Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Tốc độ giảm nghèo ở VN không đồng đều và chưa bền vững

Tạp Chí Giáo Dục

“Trong 20 năm qua Việt Nam đã thực hiện thành công giảm nghèo nhưng con số cho thấy vẫn còn 19 triệu người nghèo, trong đó 75% đối tượng cực nghèo là người thiểu số. Ngoài ra, Việt Nam vẫn còn nhiều người thuộc nhóm gần ngưỡng nghèo và luôn có nguy cơ bị rơi trở lại nhóm nghèo.”

Đây là cảnh báo do bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, đưa ra tại Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam 2013 (VDPF-2013). Vấn đề “Giảm nghèo và Giảm nghèo cho vùng dân tộc thiểu số” cũng là một trong hai chủ đề chính được thảo luận tại diễn đàn VDPF lần này.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại VDPF, thành tựu giảm nghèo của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế vinh danh, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm liên tục từ 58% (1993) xuống còn 10%, đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được cải thiện.

Song Việt Nam vẫn đang đứng trước thách thức lớn với tốc độ giảm nghèo không đồng đều, chưa bền vững, có những vùng đặc biệt khó khăn tỷ lệ hộ nghèo lên tới 60-70%. Tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 47% tổng số hộ nghèo trong cả nước, thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước. Khoảng cách chênh lệch giàu nghèo tăng từ 9,2 lần (năm 2010) lên khoảng 9,4-9,5 lần (năm 2012).

Bà Kwakwa chỉ ra một thực tế, mức thu nhập bình quân của nhóm 20% người giàu nhất so với mức thu nhập của 20% người nghèo nhất tăng từ 7-8,5 lần trong giai đoạn 2004-2010.

“Bất bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ cũng đáng quan ngại, mặc dù phạm vi bảo hiểm y tế đã tăng và đạt được tiến bộ trong thực hiện Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, song sự cách biệt về tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh giữa các địa phương cao nhất (Điện Biên) và thấp nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) vẫn là 5 lần, sự khác biệt tỷ lệ này giữa nhóm dân tộc thiểu số và nhóm đa số là 3 lần,” bà Kwakwa dẫn chứng.

Bên cạnh đó, đại diện đến từ Liên hiệp quốc (UNDP) cũng khuyến cáo, một số báo cáo quốc gia và quốc tế đã xác định Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất từ biến đổi khí hậu. Tác động của thảm họa thiên nhiên và các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt là rủi ro rất lớn đối với các hộ gia đình dễ bị tổn thương và đe dọa đẩy họ trở lại đói nghèo.

Phát biểu tại Diễn đàn, đại diện Ủy ban Dân tộc chỉ ra căn nguyên, mặc dù Việt Nam có nhiều chương trình, chính sách nhằm mục tiêu giảm nghèo, nhưng thiếu sự phối hợp hiệu quả. Các phương pháp tiếp cận nghèo hiện còn đơn giản, chưa chú trọng khía cạnh đa dạng về nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian thực hiện các chính sách thì ngắn, thiếu chiến lược, thiếu các chính sách thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ vào cùng dân tộc…

Kiến nghị chính sách từ Báo cáo tham luận của Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam tại Diễn đàn cho rằng, các nhà hoạch định chính sách cần có cách tiếp cận toàn diện hơn đến tình trạng đói nghèo, trong đó phải xem xét cả dưới trạng thái động và tĩnh.

Bên cạnh đó, các cơ quan hoạch định chính sách về phúc lợi và các vấn đề xã hội phải có sự liên kết với các cơ quan hoạch định chính sách thiên về thúc đẩy tăng trưởng, để đưa ra các giải pháp giảm nghèo hiệu quả đồng thời ngăn ngừa được tình trạng tái nghèo.

Thêm vào đó là chính sách thúc đẩy tăng tăng trưởng bao trùm, cụ thể xác định và loại bỏ những cản trở đối với các ngành tạo công ăn việc làm và kế sinh nhai cho người nghèo như nông nghiệp, xây dựng, thương mại và dịch vụ nhỏ…

Ngoài ra, công tác chính sách cần lưu ý đến tính linh hoạt của thị trường lao động nhằm nâng cao tính di động của lao động theo nghề nghiệp và giữa các địa bàn, địa lý khác nhau đồng thời giảm chênh lệch về cơ hội.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, chính sách của Chính phủ về bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân trong những năm tới 2014-2015 sẽ ưu tiên bao gồm, thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, nhất là lao động ở nông thông…; Đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững…; Nâng cao nhận thức trách nhiệm và khuyến khích người dân vươn lên thoát nghèo…; Tạo môi trường sống an toàn, thân thiện, chú trọng công tác gia đình, bảo vệ bà mẹ và trẻ em, bình đẳng giới và giảm mất cân bằng giới tính./.

Hạnh Nguyễn

(Vietnam+)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)