng, quản trị bệnh viện…

“Tìm cả tỉnh mới có người thành thạo ngoại ngữ để làm giám đốc sở, nhưng cải cách hành chính, quản trị bệnh viện, cơ sở hạ tầng… như thế nào thì lại không làm được. Như vậy là bổ nhiệm không hiệu quả” – bà Tiến nói.

20% người được khảo sát có đưa phong bì cho y bác sĩ

Sở Nội vụ tỉnh Đồng Tháp cho biết vừa có báo cáo UBND tỉnh kết quả khảo sát mức độ hài lòng của người dân đối với ngành y tế và giáo dục của tỉnh. Điều đáng quan tâm là ở cả hai lĩnh vực này đều tồn tại vấn nạn phong bì.

Có khoảng 20% bệnh nhân được khảo sát cho biết có đưa phong bì cho bác sĩ, điều dưỡng trong quá trình điều trị tại bệnh viện để được chăm sóc tốt hơn.

Theo Sở Nội vụ Đồng Tháp, kết quả khảo sát này rất đáng tin cậy bởi vì quá trình khảo sát tại sáu bệnh viện lớn trong tỉnh thì gần 68% người được hỏi có trình độ từ tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên…

Kết quả khảo sát cho thấy người dân không hài lòng nhiều nhất là chất lượng khám chữa bệnh và thái độ phục vụ của y bác sĩ…

V.TR.

 

LAN ANH/TTO

 

Bình luận (0)