Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tôi “chạy” trường cho con!

Tạp Chí Giáo Dục

Hộ khẩu nhà tôi ở bờ Nam sông Cần Thơ, khu đô thị mới với tốc độ quy hoạch thuộc hàng “nóng” nhất Tây Đô; nơi có cầu Cần Thơ sắp hợp long đi qua; nơi có khu cảng “hoành tráng” đang hoàn thiện từng ngày…
Ảnh minh họa: Lao Động
Khỏi phải nói, tôi hoàn toàn hài lòng với cái mác “cư dân loại một” của mình. Mọi việc vẫn diễn ra êm đẹp cho đến ngày đứa con đầu lòng đến tuổi hát “Cháu lên ba…”.
Marathon vào… mẫu giáo
Dĩ nhiên, theo đúng qui định, “con ai về… phường ấy”. Rắc rối của tôi cũng từ đây. Suốt mấy tuần chạy đôn chạy đáo khắp các khu dân cư của cái đô thị mới này vẫn chưa tìm được một ngôi trường mẫu giáo “hợp nhãn” để gửi con.
Với cái hộ khẩu thuộc phường Hưng Thạnh (quận Cái Răng), nếu muốn học cho đúng tuyến, tôi phải gửi con vào trường mẫu giáo ở phường. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi sáng tôi sẽ phải vượt hơn 2km trên con đường “làng” ngoằn ngoèo, qua tám chiếc cầu bê tông để đưa cháu đến trường. Sau đó, mới quay trở lại cũng trên con đường ấy, để ra đường lớn mà đi tiếp đến nơi làm việc ở quận Ninh Kiều.
Thấy tôi có vẻ khổ sở, anh bạn thân – vừa là cán bộ của một sở lại có quan hệ rất tốt trong ngành giáo dục – trấn an: “Sao không cho cháu học gần chỗ làm để tiện đưa rước. Ông đưa hồ sơ đây, tôi lo cho…”.
Thế nhưng, một tuần, rồi một tháng, hồ sơ của con tôi vẫn còn nằm yên trong cặp. Mặc dù sau khi tìm mọi cách giúp đỡ không thành, anh bạn tôi còn huy động luôn cả cô em gái và thậm chí còn định nhờ đến cả cha mình – một cán bộ cấp cao của thành phố – lên tiếng giúp đỡ…
Những cuộc “chạy tiếp sức”
Năm nào cũng vậy, cứ gần đến nhập học, chuyện “chạy trường” cho con lại rộ lên, đặc biệt là ở bậc tiểu học, mầm non. Trước đây, muốn kiếm được một tấm vé cho con vào học tại ngôi trường mơ ước, các bậc phụ huynh tận dụng tất cả các mối quan hệ, thậm chí cả “giải pháp kinh tế”. Năm nay, gần đến ngày nhập học, báo chí lại rộ lên một “chiêu” mới: Chạy… hộ khẩu.
Có điều, muốn làm được chuyện này, các bậc phụ huynh phải “đầu tư” vài ba năm trước khi con mình đến tuổi đi học. Cái sự thương con của các bậc làm cha mẹ quả thật đáng nể, nhưng cũng kéo theo không ít chuyện bi hài.
Có lần, một đồng nghiệp từ Long Xuyên về Cần Thơ dự họp mặt. Tiệc tan, hơn 10 giờ đêm, anh quày quả dắt xe ra về bất chấp mọi người ngăn cản do đường xa, trời lại đang mưa. Nhưng anh không thể ở lại vì bốn giờ sáng hôm sau còn phải chở cậu con trai (đang học cấp một) đi học.
Chuyện nghe cứ như đùa, nhưng lại là thật. Nguyên nhân là con anh đang học ở ngôi trường “chất lượng cao” thuộc hàng nhất nhì thành phố. Và cũng vì “cao” quá nên ai cũng muốn gửi con vào. Kết quả là, các môn học ngoại khóa (như thể dục) nhà trường phải chia học sinh thành từng nhóm nhỏ học từ lúc… gà gáy.
Tại Cần Thơ, một kịch bản tương tự cũng có khả năng lặp lại ở Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, ngôi trường nổi tiếng với đội ngũ giáo viên không chỉ dạy giỏi mà còn rất tận tâm với học sinh.
Cái khó là số hồ sơ đăng ký vào trường này năm nay vượt rất xa khả năng mà cơ sở vật chất của trường có thể đáp ứng. Quá tải, nhưng không thể không nhận, bởi các cháu đều có hộ khẩu hợp lệ ở phường An Cư – địa bàn mà trường này có nhiệm vụ phải tuyển.
Phải đến cuối tháng Bảy mới có kết quả chính thức, nhưng theo Ban giám hiệu nhà trường, sẽ chỉ có một số học sinh được học bán trú với những điều kiện tốt nhất. Số còn lại, vẫn học hai buổi/ngày, nhưng mỗi trưa phụ huynh phải đến đón về. Thậm chí, cả phương án sử dụng đến hội trường làm phòng học cho các cháu cũng được được tính đến.
Sống chung với “trái tuyến”?
Dù muốn hay không thì chuyện "chạy" trường vẫn cứ âm ỉ diễn ra từ rất lâu. Chung quy cũng vì hai chữ “thương con” mà các bậc phụ huynh sẵn sàng tìm mọi cách để con mình được vào học ở những ngôi trường danh tiếng, hay chỉ đơn giản là để tiện việc đưa đón, chăm sóc con mình. Có thời, dân thành thị còn chạy cả hộ khẩu về… vùng sâu, vùng xa để được hưởng chính sách ưu tiên ở kỳ thi đại học…
Chuyện “xã hội hóa” ở bậc tiểu học, mầm non, đã được nhắc nhiều. Nhưng theo lãnh đạo Phòng Giáo dục quận Ninh Kiều (Cần Thơ), công tác này hiện mới chỉ dừng lại ở khối các trường tư thục. Còn các trường công lập vẫn chỉ được nhận học sinh trong quận.
Chính vì vậy, dù chỉ cách một con sông và đang công tác ngay trên địa bàn quận này, nhưng mong muốn gửi con vào trường công lập ở đây vẫn là điều không thể.
Thật ra, đó cũng chỉ là lý thuyết, vì đứa cháu gần nhà tôi mặc dù hộ khẩu ở quận Cái Răng, nhưng ba năm qua cháu vẫn đường hoàng học ở Trường Mầm non Tây Đô và năm nay, cha mẹ cháu đang chuẩn bị cho con nhập học vào Trường Tiểu học Ngô Quyền (cả hai trường trên đều thuộc quận Ninh Kiều).
Trở lại với hồ sơ của con tôi, sau hơn một tháng nhờ vả khắp nơi, chỉ còn hai tuần nữa là đợt “chạy” phải kết thúc nhưng ngôi trường cho con vào học như tôi hằng mơ ước đến giờ vẫn còn ở tận đâu đâu.
Một cơ chế mở sao cho những trường công lập có sức thu hút, đủ điều kiện cơ sở vật chất, nhận thêm học sinh ngoài địa bàn là mong mỏi của đa số phụ huynh.
Điều này không những góp phần làm hạn chế những xáo trộn (và cả tiêu cực) do việc chạy trường, chạy hộ khẩu gây ra mà còn giúp các trường có thêm nguồn thu – sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ đối với địa bàn mình phụ trách – từ các khoản phụ thu của học sinh trái tuyến để tái đầu tư, phục vụ lại cho chính người dân trên địa bàn của mình.
Rất tiếc, tất cả vẫn còn nằm trên giấy!
Theo Trường Nhân
Lao Động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)