Bà Sang với chiếc thùng chứa một phần xương thịt của con đi tìm công lý |
Phiên tòa kết thúc chỉ sau… 5 phút. Những người dự khán ra về trong hụt hẫng. Phiên tòa không thể tiếp diễn khi bị cáo bị truy tố với bản án cao nhất mà không có vị luật sư nào bào chữa…
Không ai dễ quên hình ảnh một phụ nữ tuổi tầm 60, dáng còm cõi, héo úa, tay khư khư chiếc thùng nhỏ có chứa một phần xương thịt của con bà – những mảnh vỡ hộp sọ – đi tìm công lý cho con, người phụ nữ ấy tên Lê Thị Sang. Theo lịch của tòa, phiên xét xử phúc thẩm vụ án giết con bà ngày 12-5-2010 tại TAND TP.HCM sẽ diễn ra sau một phiên tòa khác. Nghĩa là, có sớm nhất thì cũng tầm giữa trưa tòa mới bắt đầu xét xử. Thế nhưng, ngay từ sáng sớm, bà Sang và những người có liên quan đến vụ việc đã có mặt, ngồi chờ dưới sân tòa.
Bà Sang cho biết: “Nông dân như tôi, suốt ngày bán mặt cho đất biết gì luật pháp đâu, nhưng người ta xử vậy là uất cho gia đình tôi quá!”. Ngược dòng thời gian, trở lại với phiên tòa sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Phước ngày 23-12-2009 xét xử bị cáo Ngô Minh Lâm (sinh năm 1986, quê huyện Bù Đăng, Bình Phước) về tội “giết người”.
Vào khoảng 17 giờ 30 ngày 28-9-2008, Ngô Minh Lâm và Trương Văn Hợi, Phan Văn Dũng (đều sinh năm 1988, huyện Bù Đăng, Bình Phước) cùng nhiều thanh niên khác đến đá bóng tại một trường tiểu học. Trước đây, Hợi và Lâm đã từng có mâu thuẫn. Cũng trong một trận bóng đá, là người thua cuộc nhưng Lâm không chung tiền cho Hợi. Lần này, Hợi và Dũng quyết đuổi đánh Lâm để đòi nợ cũ. Tức tối, Lâm bỏ về nhà anh trai lấy một con rựa với ý định “dạy cho hai đứa một bài học”. Trở lại sân bóng, Lâm bị Dũng điều khiển xe máy lao vào. Cùng lúc này, Lâm cầm rựa chạy tới… Lưỡi dao oan nghiệt trúng vào đầu Dũng.
Theo bản giám định pháp y “vết thương gây khuyết sọ, máu tụ dưới màng cứng thái dương. Di chứng yếu tứ chi, nằm tại chỗ, không nói được, mất 81% sức lao động…”. Sau 5 tháng nằm viện, Dũng sống đời thực vật. Tại phiên sơ thẩm, TAND Bình Phước tuyên án 7 năm tù giam đối với Ngô Minh Lâm, đồng thời bị cáo chịu mức bồi thường hơn 230 triệu đồng cho phía người bị hại… Thế nhưng, đối với bà Sang bản án này chưa thỏa đáng. Bà đề nghị tòa xử phạt bị cáo Ngô Minh Lâm mức án cao nhất: tử hình.
Phiên tòa kết thúc sau 5 phút. Trong những giây phút ngắn ngủi này, tôi đã dành phần nhiều thời gian để quan sát Ngô Minh Lâm. Đó là một thanh niên với gương mặt rất hiền. Đôi mắt của anh, dường như chưa bao giờ nhìn xuống những người dự khán, dù nơi đó có người thân. Bản thân anh chưa từng có tiền án, tiền sự. Và vợ anh, một phụ nữ còn rất trẻ, tay ôm con khóc. Chị kể: “Nhà nghèo khổ, anh đi tù để lại món nợ quá lớn. Mấy lần đi thăm, anh nói rất ăn năn, ước gì sớm ra tù để làm việc đền đắp cho người ta”… Cuộc sống thuộc về người ở lại. Có những khi lòng không đủ bao dung, rộng lượng để thứ tha cho tội ác. Nhưng tội ác được hóa giải không chỉ bởi sự trừng trị của luật pháp mà còn ở tình người với nhau…
Bài, ảnh: Tuyết Dân
Bình luận (0)