Từ trong căn phòng chật hẹp tôi đưa mắt ra ngoài cố tìm kiếm cho mình một chút ánh sáng nhỏ nhoi để thấy đời còn hi vọng. Không gian như vô tình hay chính nó cũng coi thường tôi nên chẳng có lấy một tia sáng mỏng manh nào.
Tôi nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ những người tôi thương yêu. Nhiều lúc tôi ước mình có thể nói cho họ biết tôi yêu quý họ biết nhường nào. Nhưng chưa bao giờ tôi đủ can đảm để làm điều đó. Vì tôi là một đứa chẳng ra gì, tôi còn căm ghét chính tôi thì liệu có ai thương tôi đây?
Là đứa con gái sinh ra, lớn lên ở một tỉnh miền núi nhưng tôi có một cuộc sống đầy đủ và một tuổi thơ hạnh phúc chẳng kém bọn trẻ ở thành thị. Bố mẹ chăm sóc tôi, lo lắng cho tôi từng bữa ăn, giấc ngủ, cho tôi một cuộc sống đầy đủ. Để đáp lại tôi cố gắng học tập và trở thành niềm tự hào, sự kỳ vọng của bố mẹ. Tôi không chăm chỉ nhưng được cái khá thông minh. Kết quả là tôi đỗ đại học một cách nhẹ nhàng, không vất vả như bao bạn bè cùng trang lứa.
Ngày đánh dấu sự thay đổi của tôi chính là ngày tôi xuống Hà Nội nhập học và bắt đầu cuộc sống của một “tân” sinh viên. Tôi ngỡ ngàng, choáng ngợp trước một thành phố ồn ào, tráng lệ. Nhưng điều đó không tồn tại lâu vì tôi là đứa thích nghi nhanh với sự thay đổi của hoàn cảnh.
Tôi thích sự ồn ào của phố xá, sự tấp nập, tất bật của con người ở Thủ đô. Sau vài lần theo chân ông cậu làm bên Hàng không đến vũ trường, được thưởng thức men rượu ngoại, được chìm đắm dưới ánh đèn, với tiếng nhạc mạnh rất sôi động tôi như lạc vào thế giới của những người “sành điệu”. Tôi bị cuốn theo những cuộc vui, những bữa nhậu nhoẹt, hát hò thâu đêm.
Thương cho bố mẹ vì đã quá tin tưởng vào đứa con gái yêu. Mỗi khi xin tiền tôi đều kèm theo những lí do rất “ngoan” như: đóng học phí, đi học thêm ngoại ngữ, tin học… kèm theo những dự định tương lai đẹp đẽ và lớn lao khiến bố mẹ nhiều lúc hết tiền phải đi mượn tạm đâu đó để gửi cho tôi mà không hề lăn tăn, cân nhắc.
Nhưng nguồn viện trợ đó đâu có “bõ bèn” gì so với mức tiêu xài của tôi. Một đêm đi vũ trường “tằn tiện” cũng phải mất 4 hoặc 5 triệu. Để có tiền tiêu xài khỏi mang tiếng “kém”, tôi đã bán hết số nữ trang mẹ cho làm “của hồi môn” để sau này đi lấy chồng. Thỉnh thoảng túng quá tôi lại kiếm cớ bị công an bắt xe, bị mất trộm đồ… để sang nhà họ hàng thân quen xin hoặc vay tiền.
Là một “dân chơi” nên khi trào lưu “cắn” thuốc để tăng phong độ lan nhanh như một đại dịch tôi đã bị nó cuốn phăng đi. Đồng nghĩa với nó là nhu cầu về tiền của tôi tăng cao không điểm dừng. Hết “cửa” mượn tiền những nơi thân quen, tôi lân la lên giảng đường, làm ra vẻ chăm chỉ đi học nhưng thật ra là để kiếm vài mối thân quen có khả năng về tài chính để vay mượn.
Nợ này chồng lên nợ kia khiến tôi cứ phải sống chui lủi chẳng dám gặp ai. Nhiều hôm thức dậy, mắt nhắm mắt mở vào nhà tắm thấy cái bóng trong gương mà giật bắn mình vì tưởng ai đó đến đòi nợ.
Chẳng còn ai tin tôi, thậm chí là bố mẹ tôi. Nghe em gái tôi kể: hai cụ suýt ngất xỉu khi công an đến nhà xác minh và dò hỏi tung tích của tôi. Bố tôi còn nói sẽ chém chết tôi nếu tôi bước chân về nhà, ông không có đứa con đốn mạt, mất nết như tôi.
Và rồi cái gì đến cũng sẽ đến. Tôi bị đưa về đồn công an trong tình trạng quần áo tả tơi, thân thể bầm dập, thâm tím vì bị các “chủ nợ” rình đánh. Nếu công an không đến kịp có lẽ tôi sẽ chẳng còn tồn tại trên cõi đời này nữa. Vì các “chủ nợ” hùa nhau đánh tôi cho “đủ” tiền nợ bằng với tiền viện phí.
Sau khi công an điều tra, tôi bị phạt tù vì có dính líu đến pháp luật và phải đi cai nghiện ở trung tâm…
Nơi tôi đang ngồi viết những dòng tâm sự này chính là phía sau song sắt của trại giam. Thời gian ở đây tôi đã tỉnh ngộ ra nhiều điều, đây cũng là thời gian tôi có thể “phanh” lại cuộc sống của mình để nhìn về phía sau, nhìn lại chính tôi của quãng thời gian đen tối đã qua.
Tôi biết ân hận thì đã muộn nhưng tôi mong cuộc đời sẽ mở cho tôi một con đường mới để tôi có thể làm lại từ đầu.
Hoàng Hà (dantri.com.vn)
Bình luận (0)